TP.HCM, 09/09/2016 – Vietnam Supply Chain tổ chức Diễn Đàn LOGISTICS FORUM 2016 với sự hỗ trợ từ ABA Cooltrans, CEL Consulting, DHL Supply Chain, Infolog, Yale KLC, SSI Schaefer, Swire Cold Storage để kết nối hơn 300 doanh nghiệp, chuyên gia cùng chia sẻ và hành động để ngành Logistics Việt Nam cùng nhau hướng tới tương lai Thịnh Vượng – Bền Vững – Sáng Tạo. Với tinh thần đó, Logistics Forum 2016 sẽ không bàn về mặt hạn chế hay bất cập hiện tại của ngành Logistics tại Việt Nam, mà sẽ tập trung truyền tải những Xu thế tương lai trong Logistics mà doanh nghiệp, chuyên gia cần nắm bắt để chuẩn bị và đón đầu xu thế trở thành lợi điểm trong kinh doanh giai đoạn tới, như:
• Logistics cho Chuỗi cung ứng Lạnh – Mát trong bối cảnh ngành nông sản, xuất nhập khẩu thực phẩm tươi sống – đông lạnh tăng trong thời gian tới?
• Logistics & Mức độ Đô thị hóa tại Việt Nam: Last-Mile Logistics tới tận những điểm cuối trong tận các hẻm ngõ tại các khu vực Đô thị lớn như Tp.HCM với tốc độ đô thị hóa ngang bằng tương tự Trung Quốc, Hàn Quốc hay giao hàng tới tận tay người tiêu dùng ở những hải đảo, nông thôn hẻo lánh
• Công nghệ mô phỏng SIMCEL – Top 5 công nghệ của quản trị chuỗi cung ứng, thiết kế mạng lưới logistics tương lai
• Hệ sinh thái “An toàn” trong Phân phối
• Logistics xuyên biên giới – Từ đường bộ tới Thương mại điện tử: Một phần tất yếu trong tương lai logistics. Trung Quốc đã hưởng lợi rất nhiều từ các sàn giao dịch thương mại xuyên biên giới và hệ sinh thái hỗ trợ logistics xuyên biên giới.
• Logistics “ngược” – Logistics của Bền vững và Bảo vệ môi trường – Quản trị dòng sản phẩm hàng hóa khi đã hết sử dụng
• Quản trị Vận tải tương lai: Doanh nghiệp logistics cần lập Báo cáo theo dõi khí thải CO2 từ toàn bộ hoạt động vận tải, logistics
• Logistics chưa là sân chơi cho nhiều ý tưởng start-up “gây nhiễu” có tính ảnh hưởng lớn trong ngành nhưng đang dần có một số ý tưởng đột phá, sáng tạo như…
• Logistics đặc thù của ngành Bán lẻ tại Việt Nam
Theo World Bank 2016, Logistics tại Việt Nam hiện đang xếp hạng 64/160 trên toàn thế giới với điểm LPI 2.98. Theo Tổ chức APICS Supply Chain Council, trong ngành logistics, các công ty cung cấp dịch vụ logistics thường được gọi là LSP (Logistics Service Provider), và tạm được chia thành nhiều cấp độ từ 2PL, 3PL, 4PL, 5PL theo mức độ phát triển. Việt Nam có hơn vài ngàn doanh nghiệp đăng ký họat động trong lĩnh vực logistics hoặc liên quan. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hoạt động các doanh nghiệp này, đa phần doanh nghiệp bản chất là đại lý, công ty vận tải với quy mô rất nhỏ từ 1-5 chiếc xe tải, hay đại lý môi giới, công ty cho thuê kho bãi (tức 2PL). Ở cấp độ 2PL, về phía vận tải hàng hóa, tương tự như thị trường logistics ở Ấn Độ, hơn 75% doanh nghiệp vận tải tại Việt Nam có từ 1-5 chiếc xe thực sở hữu. Trong khi đó, các công ty có dịch vụ cho thuê kho bãi ở Việt Nam chưa thực sự làm tốt vai trò một 2PL cho thuê kho bãi mà chỉ đơn thuần hoạt động như “chủ nhà, chủ đất cho thuê”. Chỉ có một số ít doanh nghiệp logistics ở Việt Nam có thực lực và làm đúng chức năng của 3PL đúng nghĩa. Số lượng doanh nghiệp có khả năng làm 4PL ở Việt Nam gần đếm trên đầu ngón tay. Hiện ở Việt Nam, chưa có doanh nghiệp logistics nào là 5PL, kể cả khối doanh nghiệp nước ngoài hay Việt Nam. LSP tại Việt Nam được các chuyên gia đánh giá ở mức cơ bản. Theo ông Julien Brun, CEL Consulting, do hạn chế ứng dụng công nghệ, chưa xây dựng và chuẩn hóa quy trình vận hành, không đầu tư vào chiến lược kinh doanh - tầm nhìn dài hạn và khả năng nhìn bao quát bức tranh tổng thể trên toàn chuỗi giá trị và xây dựng phát triển năng lực của đội ngũ, đa phần doanh nghiệp logistic tại Việt Nam còn loay hoay vừa xây dựng chiến lược kinh doanh trong lúc vận hành hoặc thậm chí là không có chiếc lược nên có xu hướng sao chép đối thủ cạnh tranh, dẫn đến tình trạng “cạnh tranh về giá khốc liệt” cho dịch vụ logistics nhiều ngành và chỉ có rất ít doanh nghiệp logistics tại Việt Nam thực sự có lợi nhuận thực. Doanh nghiệp logistics Việt Nam rất cần phải thay đổi và khắc phục những khuyết điểm nêu trên trước khi đón đầu xu thế và cơ hội tương lai. Thực sự, “đại dương xanh” cơ hội cho doanh nghiệp logistics trong tương lai là rất nhiều đặc biệt là trong bối cảnh các xu thế dưới đây.
