So găng hiệu quả hoạt động 4 doanh nghiệp niêm yết ngành giống cây trồng

Kết thúc năm 2014, ngành giống cây trồng chứng kiến nhiều thương vụ về thâu tóm sáp nhập cùng những chiến lược kinh doanh mới giúp bức tranh kết quả kinh doanh cũng biến động theo chiều hướng khả quan hơn.

* Các đại gia sàn chứng khoán sẽ “làm mưa làm gió” ngành giống cây trồng Việt?
Hình minh họa
Kết quả kinh doanh cân não
Hiện có 4 doanh nghiệp ngành giống cây trồng niêm yết trên HOSE gồm TSC, NSC, SSCHAI với cơ cấu vốn ngang ngửa nhau trong khoảng 150-174 tỷ đồng. Tuy nhiên về tương lai, chắc chắn những con số này sẽ có sự chênh lệch rất lớn giữa các doanh nghiệp bởi đã có thêm sự hiện diện của những nguồn kiểm soát mới.

Nguồn: Tổng hợp từ BCTC các doanh nghiệp

Năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh chính của 4 doanh nghiệp đều ghi nhận mức tăng trưởng hơn so với năm 2013. Trong đó, đáng chú ý nhất là TSC khi tỷ suất lãi gộp biên của doanh nghiệp này vọt mạnh từ 9.75% của năm 2013 lên tới hơn 22%, cao nhất trong 10 năm qua. Đồng thời đây cũng là năm TSC vượt kế hoạch tới 12% về lợi nhuận sau thuế với gần 62 tỷ đồng.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của NSCSSC rất ổn định qua các năm với tỷ suất lãi gộp biên tăng trưởng đều và hiện đang ở mức 40% và 32%. Hai doanh nghiệp này cũng đặt kế hoạch sát với khả năng thực hiện lần lượt là 105% và 91% về lợi nhuận sau thuế.
Đối với HAI, dù tỷ suất lãi gộp biên tăng nhẹ so với năm 2013 nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 17% nên công ty chỉ thực hiện được gần 86% kế hoạch.
Lợi nhuận sau thuế 2013 và 2014 của các doanh nghiệp giống cây trồng
Đvt: Triệu đồng
Nguồn: Tổng hợp từ BCTC các doanh nghiệp

Xét về chỉ tiêu ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu), khả năng sinh lợi trên mỗi đồng vốn cổ phần của TSC ở mức cao nhất với hơn 30%, trong khi đó HAI xếp cuối bảng khi con số này chưa tới 10%. Nhóm NSCSSC gần như tương đồng nhau với 23% và 26%.
Nếu tính về BVPS (giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần), NSC nổi trội với con số ngất ngưởng tới 48,571 đồng, ứng với EPS cũng hàng đỉnh 9,504 đồng. Ngược lại, tuy các chỉ số ROE, BVPS và EPS của HAI bét bảng nhưng P/E lại nhảy lên tới gần 21 lần cho thấy sức hút của cổ phiếu này khá cao từ khi về một nhà với FLC.
Các chỉ tiêu tài chính năm 2014 của 4 doanh nghiệp

