Không giao dịch quá sôi động trên thị trường, tuy nhiên nhóm cổ phiếu nhựa vẫn luôn nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư bởi tiềm năng tăng trưởng tích cực, đặc biệt khi các hiệp định thương mại TPP, FTA được ký kết.
Trên 2 sàn niêm yết hiện có khá nhiều doanh nghiệp nhựa đáng chú ý như nhựa Bình Minh (BMP), nhựa Tiền Phong (NTP), nhựa An Phát (AAA), nhựa Rạng Đông (RDP), nhựa Đông Á (DAG), nhựa Đồng Nai (DNP).

Dù cùng thuộc ngành nhựa nhưng phân khúc sản phẩm của các doanh nghiệp này lại hoàn toàn khác nhau như nhựa Tiền Phong, nhựa Bình Minh, nhựa Đồng Nai chủ yếu sản xuất ống nhựa; Đông Á chuyên sản xuất cửa nhựa còn với An Phát thì sản phẩm chủ yếu là bao bì nhựa màng mỏng.

KQKD tích cực, cổ phiếu tăng phi mã

Ngay trong quý đầu năm 2016, các doanh nghiệp ngành nhựa đã công bố những con số hết sức tích cực. Tiêu biểu có thể kể tới nhựa Bình Minh lãi 198 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước; nhựa Đồng Nai lãi 24 tỷ đồng, gấp 5,5 lần. Còn với nhựa An Phát, doanh nghiệp này ghi nhận 28,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi quý 1 năm trước công ty lỗ 6,5 tỷ đồng bởi ảnh hưởng từ giá dầu giảm.

Lãnh đạo nhựa An Phát cho biết hoạt động kinh doanh của công ty trong quý 2 tiếp tục khởi sắc với lợi nhuận tháng 4 và tháng 5 ước tính khoảng 18 tỷ đồng.

Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư mới đây, An Phát cho biết lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm 2016 của công ty ước đạt 58 tỷ đồng và ban lãnh đạo công ty khá tự tin với kế hoạch 60 tỷ đồng lợi nhuận trong 2 quý còn lại để hoàn thành vượt chỉ tiêu đã đặt ra.

Tương tự, các doanh nghiệp khác trong ngành cũng ghi nhận kết quả kinh doanh quý 1 khá ấn tượng như nhựa Tiền Phong lãi 83 tỷ đồng (tăng 19%); nhựa Rạng Đông lãi 16,8 tỷ đồng (tăng 24%); nhựa Đông Á lãi 11 tỷ đồng (tăng 22%).

Cổ phiếu nhựa bứt phá trong nửa đầu năm 2016 (đơn vị: nghìn đồng)
Cổ phiếu nhựa bứt phá trong nửa đầu năm 2016 (đơn vị: nghìn đồng)
Với kết quả kinh doanh tích cực, không quá bất ngờ khi cổ phiếu các doanh nghiệp nhựa đều tăng “phi mã”. Có thể kể tới như AAA tăng 151% so với thời điểm đầu năm, DNP tăng 135%, NTP tăng 33%....

Cơ cấu cổ đông cô đặc, cổ phiếu ít bị pha loãng

So với các nhóm cổ phiếu như bất động sản, xây dựng, dầu khí, chứng khoán…thì nhóm nhựa có thanh khoản không quá cao, các cổ phiếu như BMP, NTP, RDP, DNP chỉ có thanh khoản vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên. AAADAG có thanh khoản tích cực hơn cũng chỉ vài trăm nghìn đơn vị.

Việc thanh khoản cổ phiếu ngành nhựa không quá cao có nguyên nhân từ việc các doanh nghiệp không tiến hành tăng vốn ồ ạt và các cổ đông nội bộ, khối ngoại nắm giữ tỷ lệ lớn khiến lượng cổ phiếu lưu hành tự do là không nhiều.

Có thể thấy, lượng cổ phiếu lưu hành tự do của nhựa Bình Minh chỉ khoảng 20%, nhựa Rạng Đông thậm chí chỉ là 5%. Còn với nhựa An Phát, Ban lãnh đạo Công ty liên tục mua vào cổ phiếu từ đầu năm tới nay khiến cơ cấu cổ đông ngày càng cô đặc hơn.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trên thị trường, mức thanh khoản của nhóm cổ phiếu nhựa phù hợp cho hoạt động đầu tư bởi không bị tình trạng pha loãng quá mức.

Cổ phiếu AAADNP tăng rất ấn tượng trong 6 tháng qua
Cổ phiếu AAADNP tăng rất ấn tượng trong 6 tháng qua
Mở rộng quy mô, đón đầu các hiệp định thương mại

Nhằm đón đầu các hiệp định thương mại được ký kết, các doanh nghiệp nhựa đã liên tục mở rộng quy mô sản xuất để gia tăng thị phần trong thời gian gần đây.

Có thể kể tới như trường hợp nhựa An Phát khi công ty đang xây dựng, hoàn thiện nhà máy số 6 (công suất 3.000 tấn/tháng) và số 7 (công suất 800 tấn/tháng) chuyên xuất khẩu sản phẩm bao bì màng mỏng sang các thị trường khó tính như Nhật Bản và Mỹ. Dự kiến cả 2 nhà máy này sẽ đi vào hoạt động trong năm nay và sẽ đưa tổng sản lượng của An Phát lên 80.000 tấn/năm vào năm 2018, qua đó trở thành công ty sản xuất bao bì màng mỏng lớn nhất Đông Nam Á và vươn đến tầm thế giới.

Ngoài sản phẩm túi tự hủy, An Phát cũng đang trong quá trình đàm phán xây dựng nhà máy sản xuất bao bì phức hợp cho các sản phẩm thực phẩm như mỳ tôm, bánh kẹo, túi y tế… với công suất 30.000 tấn/năm, vốn đầu tư 300 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhựa Bình Minh cũng đã đưa nhà máy tại Long An vào hoạt động từ cuối năm 2015 để đáp ứng mức tiêu thụ lớn trong nước. Nhựa Tiền Phong cũng thông qua việc sáp nhập Nhựa Năm Sao, đưa vào hoạt động giai đoạn 1 nhà máy tại Miền Trung với công suất từ 10.000 - 15.000 tấn/năm.

Bên cạnh việc mở rộng nhà máy, các doanh nghiệp trong nước cũng tiến hành M&A để mở rộng hoạt động kinh doanh như trường hợp nhựa An Phát nắm giữ 30% cổ phần nhựa Bao bì Vinh (VBC)- một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất bao bì xi măng với hoạt động kinh doanh ổn định, tỷ lệ cổ tức rất cao.

Còn với nhựa Đồng Nai, với lợi thế nắm giữ thị phần lớn nhất trong mảng ống nhựa hạ tầng cấp thoát nước, công ty đã tận dụng lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh nước sạch. Ngoài ra, nhựa Đồng Nai cũng thực hiện thâu tóm nhựa Tân Phú (TPP) - doanh nghiệp hàng đầu trong nhóm nhựa công nghiệp. Theo ước tính, với những kế hoạch M&A được thực hiện, doanh thu nhựa Đồng Nai sẽ tăng tới 80% trong năm 2016.

Ngoài những kế hoạch đầu tư theo chiều sâu như mở rộng nhà máy, tăng công suất, các doanh nghiệp ngành nhựa còn đang tiến hành mở rộng theo chiều ngang khi thâu tóm các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả và đây sẽ là yếu tố giúp ngành nhựa ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với giới đầu tư.