Theo thời báo VNEconomy (http://vneconomy.vn/?home=detail&pag...ad55a42278dacc)


Nghị định 69/2007/NĐ-CP (ngày 20/4/2007) cho phép mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và người có liên quan lên mức 15% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam. Trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ có thể cho phép vượt quá 15%, nhưng không vượt quá 20%.

Mức mở room như vậy được cho là quá thận trọng và không tác động nhiều đến các ngân hàng.

Mở chưa xứng tầm “chiến lược”

Theo cam kết WTO, Việt Nam vẫn giữ hạn chế về mua cổ phần trong ngân hàng không quá 30%. Trong một tương lai gần, có lẽ Việt Nam sẽ không có sự thay đổi về tổng mức sở hữu cổ phần (room) đối với nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, điều được mong chờ là nâng hạn mức dành cho một nhà đầu tư nước ngoài trong một ngân hàng.

Theo quy định trước đây, một nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu cổ phần quá 10% vốn điều lệ của một ngân hàng nội địa. Tuy nhiên, theo mức độ mở cửa của Việt Nam, hầu hết nhà đầu tư nước ngoài khi đàm phán mua cổ phần của các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam đều đề nghị mua 20% (mức mà họ dự kiến là Chính phủ Việt Nam sẽ cho phép một nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ), thậm chí Citigroup còn có kế hoạch mua 30% vốn điều lệ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (EAB).

Một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng chờ Chính phủ cho phép để tiếp tục bán thêm 10% cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài của mình. Việc Chính phủ mở thêm room cho một nhà đầu tư nước ngoài lên mức 15% (và đến mức 20% nếu được phép của Thủ tướng) tuy được coi là cơ hội mới cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của các ngân hàng thương mại nội địa và các nhà đầu tư nước ngoài.

Mặc dù về nguyên tắc, một ngân hàng trong nước có thể bán cổ phần cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong khuôn khổ 30% vốn điều lệ, nhưng đa phần các ngân hàng chỉ bán cho một và cùng lắm là ba nhà đầu tư nước ngoài.

Nhà đầu tư nước ngoài khi trở thành đối tác chiến lược đầu tư vốn và hỗ trợ công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm cho ngân hàng nội địa thì họ hoàn toàn không muốn có bất cứ đối tác nước ngoài nào khác cùng mua hoặc mua tiếp số cổ phần của ngân hàng họ đã mua. Họ muốn có một phần sở hữu đủ mạnh để có quyền tham gia các quyết định kinh doanh của ngân hàng thương mại nội địa.

Mức sở hữu 10%, thậm chí là 20% vốn điều lệ đối với họ là quá thấp. Hơn nữa theo lý luận của đại diện một ngân hàng nước ngoài, Việt Nam đã cho phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài thì có khả năng cả ngân hàng mẹ (ở nước ngoài) và ngân hàng con cùng mua cổ phần (10% theo quy định trước đây) của một ngân hàng thương mại Việt Nam thì mức này đã đương nhiên là 20%.

Đã có ý kiến đề nghị Chính phủ Việt Nam mở room cho một nhà đầu tư nước ngoài đến mức ngang bằng tổng mức sở hữu nước ngoài trong một ngân hàng là 30%. Khá tin tưởng vào mức mở room rộng của Việt Nam trong tương lai gần, một số đối tác nước ngoài đã có kế hoạch và lộ trình cho kế hoạch mua 30% vốn điều lệ của đối tác phía Việt Nam


Vì vậy, việc nâng tỉ lệ sở hữu của một nhà đầu tư nước ngoài chỉ thêm lên 5% và 10% (nếu được phép của Thủ tướng) chắc sẽ làm thất vọng nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tỉ lệ này chưa đủ để các tổ chức tín dụng nước ngoài thực sự đóng vai trò nhà đầu tư chiến lược của các ngân hàng Việt Nam.

Cân nhắc “nội”, “ngoại”

Từ 2005 trở về trước, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần hào hứng với việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài vì bối cảnh lúc đó họ còn khá yếu về tài chính, thương hiệu và dịch vụ.

Sau sự kiện ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) bán cổ phần cho 3 cổ đông nước ngoài (Dragon Capital, IFC, ANZ) và ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) bán cổ phần cho Standard Chartered Bank, người ta dự đoán sẽ có một “làn sóng” liên kết chiến lược của hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần với đối tác chiến lược nước ngoài.

Nhưng tình hình diễn ra chưa hẳn như vậy.

Theo ý kiến của một số chuyên gia tài chính, thời điểm này nhiều ngân hàng thương mại cổ phần chưa vội vàng bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Các ngân hàng thương mại cổ phần đô thị thì đang cân nhắc về thời điểm và đối tác phù hợp vì cần xây dựng một vị thế nhất định về quy mô, mạng lưới... để có cái mặc cả.

Một số ngân hàng đã ký biên bản ghi nhớ thì chưa vội vàng thực hiện vì muốn được tăng vốn điều lệ trước khi bán hoặc tiếp tục bán thêm. Ngoài ra, khi giá chứng khoán đang thấp, nếu chưa có những thoả thuận thì chắc chắn các ngân hàng thương mại cổ phần chưa vội bán hoặc bán thêm cổ phần vì sẽ không đạt thặng dư vốn lớn.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam khá dễ dàng trong việc tăng vốn điều lệ từ các nhà đầu tư trong nước. Điều chủ yếu mà họ cần khi liên kết chiến lược với đối tác nước ngoài là thương hiệu và kinh nghiệm quản lý hiện đại. Một số ngân hàng thương mại cổ phần đang cân nhắc đến việc bán cổ phần cho nhiều đối tác thay vì chỉ bán cho một nhà đầu tư.

Ngay các ngân hàng thương mại nhà nước trong phương án cổ phần hóa cũng tính đến khả năng tìm kiếm nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Hơn nữa, điều mà cả nhà đầu tư nước ngoài lẫn các ngân hàng mong chờ là các thủ tục để bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài được tiến hành đơn giản, dễ dàng hơn. Việc quy định nếu sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ phải được Thủ tướng quyết định căn cứ trên đề nghị của Ngân hàng Nhà nước cũng là một thất vọng của các bên có liên quan.

Theo nhiều ý kiến, Chính phủ chỉ nên quy định điều kiện mua/bán và tổng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, còn mức sở hữu thì nên mở đến 20% mà không phải xin phép.