Đầu tư cổ phiếu tăng trưởng đòi hỏi người tham gia thị trường Chứng Khoán phải tìm hiểu rất nhiều về cổ phiếu của công ty mà nhà đầu tư dự đoán sẽ là cổ phiếu tăng trưởng trong tương lai. Tăng trưởng và tăng trưởng không ngừng, những khoản đầu tư thường mang lại lợi nhuận rất lớn cho nhà đầu tư. Thay vì trả cổ tức các công ty tăng trưởng sẽ giữ lại phần lợi nhuận ròng để đem tái đầu tư lại vào công ty để có thể tạo ra nhiều lợi nhuận hơn trong tương lai như đầu tư vào dây chuyền sản xuất giúp tiết kiệm chi phí và tăng khả năng sinh lời, hoặc cũng có thể công ty sẽ đầu tư vào đào tạo các lãnh đạo trẻ cho công ty phát triển trong tương lai... Tóm lại phần lợi nhuận ròng đó sẽ được giữ lại để phục vụ cho một múc đích duy nhất là giúp công ty có thể phát triển không ngừng trong tương lai.

Một trong những người tiên phong và là nhà đầu tư xuất sắc nhất trong trường phái Đầu Tư Tăng Trưởng chính là Philip A.Fisher. Để khẳng định được một cổ phiếu là cổ phiếu tăng trưởng thì nhà đầu tư cần bỏ ra rất nhiều công sức để tìm hiểu về công ty, lãnh đạo, những lợi thế mà nhà đầu tư tin rằng chỉ có công ty đó mới có giúp công ty có thể phát triển vượt bậc trong tương lai..... Vì một số điều kiện khắt khe của trường phái Đầu Tư Tăng Trưởng nên các nhà đầu tư nhỏ lẻ khó có thể đáp ứng đủ nguồn lực phục vụ cho quá trình điều tra cũng như phân tích, đánh giá xem đấy có phải thực sự là một công ty tăng trưởng. Chính vì những lý do đó, Phillip A.Fisher đã sáng tạo ra phương pháp "Lời đồn đại" giúp các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể tiếp cận với những cổ phiếu tăng trưởng, mang lại khoản lời tốt nhất cho nhà đầu tư.
Lời Đồn Đại
Cách nào giúp ta nhận ra đây là một công ty tăng trưởng. Có một phương pháp rất hợp lý mà chúng ta có thể nghĩ ngay đến nhưng không thực tế. Đó là tìm các nhà quản lý cấp cao ở nhiều lĩnh vực khác nhau để đánh giá khả năng của các bộ phận trong một công ty, điều tra chi tiết ban quản trị nhân sự, khả năng sản xuất, cách thức tổ chức marketing, hoạt động nghiên cứu, và các chức năng chính khác, để đưa ra đánh giá cuối cùng xem công ty đó có tiềm năng tăng trưởng và phát triển nổi trội hay không.
Phương pháp này nghe có vẻ đơn giản nhưng không may, có vài lý do khiến nó không phù hợp với các nhà đầu tư nhỏ và vừa. Thứ nhất, chỉ có rất ít người có kỹ năng quản lý cần thiết để phân tích theo cách đó. Hầu hết họ đều giữ chức vụ cao và có công việc với mức thù lao tương xứng nên sẽ không có thời gian làm những việc kiểu này. Cho dù họ đồng ý làm thì cũng khó có khả năng các công ty làm ăn phát đạt cung cấp cho người ngoài mọi dữ liệu cần thiết để đưa ra một quyết định chính xác. Một số thông tin thu được từ phương pháp này có thế quá giá trị hay mang lại lợi thế cạnh tranh quá cao để có thể cung cấp cho một người không hề có trách nhiệm gì với công ty.
