Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh giải thích, việc tăng vốn có nhiều hình thức không phụ thuộc vào lỗ hay lãi.
Làm rõ về quy định các tổ chức tín dụng khi chào bán cổ phiếu ra công chúng là một trong những nội dung còn có ý kiến khác nhau tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, sáng 10/11.
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị không áp dụng điểm b khoản 1 điều 12 Luật Chứng khoán hiện hành quy định một trong các điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng là doanh nghiệp phải hoạt động kinh doanh có lãi tại năm liền trước năm đăng ký chào bán đối với các tổ chức tín dụng trong trường hợp tổ chức tín dụng phát hành cổ phiếu để tăng vốn theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Viết Ngoạn giải thích, hoạt động của tổ chức tín dụng mang tính chất đặc thù cao, nhu cầu tăng vốn của tổ chức tín dụng nhiều khi không phải vì mục tiêu mở rộng hoạt động, mà có khi do các yếu tố phát sinh từ bên ngoài làm thay đổi cơ cấu tài sản, cơ cấu vốn đã buộc tổ chức tín dụng cần phải tăng vốn vì mục tiêu đảm bảo an toàn của hoạt động cho tổ chức tín dụng đó, cũng như bảo đảm an toàn hoạt động cho cả hệ thống ngân hàng và cho nền kinh tế nói chung.
“Và lãi, lỗ của tổ chức tín dụng trong vòng 1 năm cũng không phản ánh một cách rõ thực chất chất lượng hoạt động của tổ chức tín dụng đó vào thời điểm đó”, ông Ngoạn nói.
Cũng theo đại biểu Ngoạn, các cơ quan quản lý Nhà nước không phải chờ đến khi tổ chức tín dụng phát hành cổ phiếu ra công chúng mới giám sát mà phải giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng đó hàng ngày và bảo vệ lợi ích không phải chỉ có nhà đầu tư và cổ phiếu, mà bảo vệ lợi ích của cả người gửi tiền nữa.
“Chính vì vậy chúng tôi đề nghị riêng trường hợp của tổ chức tín dụng thì cho phép khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phát hành vốn thì không áp dụng điều khoản của Điều 12 nó quá chặt ch”.
Đăng ký phát biểu lần 2, đại biểu Nguyễn Văn Thời băn khoăn về giải thích của đại biểu Ngoạn vì “nếu như trong quá trình hoạt động có vướng mắc thì Chính phủ phải trình lên thì Quốc hội mới sửa, nhưng Chính phủ không trình”.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Viết Ngoạn cũng tiếp tục đứng dậy để “cung cấp thêm thông tin là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chính thức đề nghị không áp dụng khoản 1, điều 12 của Luật Chứng khoán hiện hành đối với các tổ chức tín dụng. Đó không phải là ý kiến riêng của Ủy ban Kinh tế”.
Trước các ý kiến còn khác nhau, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh giải thích, việc tăng vốn có nhiều hình thức không phụ thuộc vào lỗ hay lãi. Còn dự luật này chỉ quy định khi phát hành ra công chúng để tăng vốn thì không được lỗ, vì “lỗ là rất nguy hiểm”.
“Khi anh phát hành ra công chúng có nghĩa là anh huy động vốn của hàng triệu nhà đầu tư trên thị trường, sự rủi ro này vô cùng lớn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thị trường chứng khoán chỉ can thiệp khi công ty phát hành ra công chúng mà hàng triệu nhà đầu tư có thể tham gia thì công ty đó phải đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, Bộ trưởng giải thích.
Quan điểm của Ban soạn thảo, theo Bộ trưởng là tổ chức tín dụng thì hoạt động theo Luật tổ chức tín dụng và ngân hàng. Nhưng khi có những hoạt động liên quan đến chứng khoán thì phải tuân thủ Luật Chứng khoán.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, “đương nhiên phải áp dụng cả hai Luật tổ chức tín dụng cũng như những quy định hiện hành của Luật Chứng khoán mới đảm bảo chặt chẽ được”.
Vì, đây là một lĩnh vực hoạt động rất đặc thù, rất nhạy cảm, nên "không chỉ nhìn vấn đề của một doanh nghiệp mà nhìn ở góc độ an toàn của cả hệ thống".
Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán sẽ được Quốc hội thông qua ngay tại kỳ họp này.