Kính gửi: Anh/Chị,

BẢN TIN KHUYẾN NGHỊ ĐẦU TƯ NGÀY 13/03/2017


Bản tin này gồm có:

· Cập nhật từ đại hội cổ đông HPG.

· Cập nhật nhanh cổ phiếu VSC.

· Thị trường sẽ diễn biến như thế nào thời gian tới?

· Cổ phiếu khuyến nghị.



I. Cập nhật từ đại hội cổ đông HPG

1. Dự án thép Dung Quất:

Thông tin về dự án thép Dung Quất:



Đánh giá sơ bộ:

Giai đoạn I:

- Công suất 1 triệu tấn thép dài bổ sung sau khi giai đoạn 1 tương đương với mức 11% thị phần thép xây dựng hiện tại. Việc hoàn thành giai đoạn I có thể giúp HPG gia tăng thị phần ở miền Trung và miền Nam. Với công nghệ lò cao, lợi thế về chi phí sản xuất giúp HPG hoàn toàn có thể thâm nhập thị trường và gia tăng thị phần thép xây dựng lên 30-35% cả nước.

- Công suất 1 triệu tấn thép dây cuộn chất lượng cao chủ yếu phục vụ cho hoạt động công nghiệp, là mặt hàng hiện tại Việt Nam chưa tự chủ được và phải nhập khẩu nhiều.

Giai đoạn II:

- Việc sản xuất được thép cuộn cán nóng (HRC) sẽ giúp HPG hoàn thành phần khuyết trong chuỗi giá trị ngành thép Việt Nam. Đây là nguyên liệu chủ yếu để sản xuất tôn, ống thép và là mặt hàng Việt Nam hiện tại phải nhập khẩu 100% (Việt Nam nhập khẩu 5.6 triệu tấn HRC trong năm 2016). Tự chủ sản xuất HRC sẽ được sử dụng để phục vụ dự án tôn mạ màu và ống thép, và bán cho các doanh nghiệp tôn và ống thép nội địa và nước ngoài.

- Tuy nhiên, đối thủ cạnh tranh chính của HPG nếu bán HRC ra ngoài là Formosa và các doanh nghiệp Trung Quốc, với quy mô nhà máy lớn hơn - thường có chi phí sản xuất rẻ hơn. Cần phải theo dõi thêm hoạt động của các doanh nghiệp này, cũng như chính sách bảo hộ của Việt Nam để đánh giá tiềm năng và rủi ro của HPG trong mảng này.

2. Trả cổ tức bằng cổ phiếu + phát hành thêm:



- HPG cho biết hiện tại đã ký xong hợp đồng với Vietinbank trị giá 10.000 tỷ để tài trợ cho Giai đoạn I dự án Dung Quất, đồng thời đã huy động đủ 10.000 tỷ vốn tự có cho Giai đoạn này. Việc phát hành thêm 250 triệu cổ phiếu hoàn toàn là để phục vụ cho giai đoạn II của dự án Dung Quất, dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 8 năm 2017.

- Đây là hành động hợp lý của HPG, vì việc giữ tỷ lệ Vốn/Vay nợ ở mức 1:1 cho dự án mới có mức an toàn tài chính cao. Ngoài ra, tỷ lệ này cũng là một điều kiện có thể giúp HPG thỏa thuận đi vay với lãi suất thấp hơn thông thường.

3. Kế hoạch kinh doanh 2017:



HPG đặt ra mức mục tiêu doanh thu của cả tập đoàn là 40.000 tỷ (+18.05% yoy), LNST dự kiến là 6.000 tỷ (- 9.17% yoy).

*) Đánh giá của người phân tích:

2016 là một năm thắng lợi lớn với HPG khi ghi nhận mức tiêu thụ cũng như doanh thu và lợi nhuận kỉ lục từ khi thành lập tập đoàn. Kết quả trên có được chủ yếu nhờ 3 nguyên nhân chính sau: (1) nhu cầu thép xây dựng tăng cao nhờ tăng trưởng của ngành bất động sản và xây dựng, (2) bảo hộ thép xây dựng kéo dài 4 năm từ Bộ Công Thương giúp giảm cạnh tranh với thép nhập khẩu, (3) Công ty chốt được các hợp đồng quặng sắt giá tốt đầu năm, trong khi cả năm giá quặng sắt và than cốc tăng mạnh đẩy giá bán thép đầu ra tăng lên, điều này giúp biên lợi nhuận của HPG được cải thiện mạnh.

Năm 2017, trong ba yếu tố liệt kê ở trên yếu tố thứ (3) là không còn. HPG có thể tăng giá bán để hỗ trợ phần nào biên lợi nhuận, tuy nhiên điều này chưa hẳn đã dễ thực hiện khi mà áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thép trong nước cũng không hề nhỏ. Và quan trọng hơn, giá nguyên liệu đầu vào có thể tăng nhanh hơn giá bán đầu ra.

Kế hoạch làm khu liên hợp thép Hòa Phát – Dung Quất là hợp lý trong bối cảnh các nhà máy hiện tại của HPG đã đầy công suất. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu tư công ty sẽ phải dồn nguồn lực tài chính để làm dự án trong khi chưa có nguồn thu bù đắp cho chi phí. Giai đoạn đầu đưa vào vận hành áp lực chi phí khấu hao cũng sẽ là gánh nặng lớn. Mảng thức ăn chăn nuôi cũng đang phải đầu tư và phải tới năm 2018 mới bắt đầu có đóng góp đáng kể.