Vì chính lý do trên nên những nhà đầu tư vừa và nhỏ rất khó để đáp ứng cho việc phân tích cổ phiếu tăng trưởng. Thật may mắn khi Philip A.Fisher sớm nhận ra điều này và sáng tạo ra phương pháp "Lời Đồn Đại" giúp nhà đầu tư vừa và nhỏ có thể tiếp cận được cổ phiếu tăng trưởng.
Khái quát phương pháp lời đồn đại của ông có thể tóm gọn qua đoạn văn: "Hầu hết mọi người, đặc biệt là những người cảm thấy chắc chắn rằng những điều mình nói vô thưởng vô phạt, sẽ rất thích nói về những việc họ đang làm và thoải mái đề câp tới các đối thủ cạnh tranh. Thử khảo sát năm công ty trong một ngành nào đó, hỏi một công ty các câu hỏi thông minh về những điểm mạnh và điểm yếu của bốn công ty còn lại, và bạn sẽ thu được rất nhiều thông tin chi tiết và xác thực đến mức ngạc nhiên về năm công ty này.
Tuy nhiên, ý kiến của các đối thủ cạnh tranh chỉ là một nguồn cung cấp thông tin chứ chưa hẳn là nguồn tốt nhất. Bạn sẽ ngạc nhiên không kém trước số thông tin về tình hình thực chất bạn thu được từ những người bán hàng và các khách hàng của công ty".
Sức mạnh "Lời đồn đại" của Philip A.Fisher tập trung vào giá trị cốt lõi trong việc thu thập thông tin giúp nhà đầu tư vừa và nhỏ có thể có những thông tin cần thiết để nhận định, phân tích công ty mà nhà đầu tư đang điều tra từ những nguồn lực sẵn có mà nhà đầu tư vừa và nhỏ có thể tiếp cận thuận lợi. Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư có thể áp dụng bình thường. Nhà đầu tư tại Việt Nam có thể thu thập từ nhiều nguôn thông tin khác nữa như công ty chứng khoán, nhà tư vấn, các nhà đầu tư khác,.. Nhưng nhà đầu tư cũng có cái nhìn hoài nghi về thông tin mà mình nhận được.
Nên Mua Gì? 15 Tiêu chí chọn Cổ Phiếu Tăng Trưởng.
Philip A.Fisher đã tổng kết 15 tiêu chí mà các nhà đầu tư cần lưu ý khi tham gia thị trường chứng khoán.
Tiêu chí 1: Liệu công ty có những sản phẩm và dịch vụ có đủ tiềm năng thị trường đủ lớn để tăng doanh thu ít nhất trong vài năm tới không.
Philip A.Fisher đã khẳng định việc đánh giá chính xác đường doanh thu dài hạn là cực kì quan trọng đối với các nhà đầu tư. Một sự đánh giá thiển cận, thiếu thận trọng có thể dẫn đến những kết quả sai lầm. Ngay cả những công ty nổi tiếng nhất cũng không phải luôn có doanh thu mỗi năm lớn hơn các năm trước.
Tiêu chí 2: Bộ máy quản lý của công ty có quyết tâm tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm hay những quy trình sản xuất, nhằm gia tăng hơn nữa tổng doanh thu trong khi tiềm năng tăng trưởng của các dòng sản phẩm hấp dẫn hiện tại đã bị khai thác quá nhiều.
Tiêu chí 2 dường như hơi lập lại tiêu chí 1. Nhưng thực tế lại khác. Tiêu chí 1 đánh giá một phần tiềm năng tăng trưởng thật sự của doanh thu nhờ vào sản phẩm của một công ty. Còn tiêu chí 2 đề cập đến thái độ quản lý. Liệu công ty có nhận ra đúng thời điểm phát triển thị trường hiện tại và để tiếp tục lớn mạnh có thể họ sẽ cần tạo ra những thị trường hoàn toàn mới trong tương lai? Ông khẳng định công ty nào có cả hai lợi thế, khả năng tăng trưởng ở tiêu chí 1 và thái độ quản lý tốt ở tiêu chí 2 sẽ có nhiều khả năng mang lại khoản đầu tư có lợi nhuận tối đa.
