Nếu kịp lên sàn vào tháng 9, Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn sẽ là doanh nghiệp thứ ba trong ngành giấy niêm yết tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán TPHCM, sau Giấy Hapaco (mã HAP) và Giấy Viễn Đông (mã VID). Các cổ phiếu ngành giấy hiện nằm ở tốp dưới với mức giá giao dịch chưa đến 100.000 đồng/cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng). Tuy nhiên, giới đầu tư nhận định, về lâu dài, các cổ phiếu này vẫn có tiềm năng do ba doanh nghiệp nói trên đều đang đầu tư mạnh, hứa hẹn sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới.


Sức cạnh tranh của ngành yếu

Công ty Giấy Sài Gòn đang chào bán ra ngoài 3 triệu cổ phiếu trước khi chính thức niêm yết. Ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty, dự kiến mức giá chào bán thành công vào khoảng 60.000 đồng/cổ phiếu, gấp 6 lần mệnh giá. Trong giai đoạn thị trường đang đi xuống, mức giá mà ông Vị kỳ vọng là khá cao đối với một doanh nghiệp thuộc ngành giấy. Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu HAP của Hapaco - doanh nghiệp lên sàn từ năm 2000 - hiện chỉ ở mức 77.000 đồng (phiên 9-7); cổ phiếu VID của Giấy Viễn Đông ở mức giá 60.000 đồng.

Thực tế, các doanh nghiệp ngành giấy nói trên đều có quá trình hoạt động khá lâu và từ đó đến nay đều nỗ lực phát triển. Công ty Giấy Viễn Đông sau 24 năm là doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa vào năm 2000 và ngay năm đầu tiên sau cổ phần hóa, doanh số đã tăng 9 lần, tiếp theo các năm về sau đều tăng hơn so với năm trước. Công ty này chính thức niêm yết vào 25-12-2006 với vốn điều lệ 84,57 tỉ đồng mà về cơ cấu sở hữu không còn cổ phần nhà nước nắm giữ; chỉ có sở hữu cổ phần trong công ty là 41,49%, bên ngoài công ty là 58,51%. Theo bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), năm 2005, doanh thu thuần của Giấy Viễn Đông là 201,14 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 9,54 tỉ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu 17,7%. Năm 2006, các con số này tương ứng là 265,68 tỉ đồng, 10,68 tỉ đồng, và 9,9%.

Công ty Hapaco nguyên là Công ty cổ phần Giấy Hải Phòng được đổi tên từ năm 2006. Công ty này cổ phần hóa từ năm 1999 và cũng tăng trưởng nhanh ngay những năm đầu sau cổ phần hóa. Trong các năm gần nhất - năm 2004 và 2005, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần của Hapaco là 10,4% và 11,3%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức 20,6% và 20,9%. Vốn điều lệ của công ty là 60 tỉ đồng nhưng nguồn vốn chủ sở hữu đến hết năm 2006 đã là 172 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế trong năm này hơn 18 tỉ đồng trên doanh thu thuần 172,84 tỉ đồng...

Tuy nhiên, theo nhiều nhà đầu tư, các công ty có tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần bình quân khoảng 10 - 11% là chưa hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Mặt khác, nhiều năm qua sức cạnh tranh của ngành giấy trong nước khá yếu, được dự báo sẽ có nhiều khó khăn trong cạnh tranh hội nhập sắp tới. Thuế nhập khẩu giấy đã giảm dần kể từ năm 2005 khi thực hiện lộ trình hội nhập AFTA và hiện chỉ còn bình quân khoảng 5% đã khiến mức độ cạnh tranh giữa giấy nhập khẩu và giấy trong nước càng trở nên gay gắt. Trong khi đó, năng lực sản xuất ở nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn chưa được cải thiện nhiều. Ngay cả tại một số công ty lớn, máy móc thiết bị và dây chuyền sản xuất đã quá cũ kỹ, lạc hậu dẫn đến năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm không cao. Theo báo cáo của Hiệp hội Giấy Việt Nam tại đại hội của ngành vào năm ngoái, về sản xuất bột giấy, trong nước vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu và phải nhập khẩu đến hơn 60%. Về chủng loại giấy, trong nước sản xuất vẫn chủ yếu là giấy in báo, giấy viết, giấy bao bì loại thường, rất ít doanh nghiệp sản xuất được giấy cao cấp.