Ngành Logistics Việt Nam đã chuẩn bị gì cho Xu thế toàn cầu sắp tới?
Kinh tế toàn cầu dự tính sẽ tăng trưởng trung bình 3,2%/năm trong giai đoạn 2025 - 2035, trong đó hội nhập thương mại, đô thị hoá và tiến bộ công nghệ sẽ là lực đẩy chính. Sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN diễn ra đồng thời với vị thế giảm sút tương đối của Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản sẽ là những sự dịch chuyển dễ thấy nhất trong cơ cấu kinh tế toàn cầu trong vài thập kỷ tới. Trung Quốc đương nhiên chiếm vị trí trung tâm trong tiến trình này. Nhiều dự đoán Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới (tính theo giá thị trường) vào khoảng năm 2032. Trung Quốc từng là quốc gia xuất khẩu lớn nhất và là quốc gia nhập khẩu lớn thứ hai kể từ 2009. Trung Quốc dự tính sẽ trở thành nguồn cung vốn đầu tư quan trọng cho các nền kinh tế mới nổi, nhất là các nước trong khu vực. Thương mại với Trung Quốc đã chiếm 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (10% năm 2000). Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam một phần đi kèm với sự dịch chuyển các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang. Do mức lương thực tế ở Trung Quốc tăng mạnh, các cơ sở sản xuất với chi phí tiền lương thấp sẽ phải tìm đường xuống phía Nam, nơi mức lương thấp hơn, theo chiến lược “Trung Quốc+1”. Việt Nam nằm sát miền Nam Trung Quốc, là địa bàn tập trung nhiều mạng lưới sản xuất dạng này, nên sẽ có lợi thế cạnh tranh. Các nhà sản xuất có thể tận dụng lợi thế lương thấp, đồng thời tham gia vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc - một sự kết hợp rất hấp dẫn mà chỉ Việt Nam mới có. Sự quy tụ các cụm công nghiệp điện tử non trẻ ở miền Bắc (quanh Hà Nội) chính là một chỉ báo sớm về những khả năng đó. Ngoài ra, với một tầng lớp trung lưu phát triển nhanh, thị trường tiêu dùng Trung Quốc (phát triển nhanh nhất thế giới) sẽ ngày càng trở thành địa chỉ hấp dẫn hơn đối với các nhà sản xuất Việt Nam. Viễn cảnh tăng trưởng tại khu vực Đông Á (cũng như các khu vực khác trên thế giới) sẽ chịu ảnh hưởng bởi xu thế hướng tới các hiệp định tự do thương mại đa phương (thường có tính chất khu vực). Đáng chú ý nhất là Hiệp định TPP. Ngoài ra còn phải kể đến Khu vực tự do thương mại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) và Hiệp định đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP). Các hiệp định này đang trong quá trình đàm phán, trong đó TPP là tiến xa nhất. Trong các nước tham gia Hiệp định TPP có Hoa Kỳ và Nhật Bản, là các nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ ba thế giới. Toàn bộ các quốc gia tham gia TPP chiếm gần 36% tổng GDP và hơn 1/4 thương mại toàn cầu. Việt Nam có vị thế tốt để hưởng lợi từ Hiệp định này. Theo phân tích trong báo cáo này, khi TPP đi vào thực hiện thì GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 8% vào năm 2035. Các nhà phân tích khác ước tính Việt Nam sẽ hưởng lợi ở mức 2 chữ số, hơn nhiều so với mức hưởng lợi của hầu hết các quốc gia tham gia TPP khác. Việt Nam cũng có thể tận dụng các cam kết trong TPP để thực hiện những biện pháp cải cách chính sách mà thông thường sẽ khó thực hiện được về mặt chính trị, xã hội. Hội nhập thương mại đa phương theo hướng từ trên xuống sẽ được bổ sung bằng các hình thức hợp tác quan trọng cấp tiểu vùng, trong đó có hợp tác khu vực Tiểu vùng sông Mê - kông mở rộng (GMS). Các nguồn nước đang ngày càng cạn kiệt và khó lường, trong khi đó thì nhu cầu về nước và năng lượng lại tăng, đòi hỏi cần tăng cường hợp tác khu vực để đảm bảo an ninh nước và năng lượng.
