FxPro.com : Cập nhật tin tức vàng ngày 17/03.

Thị trường đang dịch chuyển như thể Fed vừa cắt giảm lãi suất


Các thị trường tài chính dường như đang nhắn nhủ với Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen rằng vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm hoặc thực hiện một điều gì khác, Bloomberg cho hay.

Mặc dù Fed đã quyết định nâng lãi suất thêm 0.25% như đúng như dự báo trong ngày thứ Tư, nhưng triển vọng nâng lãi suất lại mang tính thận trọng nhiều hơn dự báo của thị trường. Trong đó, lộ trình nâng lãi suất trong tương lai phần lớn vẫn không thay đổi.

Điều này đã khiến các thị trường – được đánh giá bởi sức mạnh của đồng USD, lợi suất trái phiếu, chênh lệch tín dụng và giá chứng khoán – chuyển biến như thể Fed đã cắt giảm lãi suất đi 15 điểm cơ bản, dựa trên các chỉ số từ Morgan Stanley và Goldman Sachs.

“Chỉ số về các điều kiện tài chính đã giảm bớt 14 điểm cơ bản trong ngày thứ Tư – khoảng 2.3 độ lệch chuẩn và tương đương với một đợt cắt giảm lãi suất quỹ liên bang – và hiện được xem là lỏng lẻo hơn đáng kể so với đầu tháng 12/2016, dù đã xảy ra 2 đợt nâng lãi suất trong giai đoạn đó”, Chuyên gia kinh tế trưởng, Jan Hatzius, và các cộng sự tại Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo.


Đà tăng hậu bầu cử của chỉ số S&P 500 đã chững lại trong ngày thứ Năm sau khi chỉ còn cách mức cao nhất mọi thời đại khoảng 0.5%.

Tất cả những điều trên đã khiến bà Yellen rơi vào tình huống khó xử tương tự với tình huống mà cựu Chủ tịch Fed Alan Greenspan gọi là “câu đố hóc búa” trong tháng 2/2005.

Còn nhớ, khi đó Fed đã quyết định nâng lãi suất, nhưng lợi suất trái phiếu dài hạn lại giảm sút trong khi thị trường chứng khoán leo dốc. Vào lúc đó, nhiều người cho rằng vấn đề này là do tình trạng dư tiền tiết kiệm trên toàn cầu.

Lần này, các điều kiện tài chính Mỹ đã nới lỏng một cách dứt khoát kể từ lúc Fed nâng lãi suất ngắn hạn trong tháng 12/2016, lần nâng lãi suất đầu tiên kể từ tháng 12/2015. Điều này đã mang lại động lực thúc đẩy nền kinh tế Mỹ, nhưng lại gây phiền hà đến chu kỳ thắt chặt của Fed.

Chênh lệch tín dụng ngày càng giảm sút, đà tăng của S&P 500 cũng như đà suy yếu của đồng USD thì hoàn toàn trái ngược lại với nỗi lo sợ rằng việc thắt chặt các điều kiện tài chính có thể làm giảm đi nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Dựa trên hiệu ứng tài sản, Fed nhận thức sâu sắc về mức độ thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng của các điều kiện tài chính cởi mở. “Tôi nghĩ giá chứng khoán cao hơn là một yếu tố có khả năng thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng”, bà Yellen cho biết tại buổi họp báo ngày thứ Tư, đồng thời nói thêm rằng đà sụt giảm của lợi suất trái phiếu được phát hành bởi các công ty có mức tín nhiệm thấp cũng là dấu hiệu cho thấy các điều kiện tài chính đã trở nên lỏng lẻo hơn”.

Các điều kiện tài chính lỏng lẻo là một yếu tố ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế lẫn lãi suất của Mỹ, bà Yellen kết luận.

Trước đây, Chủ tịch Fed khu vực New York, Bill Dudley, đã nói thẳng thừng về tình thế tiến thoái lưỡng nan của chính sách trong bài thuyết diễn năm 2015: “Nếu các điều kiện kinh tế không được thắt chắt – với giả định triển vọng kinh tế không thay đổi nhiều – thì rất có khả năng chúng ta phải thay đổi chính sách nhanh chóng hơn”.

Như vậy, Goldman Sachs dường như mang hơi hướng “chủ chiến” hơn về lộ trình nâng lãi suất của Fed, đồng thời dẫn chứng về đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ và các điều kiện kinh tế quá lỏng lẻo.

Tổ chức này đã nâng dự báo nâng lãi suất lên 2 đợt vào tháng 6 và tháng 9/2017, nhiều hơn dự báo trước đó với 1 đợt nâng lãi suất vào tháng 9/2017. Hiện Goldman Sachs cũng nhận thấy Fed chuẩn bị tuyên bố chấm dứt việc tái đầu tư khoản thanh toán vốn gốc – một tiến trình nhằm bình thường hóa bảng cân đối kế toán – vào quý 4 năm nay, sớm hơn so với dự báo trước đó là vào giữa năm 2018.

“Nói đơn giản hơn, Fed nâng lãi suất để thắt chặt các điều kiện tài chính”, các chuyên gia kinh tế tại Morgan Stanley, do Ellen Zentner dẫn dắt, đã cho biết. “Nếu các điều kiện tài chính không được thắt chặt thì Fed vẫn còn nhiều việc cần phải thực hiện”.