Nguồn: VietstockFinance

Chiến lược người khổng lồ?
Điểm chung của các doanh nghiệp hậu thâu tóm là kế hoạch tăng vốn khủng, mục tiêu lãi cao và những con số “đẹp”.
TSC – từ một doanh nghiệp mà năm 2012 lỗ 56 tỷ đồng, 2013 vực lên có lãi hơn 3 tỷ đồng, đến năm 2014 khi có hình ảnh hiện diện của FIT, con số lãi nhảy vọt lên 61 tỷ đồng. Và bức tranh doanh nghiệp này vẽ ra cho năm 2015 là lãi gấp 2.4 lần, đạt mức 150 tỷ đồng. Chưa dừng lại ở đó, TSC cũng sẽ được tăng vốn cực mạnh từ 158 tỷ đồng lên hơn 1,476 tỷ đồng, tức gấp hơn 9 lần.
Với kế hoạch này, ngay từ đầu năm 2015, TSC đã tiến hành nộp hồ sơ đăng ký phát hành tăng vốn đợt 1. Sau khi hoàn thành lộ trình tăng vốn khủng này, TSC sẽ tiến hành bước tiếp theo là rót vốn vào 3 công ty con gồm Westfood, Nông dược TSC và Hạt giống TSC. Bên cạnh kế hoạch đầu tư vào trọng tâm của ngành giống cây trồng thì TSC còn có tham vọng M&A các công ty cùng ngành để mở rộng quy mô.
Tương tự TSC, dù năm 2014, lãi ròng của HAI chỉ hơn 38 tỷ đồng, bằng 86% kế hoạch nhưng năm 2015 tân lãnh đạo của doanh nghiệp này đặt kế hoạch khá táo bạo với lợi nhuận tăng hơn gấp đôi lên tới 78 tỷ đồng. Cùng với đó là phương án phát hành gần 85 triệu cổ phần, tăng vốn khủng lên hơn ngàn tỷ nhằm phục vụ cho mục tiêu lọt top 3 thị phần nông dược cả nước vào năm 2016. Bên cạnh hoạt động chính cung cấp các sản phẩm bảo vệ thực vật, phân phối hạt giống ngô, ngay khi FLC nắm quyền kiểm soát, HAI còn có kế hoạch tham gia vào khâu sản xuất chế biến ngô để chuyển qua nhà máy thức ăn chăn nuôi. Nghĩa là HAI cũng được định hướng tạo chuỗi khéo kín từ giống, bảo vệ thực vật và thành phẩm.
Trước mắt, HAI cho biết sẽ xây dựng các nhà máy ở 3 khu vực tại Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và khu vực miền núi phía Bắc. Dự kiến các nhà máy này sẽ đi vào hoạt động ngay trong năm 2015. Riêng đối với NSCSSC thuộc nhóm PAN vẫn chưa có kế hoạch tăng vốn. Tuy nhiên, về phía “đầu mối” PAN đã có động thái huy động 35 triệu USD từ các tổ chức tài chính lớn như IFC (thành viên của Ngân hàng Thế giới), GIC (quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore) và TAEL (Singapore), đồng thời thành lập PAN Foods để phục vụ cho mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp của nhóm này. Trong đó, NSC sẽ là một trong những nhân tố trọng tâm của PAN trong kế hoạch của ngành giống cây trồng.
Gần đây nhất, chia sẻ với người viết, ông Michael Rosen - Tổng giám đốc PAN cho biết, một phần vốn huy động từ đợt phát hành đã bắt đầu được đầu tư vào thực phẩm đóng gói với sản phẩm hạt điều và gạo có thương hiệu sớm hơn dự kiến. Vị này cũng tiết lộ, PAN sẽ thâm nhập thị trường này với quy mô lớn hơn rất nhiều bằng một khoản đầu tư đáng kể vào một công ty có hệ thống phân phối mạnh cũng như sở hữu những dòng sản phẩm có thương hiệu.
Mục tiêu chung của PAN vẫn là hoàn thiện chuỗi khép kín từ giống – nuôi trồng – chế biến mới có khả năng cạnh tranh được với các công ty lớn khác trên thế giới.
Rõ ràng, việc tăng vốn là cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp để nâng tầm hoạt động, tuy nhiên, hiệu quả hoạt động như thế nào để “xứng” với mức vốn mới thì cũng là một vấn đề lớn cần được các doanh nghiệp lưu tâm. Bởi chìa khóa để doanh nghiệp thành công, bành trướng trong ngành, bên cạnh vốn “khủng” thì cũng cần có năng lực điều hành, kế hoạch nghiêm túc, khả năng nghiên cứu phát triển sản phẩm, hệ thống phân phối… để có những bước đi vững chắc lâu dài.