Ngành Logistics Việt Nam đã chuẩn bị gì Xu thế lớn về công nghệ và mô hình kinh doanh mới?
Đổi mới công nghệ, được thúc đẩy và hỗ trợ bởi cuộc cách mạng thông tin, sẽ làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất và thương mại trên toàn thế giới. Những tiến bộ về công nghệ số như công nghệ in ba chiều (3D), công nghệ vi điều chỉnh được chương trình hóa và điều khiển số máy tính thế hệ 2 đã tạo thuận lợi cho sản xuất các sản phẩm chất lượng cao theo nhu cầu riêng một cách dễ dàng và rẻ hơn. Những tiến bộ lớn về năng lượng tái tạo (như năng lượng mặt trời) đang tạo ra thách thức ngày càng tăng đối với các nguồn năng lượng truyền thống thường gây hại tới môi trường. Công nghệ gen thế hệ mới và các tiến bộ khác trong lĩnh vực y sinh học cũng sẽ mở ra ngành công nghiệp giá trị hàng ngàn tỉ USD trong thập kỷ tới, đồng thời giúp kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Người máy hiện đại đang được sử dụng trong các công xưởng với cấp số nhân, làm tăng năng suất và tiết kiệm chi phí. Trong khi đó, cuộc cách mạng thông tin tạo tiền đề cho những đổi mới đột phá về mô hình kinh doanh. Internet đã xoá bỏ nhiều lợi thế thông tin của phương thức sản xuất tập trung và chia sẻ chi phí. Vật tư được sơ chế ở các mức khác nhau và nguyên liệu thô có thể mua dễ dàng qua internet. Các nền tảng giao dịch trực tuyến như Alibaba, Etsy, Makers’ Row cho phép nhà sản xuất tìm kiếm khách hàng mà không cần phải chi tiêu nhiều cho quảng cáo và phân phối. Các trang điện tử nhằm huy động vốn từ cộng đồng như Indiegogo và Kickstarter có thể hỗ trợ tìm nguồn vốn. Hầu hết các xu hướng trên đều mang lại cơ hội tốt. Nhưng chúng cũng có thể đi kèm những tác động phụ với những hệ quả ngoài dự kiến và cần được quản lý tốt. Công nghệ mới đòi hỏi kĩ năng cao, tiết kiệm lao động nên các ngành nghề phổ thông thuộc nhóm thu nhập trung bình sẽ dần biến mất và thay vào đó là những việc làm đòi hỏi tay nghề cao và mang lại thu nhập cao hơn. Ngay ở thời điểm này, công nghệ đã thay thế lao động thủ công trong nhiều ngành từ dệt may đến kim khí.
Diễn giả tại Vietnam Supply Chain LOGISTICS FORUM 2016 bao gồm:
• Ông Chad Ovel, Mekong Capital
• Ông Julien Brun, CEL Consulting
• Ông Lương Thi, ABA Cooltrans
• Ông Ngô Quang Trung, Swire Cold Storage
• Ông Nguyễn Huân, iCare Benefits
• Ông Fabian Wandt, LAZADA
• Bà Bùi Hải Anh, LAZADA
• Ông Pieter Pennings, CEL Consulting
• Ông Luis Lavado Vevey, Nestle
• Ông Tony Trần, P.BOX
• Ông Trần Cường, Smartlog
• Ông Koto Khanh, ITL Corp.
• Ông Nguyễn Hoài Thanh,Schenker Logistics
• Tiến sĩ Ekcart Dutz, Uncle Bills
• Ông Nguyễn Khoa, Reverse Logistics
• Bà Nguyễn Lan Phương, Baker McKenzie
• Bà Mathilde Trần, DHL Supply Chain
• Ông Nguyễn Chí Đức, Infolog
• Ông Sreenidhi Thubanakera, PwC
• ...

Vietnam Supply Chain là một tổ chức độc lập phi lợi nhuận dành cho hơn 11,000 chuyên gia trong ngành quản lí cung ứng Việt Nam và là trung tâm chia sẻ các kiến thức và hoạt động trong ngành chuỗi cung ứng tại Việt Nam từ 2008 tới nay.
Vui lòng vào trang web của Vietnam supply chain để đăng kí tham dự Logistics Forum 2016.