Đầu tư đa ngành

Với hai doanh nghiệp ngành giấy đã niêm yết là Giấy Hapaco và Giấy Viễn Đông, có thể thấy chiến lược phát triển trong thời gian qua đang đi theo hướng đầu tư đa ngành. Sau gần bảy năm niêm yết trên sàn chứng khoán, Hapaco từ một doanh nghiệp quy mô tương đối nhỏ đã nhanh chóng trở thành doanh nghiệp mạnh trong ngành. Năm ngoái, cùng với việc hoàn thành xây dựng nhà máy giấy mới sản xuất giấy Kraft, Hapaco cũng tuyên bố rằng công ty đã trở thành doanh nghiệp sản xuất lớn thứ hai trong ngành công nghiệp giấy miền Bắc có tổng công suất trên 60.000 tấn giấy/năm.

Tuy một mặt vẫn đi theo hướng sản xuất giấy bằng việc đầu tư đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm giấy, nhưng song song đó, công ty cũng thông qua thị trường chứng khoán để thu hút vốn đầu tư với mục tiêu trở thành một công ty đa ngành, đa lĩnh vực. Mới đây, theo nghị quyết đại hội cổ đông của công ty, trong các dự án sẽ phát triển từ nay đến 2010, ngoài một số dự án cho ngành giấy thì còn có dự án xây dựng nhà máy hóa dầu, trung tâm thương mại - cao ốc văn phòng cho thuê, dự án nhà máy dược phẩm... vốn huy động phục vụ cho mục tiêu này tính theo mệnh giá cổ phần lên đến 180 tỉ đồng, gấp ba lần so với vốn điều lệ hiện tại (nâng vốn điều lệ sau khi phát hành lên hơn 240 tỉ đồng).

Với Công ty Giấy Viễn Đông, tuy vẫn được xem là doanh nghiệp ngành giấy nhưng từ sau cổ phần hóa, doanh nghiệp này đã xác định lĩnh vực sản xuất kinh doanh là đa ngành, trong đó ngành in là ngành chủ lực đóng góp vào doanh thu và tốc độ tăng trưởng của công ty. Hoạt động khác mà Giấy Viễn Đông xem là hoạt động nổi bật của mình trong năm 2006 lại là đầu tư tài chính. Hiện công ty đã đầu tư dài hạn vào các công ty khác là Công ty cổ phần Giấy Mai Lan, Công ty Xe đạp - Xe máy Sài Gòn, Công ty Chè - Cà phê Di Linh, Công ty Chè Minh Rồng. Trong kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ trong năm 2007, Giấy Viễn Đông cũng dự kiến sẽ dành ra 30 tỉ đồng từ nguồn vốn huy động để tiếp tục đầu tư tài chính vào các công ty khác.

Với doanh nghiệp sắp lên sàn là Công ty Giấy Sài Gòn hiện vẫn tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh giấy với mức độ đầu tư trong thời gian qua khá mạnh. Từ một doanh nghiệp nhỏ với quá trình hoạt động chỉ hơn 10 năm nhưng hiện tại vốn điều lệ của công ty này đã hơn 100 tỉ đồng, tổng tài sản tính đến năm 2006 hơn 427 tỉ đồng. Để chuẩn bị cho sản phẩm có sức cạnh tranh, Giấy Sài Gòn từ bốn năm qua đã tập trung cho việc đầu tư xây dựng nhiều nhà máy mới và trang bị dây chuyền hiện đại. Tháng 4 năm nay, Nhà máy Giấy Mỹ Xuân của công ty này đặt trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bắt đầu hoạt động với công suất hơn 90.000 tấn/năm, sản xuất cả giấy công nghiệp lẫn giấy tiêu dùng. Hai nhà máy khác cũng đang trong giai đoạn xây dựng tại miền Trung và miền Bắc, dự kiến sẽ hoạt động vào giữa năm 2008 và năm 2009. Doanh thu mà Giấy Sài Gòn dự kiến khi các nhà máy mới đã hoạt động hoàn toàn có thể lên đến hơn 2.000 tỉ đồng/năm. Cùng với việc đầu tư nhà máy, công ty này cũng chịu đầu tư khá nhiều cho việc mở rộng hệ thống phân phối và đẩy mạnh xuất khẩu; sản phẩm của công ty hiện đã có mặt ở một số nước trong khu vực. Tuy ngành giấy chịu áp lực cạnh tranh cao nhưng ông Vị tự tin rằng với việc đầu tư và mở rộng thị trường như hiện nay, công ty sẽ đủ sức cạnh tranh.