Công ty dự kiến sẽ bán ưu đãi cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10:2 với giá không thấp hơn mệnh giá, để thu xếp một phần vốn cho dự án Dung Quất. Cần lưu ý rằng, thị trường không ưa thích câu chuyện phát hành thêm cổ phiếu, và giá cổ phiếu thường giảm khi doanh nghiệp có kế hoạch bán ưu đãi cổ phiếu.

Ban lãnh đạo công ty thường đặt kế hoạch kinh doanh khá thận trọng. Kết hợp với các phân tích như ở trên, người phân tích kỳ vọng HPG có thể đạt được mức LNST 5800 tỷ cho năm 2017 (tương ứng 96% kế hoạch năm mà công ty đưa ra). Hiện tại, HPG đang giao dịch ở mức P/E 2016 = 5,3 lần và P/E dự phóng 2017 = 6 lần. Một mức định giá có vẻ thấp, tuy nhiên cần lưu ý ngành thép là ngành có tính chu kỳ nên P/E thị trường chấp nhận không cao. Trong bối cảnh mảng thép chủ lực đã đầy công suất và phải đầu tư nhiều trong các năm tới, triển vọng tăng trưởng trong vài năm tới không mấy rõ ràng. Do vậy, người phân tích đưa ra quan điểm “phù hợp thị trường” với cổ phiếu HPG. Nhà đầu tư có lợi nhuận nên chốt lời cổ phiếu. Nhà đầu tư bị kẹt nên canh các phiên tăng giá để bán ra hoặc hạ tỷ trọng.

II. Cập nhật nhanh cổ phiếu VSC

1. Kết quả hoạt động kinh doanh 2016:

Theo báo cáo kiểm toán, tổng sản lượng hàng container qua cảng đạt 610.000 TEU. Doanh thu 2016 đạt 1082 tỷ đồng (tăng 17% yoy), lợi nhuận sau thuế đạt 251 tỷ đồng (giảm 10% yoy)

2. Khách hàng mới của cảng VIP Green:

Theo thông tin vừa trao đổi với lãnh đạo VSC, Cảng VIP Green đã ký hợp đồng với hãng tàu Maersk Line (Hãng tàu lớn nhất thế giới - thị phần 15,9%).

Maersk Line chạy thêm 1 - 2 chuyến/tuần vào cảng VIP Green với tàu có trọng tải 1.500 - 1.800 TEU kể từ ngày 15/3/2017. Dự kiến, việc thêm khách hàng mới sẽ tăng sản lượng của VSC lên khoảng 70.000 - 100.000 TEU/năm.

Năm 2016, sản lượng bốc xếp dỡ tại cảng VIP Green đạt 310.000 TEU (tháng 11/2016 cầu 2 mới đưa vào hoạt động). Kỳ vọng trong năm 2017, sản lượng hàng hóa bốc xếp dỡ tại cảng này có thể tăng lên khoảng 450.000 - 500.000 TEU (tương ứng với 90% - 100% công suất thiết kế)

* Đánh giá của người phân tích:

"Hiện tại, sau khi kí thêm hợp đồng mới, cảng VIP Green đã tăng số lượng khách hàng: 4 chuyến Evergreen, 1 chuyến OOCL, 1 chuyến COSCO, 1 - 2 chuyến Maersk Line.

Đây là một thông tin hỗ trợ tốt, mang tính chất quan trọng với VSC. Người phân tích dự phóng mức EPS 2017 đạt khoảng 7.200 đồng, giữ khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 73.000 đồng (cao hơn 25% so với mức giá 58.300 ngày 10/3)

III. Thị trường sẽ diễn biến như thế nào thời gian tới?



Dòng tiền hiện tại trên thị trường vẫn đổ vào rất tích cực, thể hiện ở khối lượng giao dịch duy trì ở mức cao thời gian gần đây. Dòng tiền không tập trung vào một nhóm ngành cụ thể nào, mà có sự luân chuyển giữa nhiều nhóm ngành khác nhau, thay nhau “nâng đỡ” thị trường. Vn – Index nhiều khả năng sẽ cần một vài phiên điều chỉnh để kiểm tra lại khu vực hỗ trợ 705 điểm trước khi chinh phục các mốc điểm số cao hơn. Xu hướng chung của thị trường thời gian tới sẽ vẫn sẽ là tăng điểm, ít nhất là đến giữa hoặc cuối tháng 4. Thị trường vẫn còn nhiều thông tin hỗ trợ đến từ kết quả kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp, thông tin kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức của mùa đại hội cổ đông, kế hoạch thoái vốn của chính phủ ở nhiều doanh nghiệp lớn…

Sắp tới, thị trường cũng sẽ chào đón một doanh nghiệp có vốn hóa lớn niêm yết đó là Petrolimex (HOSE: PLX). Với một năm 2016 kinh doanh ấn tượng, kế hoạch kinh doanh 2017 tiếp tục được đặt tăng trưởng. PLX hứa hẹn là một nhân tố quan trọng hỗ trợ cho đà tăng của Index trong thời gian tới.

Thị trường cũng sẽ đón nhận hai thông tin đáng chú ý khác là đợt “review” đầu tiên trong năm 2017 của hai quỹ ETF và thông tin tăng lãi suất của cục dự trữ liên bang Mỹ - FED. Tuy nhiên, theo người phân tích hai thông tin này sẽ không tác động nhiều đến thị trường.

Khu vực điểm số hiện tại việc giải ngân mua mới vẫn an toàn và được khuyến khích. Với mức tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5 % năm nay, thị trường chứng khoán ghi nhận mức tăng khoảng 12% là hoàn toàn phù hợp với thực tại nền kinh tế. Vì vậy trong năm nay, VN-Index chinh phục mốc điểm số 750 điểm gần như là điều chắc chắn.