Kính gửi: Anh/Chị,

BẢN TIN KHUYẾN NGHỊ ĐẦU TƯ NGÀY 10/07/2017​


1. NHNN: Từ 10/7 giảm 0,25% lãi suất điều hành, 0,5% trần lãi suất cho vay ngắn hạn

- Ngày 7/7/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực từ ngày 10/7/2017. Theo đó, giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng. Cùng đó, giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
- Quyết định điều chỉnh giảm này nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 đã đề ra, trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ.

Quyết định này của Ngân hàng Nhà Nước là kịp thời và phù hợp ở thời điểm hiện tại. Nhìn về mặt vĩ mô, việc giảm lãi suất sẽ giúp doanh nghiệp giảm được giá vốn giúp tăng khả năng cạnh tranh và lợi nhuận. Giảm lãi suất cũng hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% của năm nay và gián tiếp hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng GDP phải đạt 7% trong 6 tháng cuối năm.
Việc giảm lãi suất là hoàn toàn có cơ sở khi: lạm phát 6 tháng đầu năm chỉ tăng 0,2%, dự trữ ngoại hối đạt mức cao kỷ lục 42 tỷ USD, lãi suất qua đêm chỉ còn quanh 1,65%/năm, thấp nhất trong nhiều tháng …
Đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh việc giảm lãi suất là tích cực đặc biệt đối với các doanh nghiệp có nợ vay cao.
Đối với các ngân hàng việc giảm lãi suất không có tác động tiêu cực tới lợi nhuận. Vì trong 6 tháng đầu năm,chênh lệch lãi suất bình quân đầu vào - đầu ra (NIM) của một số ngân hàng đã được cải thiện mạnh so với cùng kỳ ở mức trên 2%/năm, thậm chí có nơi đạt 2,7-2,8%/năm do nợ xấu giảm hoặc không còn phải trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu. NIM có thể giảm đôi chút đối với các ngân hàng trong nửa cuối năm nhưng khó giảm nhiều do được hỗ trợ từ việc giảm lãi suất tái cấp vốn 0,25% từ NHNN và xu hướng giảm lãi suất huy động. Lãi suất cho vay giảm sẽ giúp việc cho vay của ngân hàng trở nên thuận lợi hơn.
Tóm lại, thông tin hạ lãi suất là tích cực đối với hầu hết các thành phần của nền kinh tế và gián tiếp hỗ trợ thị trường chứng khoán.

2. Vietcombank lãi trước thuế 5.054 tỷ đồng nửa đầu năm 2017

- Ông Phạm Quang Dũng - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, VCB) đã có báo cáo chi tiết kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ kinh doanh 6 tháng cuối năm 2017 tại Hội nghị sơ kết diễn ra ngày 07-08/07. Ông Dũng cho biết, trong 6 tháng đầu 2017, VCB đạt lợi nhuận trước trích lập dự phòng ở mức 8.058 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 5.054 tỷ đồng, tăng 20,5% so nửa đầu năm 2016, tương đương 53,2% chỉ tiêu cả năm 2017.
- Phát biểu tại Hội nghị, ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Vietcombank trình bày một số kiến nghị của Vietcombank đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong đó đề nghị nới room tăng trưởng tín dụng 2017 của Vietcombank bằng mức tăng trưởng chung của ngành.

VCB là ngân hàng tốt nhất trong số các ngân hàng niêm yết hiện nay xét về mặt chất lượng tăng trưởng và tài sản. Lợi nhuận 6 tháng/2017 tăng một phần do mức trích lập dự phòng giảm sau khi đã trích lập hoàn toàn cho trái phiếu VAMC năm ngoái. Với giá đóng cửa ngày 07/07 là 38.700 đồng/CP thì hiện tại VCB đang giao dịch ở mức P/B = 2,89 lần và P/E trượt = 19,35 lần. Một mức định giá không phải là rẻ đối nếu so với mức trung bình ngành dù VCB có vị thế dẫn đầu. Người phân tích đưa ra quan điểm “phù hợp thị trường” đối với cổ phiếu VCB và khuyến nghị “chốt lời” dần đối với các nhà đầu tư đã mua được vùng giá thấp trước đó.

3. CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ:

- Kết thúc phiên, VN-Index giảm 6,92 điểm (-0,88%) xuống còn 775,73 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm điểm (169 mã giảm /105 mã tăng). Tổng khối lượng giao dịch đạt 261,56 triệu đơn vị (+9,7% so với phiên liền trước), tương ứng với tổng giá trị giao dịch đạt 4.803,3 tỷ đồng (+18,2% so với phiên liền trước). Với việc giảm điểm mạnh của chỉ số, bên cạnh đó là biên độ giao động điểm số mạnh trong phiên thì việc khối lượng và giá trị giao dịch tăng mạnh so với phiên liền trước cho thấy áp lực chốt lời mạnh mẽ. Tuy nhiên, vẫn ghi nhận sự tích cực là dòng tiền vào thị trường được duy trì khá tốt.
- Thị trường ghi nhận áp lực chốt lời mạnh mẽ ở một số doanh nghiệp đã công bố ước tính kết quả kinh doanh mà tiêu biểu là (PNJ, DCM). Bên cạnh đó phải kể đến dòng cổ phiếu chứng khoán cũng bị chốt lời mạnh sau khi ước tính kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm bắt đầu “rò rỉ”.
- Tin hạ lãi suất từ NHNN theo người phân tích chỉ có tác động tâm lý trong ngắn hạn vì từ việc hạ lãi suất cho đến khi lợi nhuận doanh nghiệp tăng lên vẫn cần một khoảng thời gian nhất định. Chính tin này có thể tạo ra một “bẫy tăng giá” cho thị trường trong vài phiên tới.
- Nhìn chung, thị trường vẫn còn kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý 2 sắp sửa công bố. Tuy vậy, giá cổ phiếu cũng đã tăng và phản ánh hết kỳ vọng này. Vì vậy, sẽ có hiện tượng chốt lời mạnh ngay khi kết quả kinh doanh được công bố. Người phân tích vẫn duy trì quan điểm thận trọng ở thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu đã tăng nhiều từ đầu năm khiến cho mặt bằng định giá cổ phiếu kém hấp dẫn. Nhà đầu tư nên ưu tiên “chốt lời” dần đối với các cổ phiếu đã đạt kỳ vọng và đặc biệt thận trọng trong việc giải ngân mua mới. Hiện tại, người phân tích không tìm ra cổ phiếu nào đủ hấp dẫn để khuyến nghị đầu tư.