Tiêu chí 3: Những nỗ lực nghiên cứu và phát triển của công ty sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quy mô của nó.
Một tổ chức nghiên cứu cùng với khả năng hoạt động tốt đã sản xuất ra một dòng sản phẩm mới có thể mang lại lợi nhuận trong một chu kỳ kinh doanh, vẫn có thể hữu ích như vậy trong tương lai, miễn là nó tiếp tục hoạt động theo phương pháp chung.
Tiêu chí 4: Các thức tổ chức bán hàng của công ty đã hiểu quả chưa?
Những công ty thành công nhất luôn tìm cách nâng cao khả năng bán hàng của nhân viên. Lợi nhuận một lần có thể được tạo ra trong công ty nhờ những kỹ năng về sản xuất hay nghiên cứu mà không cần đến sự tổ chức phân phối thật sự mạnh mẽ. Tuy nhiên, những công ty như vậy rất dễ bị tổn hại. Để có được sự tăng trưởng bền vững thì công ty cần một đội ngũ bán hàng đào tạo và tổ chức thật tốt.
Tiêu chí 5: Biên lợi nhuận của công ty có cao không?
Đây là một chủ đề được giới tài chính coi như xương sống của các quyết định đầu tư bền vững. Trên quan điểm đầu tư, doanh thu chỉ có giá trị khi làm tăng lợi nhuận. Doanh thu tăng không có nghĩa là lợi nhuận sẽ tăng lên tương ứng.
Tiêu chí 6: Công ty đang làm gì để suy trì hoặc cải thiện biên lợi nhuận?
Thành công của việc đầu tư vào cổ phiếu của một doanh nghiệp nào đó không phụ thuộc vào những thông tin chung về doanh nghiệp tại thời điểm mua mà dựa vào những gì sẽ xảy ra sau khi cổ phiếu được mua. Do đó, biên lợi nhuận trong tương lai mới đóng vai trò quan trọng đối với nhà đầu tư.
Tiêu chí 7: Mối quan hệ giữa bộ máy lãnh đạo và người lao động trong công ty có tốt không?
Nếu ban quản lý không làm gì để các công nhân cảm thấy họ có ích, cần cho công ty, và là một phần của công ty, cũng không xây dựng lòng tự trọng của mỗi công nhân thì thái độ quản lý đó không phải là cơ sở tin cậy cho các nhà đầu tư.
Tiêu chí 8: Đội ngũ lãnh đạo công ty có đoàn kết, đồng thuận cao không?
Nếu việc giữ mối quan hệ tốt với người lao động trong công ty là vấn đề quan trọng, thì việc tạo ra không khi thẳng thắn trong bộ máy lãnh đạo cấp cao là vấn đề sống còn. Đây là những con người mà các nhận định, tài năng và kỹ năng làm việc nhóm của họ quyết định đến thành bại của bất kỳ dự án kinh doanh nào.
Tiêu chí 9: Công ty có thật sự có chiều sâu quản lý không?
Một vấn đề khác mà nhà đầu tư cũng cần lưu tâm là: đánh giá một công ty có chiều sâu quản lý không. Liệu những nhà quản lý cấp cao của công ty có sẵn sàng đón nhận và đánh giá những đề xuất của nhân viên, thậm chí, kể cả những đề xuất đó kèm theo những lời chỉ trích trái ngược với các hoạt động quản lý hiện tại của công ty?
Tiêu chí 10: Công ty có kiểm soát tốt hệ thông kế toán và phân tích chi phí.
Không có một công ty nào liên tục thành công vang dội trong thời gian dài nếu không thể phân tích mọi chi phí của mình một cách chi tiết, chính xác và đầy đủ, để có thể đưa ra chi phí của từng bước nhỏ trong mỗi hoạt động của bó. Chỉ bằng cách này thì nhà quản lý mới có thể biết cần chú ý nhất đến điều gì và liệu phương pháp giải quyết vấn dề đó có phù hợp không.
