http://www.nhadautu.vn/nhung-thieu-g...gia-d1339.html

Đó là những doanh nghiệp niêm yết lên sàn chưa lâu hoặc kết quả kinh doanh ở mức trung bình, nhưng thị giá cổ phiếu lại tăng vượt mặt các “đại gia” với tốc độ phi mã.


Những “thiếu gia” bất động sản có mức tăng trưởng giá cổ phiếu vượt mặt các đại gia
Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (mã QCG): Từ thị giá dưới chén trà đá đến thị giá 23.400 đồng

Câu chuyện bắt đầu vào ngày 22/3/2017 khi cổ phiếu QCG đã tăng trần ở mức 4.600 đồng/cổ phiếu. Cho đến phiên giao dịch 16/6/2017, cổ phiếu này chìm trong sắc tím với mức giá lên tới 23.400 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, phải sau khoảng 5 tuần giao dịch giằng co giữa mức giá 6.000 đồng và 7.000 đồng, thậm chí có những lúc cổ phiếu này tụt hẳn về mức 5.800 đồng/cổ phiếu (phiên giao dịch 12/4/2017), cổ phiếu của Quốc Cường mới thực sự tăng trưởng “phi mã”.

QCG
Diễn biến giá cổ phiếu QCG
Tính từ mức giá đóng cửa ở phiên 3/5/2017 là 8.950 đồng/cổ phiếu đến phiên giao dịch cuối tuần qua (16/6/2017) cổ phiếu này chốt ở mức giá 23.400 đồng/cổ phiếu, giá cổ phiếu QCG đã tăng 161,4%.

Tính từ đầu năm 2017, cổ phiếu QCG đã tăng hơn 561%.

Trong khi trước đó ở cả năm 2015 và 2016, cổ phiếu này chỉ giao dịch ở mức giá thua xa chén trà đá.

Quốc Cường Gia Lai có gì đặc biệt? Nhờ chuyển nhượng đất nền dự án Hải Châu và bàn giao căn hộ các dự án cho khách hàng, báo cáo tài chính năm 2016 QCG ghi nhận doanh thu và lãi lớn nhất khi đạt lần lượt 1.588 tỷ đồng và 44,8 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán bất động sản tăng gấp 5 lần năm trước, đóng góp đến 84,5% tổng doanh thu của công ty.

QCG5 nam
Doanh thu của QCG trong 5 năm gần nhất
Nhưng dư nợ vay của doanh nghiệp này tính đến cuối năm 2016 lên đến 1.770 tỷ đồng. Không có gì đáng để nói nếu như phần lớn trong số đó, cụ thể là 1.692 tỷ đồng, phải trả ngày trong Quý I/2017.

QCGnodenhan
Nợ đến hạn của QCG (BCTC quý IV/2016)
Trong khoảng thời gian cổ phiếu doanh nghiệp này bắt đầu tăng giá, đã có thông tin QCG đã chuyển nhượng dự án bất động sản Phước Kiển để nhận tạm ứng 50 triệu USD, tương ứng hơn 1.100 tỷ đồng từ Sunny Island để tất toán nợ vay với BIDV.

Công ty CP Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (mã HQC): Cổ phiếu tăng nhờ "danh dự" của lãnh đạo?

HQC4
Diễn biến giá cổ phiếu HQC
Mặc dù thị giá chẳng bằng một chén trà đá, nhưng nếu tính từ đâu năm giao dịch đến nay, cổ phiếu HQC có mức tăng không quá tệ. Tính từ phiên giao dịch 3/1/2017 khi thị giá của cổ phiếu này ở mức 2.300 đồng/cổ phiếu, cho đến phiên 16/6/2017 cổ phiếu này đã có mức giá 3.100 đồng/cổ phiếu, tăng 34,8%.

Mức tăng này thấp hơn rất nhiều so với QCG, nhưng điều đáng nói nằm ở chỗ kết quả kinh doanh 2016 của Hoàng Quân lại rất thê thảm.

Báo cáo tài chính kiểm toán 2016 của HQC ghi nhận doanh thu thuần giảm hơn 225,5 tỷ đồng, tương đương giảm 18% so với năm trước đó. Đây được coi là nguyên nhân chính dẫn đến lãi sau thuế chỉ còn vỏn vẹn hơn 20 tỷ đồng, giảm đến 82% so với trước kiểm toán.

Trong giải trình của mình, doanh nghiệp này cho rằng sự điều chỉnh số liệu trước và sau kiểm toán này đến từ nguyên tắc kế toán.

Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng để bàn thêm nếu quý I/2017 doanh thu và lợi nhuận của Hoàng Quân không tiếp tục....giảm. Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất của HQC chỉ đạt hơn 229 tỷ đồng, giảm gần 24% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng chỉ còn vỏn vẹn hơn 21 tỷ đồng, chưa bằng được một nửa so với quý I/2016.

Trong giải trình của mình, công ty cho rằng quý I/2017 chi phí bán hàng giảm 43% do trong kỳ dự án HQC Plaza đã bàn giao hoàn thiện cho phần lớn khách hàng; dự án HQC Hóc Môn đang trong giai đoạn bàn giao nhà hoàn thiện; dự án HQC Nha Trang trong giai đoạn bàn giao nhà thô nên chi phí liên quan tới bán hàng giảm.

