Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bứt phá khá ấn tượng trong thời gian qua. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một số rủi ro tiềm ẩn nếu như có sụt giảm mạnh bất ngờ xảy ra trong thời gian tới.
Sự tập trung quá mức vào nhóm Large Cap. Sự tăng trưởng của thị trường trong thời gian qua có sự đóng góp lớn của nhóm Large Cap. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua Bảng tỷ suất sinh lợi VS-Market Cap. VS-Large Cap luôn đứng đầu về mức sinh lợi trong nhiều tháng gần đây.
Bảng tỷ suất sinh lợi VS- Market Cap trong 3 tháng gần nhất (Nguồn: VietstockTrader)

Tuy nhiên, nếu trong thời gian tới tình trạng này vẫn duy trì thì dễ khiến cho nhà đầu tư cảm thấy lo ngại về việc tham gia thị trường vì chỉ có một số mã chủ chốt như CTG, VCB, BVH, VNM... là tăng mạnh còn hầu hết các mã khác đều chỉ đi ngang và tăng nhẹ.
Chỉ cần các mã này có sự điều chỉnh (do đã tăng nóng trước đó) thì thị trường lập tức lao dốc theo. Điển hình là những phiên giảm mạnh bất ngờ (thrust down) vào cuối tháng 01/2015 và đầu tháng 02/2015. Điều này sẽ làm gia tăng cảm giác không an toàn và khiến nhà đầu tư không tham gia mạnh vào thị trường.
Đỉnh cũ đang gần kề. VN-Index đang ở khá gần vùng đỉnh cũ tháng 11/2014 (vùng 600 – 612 điểm). Đây là vùng có khối lượng tích lũy lớn nên dự kiến giá sẽ có rung lắc tại đây.
Xa hơn nữa có thể xét đến vùng 625 – 640 điểm. Vùng này được coi là vùng kháng cự mạnh nhất và khó phá vỡ nhất hiện nay của VN-Index. Vùng này đã tồn tại từ tháng 05/2006 và sự phá vỡ nó vào tháng 12/2006 đã tạo bước đệm mới cho sự bứt phá nhanh chóng và mạnh mẽ của VN-Index trong năm 2007 nhưng điểm đáng chú ý là trong 5 lần test gần nhất thì có đến 4 lần thất bại. Vì vậy, sự cẩn trọng là rất cần thiết đối với nhà đầu tư nếu VN-Index cứ tiếp tục tình trạng giằng co mạnh như hiện nay.

Nếu tăng mạnh thêm 1 – 2 tuần nữa HNX-Index sẽ phá vỡ Fibonacci Retracement 61.8% và test lại vùng kháng cự mạnh 89.5 – 92 điểm.
Đây là vùng đỉnh cũ của tháng 11/2014 và tháng 09/2014 nên độ tin cậy là rất cao và rất khó phá vỡ trong ngắn hạn.