Tiêu chí 11: Công ty có chú ý đến những khía cạnh kinh doanh khá khác biệt với tính chất của ngành - những khía cạnh mang lại cho nhà đầu tư đầu mối quan trọng về mức độ nổi trội của công ty so với đối thủ cạnh tranh không?
Tiêu chí này bao quát khá nhiều vấn đề khác nhau. Đó là vì các vấn đề thuộc loại này hầu như không hề giống nhau đối với mỗi ngành - chúng có thể rất quan trong với ngành này nhưng lại rất ít hoặc không có vai trò trong ngành khác. Những kĩ năng xử lý của công ty như tổng chi phi bảo hiểm, hợp đồng nhà đất, chi phí bảo hiểm, bằng phát minh sáng chế,.. đem lại sự khác biệt giữa công ty nay và công ty khác.
Tiêu chí 12: Công ty có triển vọng lợi nhuận ngắn hạn và dài hạn như thế nào?
Một số công ty sẽ hoạt động nhằm đạt được lợi nhuận tối đa trước mắt. Trong khi đó, những công ty khác lại cắt bớt lợi nhuận trước mắt nhằm xây dựng lòng tin, và do đó có thể thu được những khoản lợi nhuận lâu dài. Một công ty chấp nhận rắc rối và phí tổn đặc biệt để chăm sóc nhu cầu của một khác hàng thường xuyên đang rơi vào tình trạng khó khăn, sẽ khiến lợi nhuận trước mắt thấp hơn nhưng lại thu được lợi nhuận cao hơn trong dài hạn.
Tiêu chí 13: Trong tương lai, nếu công ty có dự tính tăng trưởng dựa trên việc tăng vốn cổ phần bằng cách phát hành thêm cổ phiếu, thì lợi ích của các cổ đông hiện tại có giảm sút không?
Nếu công ty được cấp vốn cổ phần liên tục trong nhiều năm mà lợi nhuận các cổ đông sở hữu cổ phiếu thường chỉ tăng lên đôi chút thì chỉ có một lý do hợp lý đó là khả năng quản lý tài chính yếu kém của bộ máy điều hành.
Tiêu chí 14: Bộ máy quản lý công ty có luôn minh bạch với các nhà đầu tư về tình hình công ty khi nó hoạt động tốt nhưng lại che giấu khi có vấn đề?
Dù bất cứ hoàn cảnh nào, nhà đầu tư cũng sẽ loại trừ việc đầu tư vào những công ty đang cố găng che giấu những thông tin không tốt.
Tiêu chí 15: Bộ máy quản lý của công ty có niêm khiết không?
Chỉ có một cách bảo vệ thật sự có khả năng chống sự lạm dụng quyền lực nhằm mục đích phục vụ lợi ích cá nhân của bộ máy quản lý cấp cao nhằm giúp các nhà đầu tư thu hẹp phạm vi lựa chọn những công ty tốt có ban quản trị đáng tin cậy và ý thức rõ trách nhiệm với các cổ đông. Đó là sử dụng phương pháp "Lời Đồn Đại". Kể cả khi công ty đó có thứ hạng cao, nhà đầu tư cũng không nên đầu tư vào nếu còn nghi ngờ về bộ máy quản lý.

Quan điểm của Philip A.Fisher, bất kì một công ty nào không thỏa mãn 15 tiêu chí trên đều không đáng giá để đầu tư. Tuy nhiên một số công ty vẫn có thể là khoản đầu tư hiệu quả nếu nó hoàn toàn không đạt được một số rất ít trong các tiêu chí này. Nhưng đây chỉ là "một số" công ty, các nhà đầu tư nhỏ lẻ nên tìm những công ty thỏa mãn được 15 tiêu chí này để đảm bảo an toàn cũng như đem lại lợi nhuận tốt nhất cho nhà đầu tư.

Tìm hiểu về Philip A.Fisher và tải sách "Cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường">>>