Chi phí quản lý doanh nghiệp quý I/2017 tăng 79% do công ty đang đẩy mạnh chuẩn bị đầu tư các dự án lớn trong chiến lược đầu tư dài hạn nên làm phát sinh tăng các chi phí liên quan.

Rõ ràng, phần giải thích này không hề thỏa đáng với các nhà đầu tư sau khi họ đã nhận lời giải trình từ “cú sốc” lợi nhuận sau thuế HQC giảm hơn 80%.

Giá cổ phiếu tăng bởi "danh dự" của Chủ tịch HĐQT Trương Anh Tuấn? Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017, HQC đặt mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng, gấp mức đạt được năm ngoái 10 lần. Theo đó, các dự án nhà ở xã hội tiếp tục mang về 50% doanh thu.

Một cổ đông tại Đại hội đã đặt câu hỏi: "Đầu tư nhà ở xã hội lợi nhuận không cao, vậy vì sao HQC tiếp tục đầu tư?".

Ông Trương Anh Tuấn cho biết, hiện nay chỉ có rủi ro về chính sách tín dụng là ảnh hưởng tới công ty. Khi đầu tư nhà ở xã hội công ty sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi khác mang tính ổn định, dài hạn.

ĐIều ông nói không phải là không có cơ sở, bởi Thủ tướng Chính Phủ đã có Quyết định 630 về lãi suất cho vay ưu đãi 4,8%/năm khi mua, thuê và thuê mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2017. Đây cũng là một trong các yếu tố sẽ giúp HQC hoàn thành mục tiêu trong năm 2017.

Ngoài ra, HQC cũng tăng cường đầu tư vào các phân khúc khác, có biên lợi nhuận cao hơn như bất động sản nghỉ dưỡng (dự kiến thu về 200 tỷ đồng), bất động sản vừa ở, vừa kinh doanh (kế hoạch thu về 200 tỷ đồng), căn hộ cao cấp, trung bình và giá rẻ (500 tỷ đồng)…

Để an ủi cổ đông, tại ĐHĐCĐ công ty, ông Trương Anh Tuấn nói: ”Bằng danh dự cá nhân, những người điều hành, tôi khẳng định công ty chắc chắn hoàn thành kế hoạch lãi năm 2017 là 200 tỷ đồng, 2018 là 300 tỷ đồng, 2019 là 500 tỷ đồng và 2020 là 600 tỷ đồng”.

Công ty CP Xây dựng FLC FAROS (mã ROS): Cổ phiếu tăng trưởng hơn cả "thần kỳ"

ROS4
Diễn biến cổ phiếu ROS
Mới chỉ niêm yết vào ngày 1/9/2016 với mức giá tham chiếu là 12.600 đồng/cổ phiếu, ROS đã gây chú ý khi tăng trần 12 phiên liên tục lên mức 25.900 đồng/cổ phiếu. Tính riêng năm 2016, cổ phiếu này đã tăng 819%.

Thâm chí, có những lúc ROS tăng “bứt phá” 54 phiên liên tục (chỉ 1 phiên giao dịch đi ngang) từ mức 103.200 đồng để leo lên mức 168.000 đồng, tương ứng mức tăng gần 62,8%.

Đà tăng của ROS đã dần chững lại vào trung tuần tháng 5/2017. Theo đó, 5 phiên giao dịch liên tiếp từ phiên giao dịch 18/5/2017 đến 24/5/2017, ROS đã giảm gần 24,8% từ mức 157.100 đồng xuống mức 126.000 đồng.

Cổ phiếu có mức tăng trưởng hơn cả “thần kỳ” trong 9 tháng chào sàn này cũng đã khiến nhà đầu tư sốc nhẹ khi được cặp đôi ETF ngoại lớn nhất Việt Nam là FTSE Vietnam ETF và VNM ETF lựa chọn.

Tuy vậy, trong ngày giao dịch 16/6/2017, khi được VNM ETF mua vào 3 triệu cổ phiếu, ROS đã giảm sàn xuống mức 97.000 đồng/cổ phiếu, mức thấp nhất từ đầu năm cho đến nay.

Tuy vậy, so với mức giá tham chiếu ở phiên giao dịch đầu tiên, thị giá ROS đã tăng gần 670%.

Được biết, trong cơ cấu cổ đông của ROS, ông Trịnh Văn Quyết đang nắm hơn 289,5 triệu cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 67,34%. Tổng tài sản của ông chủ yếu là cổ phiếu ROS. Do đó, với việc cổ phiếu này giảm sàn liên tiếp ba phiên giao dịch, ông Quyết đã mất ngôi vị người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Trong năm 2017, ROS đặt mục tiêu doanh thu ở mức 4.915 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 588 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty cũng dự kiến chia cổ tức 2016 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%. Năm 2017 công ty dự định sẽ trả cổ tức với tỷ lệ không thấp hơn 50% lợi nhuận sau thuế./.