Bầu Đức: Sản xuất thủy điện có khi "ngon" hơn bất động sản






Ngày 31/08/2010, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã tổ chức lễ công bố phát hành trái phiếu cho đối tác chiến lược Temasek Holding và số tiền này đã được chuyển về cho HALG.


Như các thông tin đã đưa trong Nghị quyết Đại hội cổ đông của HAGL về việc tái cấu trúc Tập đoàn thành công ty mẹ và 5 tổng công ty sở hữu và quản lý 5 ngành nghề kinh doanh chính bao gồm: cao su, khoáng sản, bất động sản, thủy điện và sản xuất gỗ đá. Đây cũng là thứ tự ưu tiên từ trên xuống của Tập đoàn đối với từng ngành.
Tuy nhiên trả lời câu hỏi của một NĐT về hai ngành khai khoáng và thủy điện của HAGL có khả năng gặp khá nhiều rủi ro, với việc đàm phán điện với EVN chỉ 700 đồng/Kwh, liệu hiệu suất thu hồi vốn có thấp, ông Đức cho rằng ngành thủy điện có khi “ngon” hơn bất động sản.
Theo ông Đức, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thủy điện đa số là doanh nghiệp nhà nước, HAG là tập đoàn sở hữu thủy điện tư nhân nhiều nhất nước, vấn đề hiệu quả hay không là ở suất đầu tư. HAGL hiện đang sở hữu 17 dự án tại Tây Nguyên, Thanh Hóa và Lào với tổng công suất 420 MW, đây là nguồn tài nguyên quý được tạo ra từ những dòng sông có thác ghềnh và không thể tái tạo và không phải ở đâu cũng có. Với vốn đầu tư cho 17 dự án này khoảng 6300 tỷ đồng, tính ra để đầu tư 1 MW HAGL mất 15 tỷ đồng, nếu so sánh với các doanh nghiệp khác đầu tư 1MW 30 tỷ thì rõ ràng lợi thế hơn hẳn.
Ngoài ra, trong tương lai, Nhà nước sẽ xóa độc quyền kinh doanh điện và thực hiện cơ chế cạnh tranh, giá điện sẽ được xác lập theo thị trường, khi đó lợi nhuận từ các công ty thủy điện sẽ rất lớn.
Tiếp theo, trả lời câu hỏi của một NĐT về lo lắng hạn hán trong năm thì các doanh nghiệp thủy điện có thể phải “bỏ không” nửa năm, theo ông Đức, dự toán của một nhà máy thủy điện một năm chạy tối đa 5.000 giờ và chạy tối thiểu 4.000 giờ, mỗi năm bao giờ cũng có mùa mưa và mùa khô, trong dự toán lúc nào cũng tính độ an toàn, dao động chạy từ 4000 – 5000 giờ và phòng ngừa chuyện dự trữ nước.
Còn đối với ngành khai khoáng, ông Đức đưa ra giá thành sản xuất 1 tấn quặng tinh hàm lượng 65% của HAGL chưa tới 25$/tấn (đối với mỏ ở Việt Nam) và 35$/tấn (đối với mỏ tại Campuchia – do còn tiền vận chuyển…) trong khi giá quặng trung bình thế giới khoảng 145 -150$/tấn thì không lý do gì làm không hiệu quả.
Tuy nhiên theo ông Đức, HAGL sẽ không vội bán quặng sắt ngay trong năm nay do không còn chịu áp lực về vấn đề hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm (3.000 tỷ đồng). “Việc có bán quặng sắt trong năm nay hay năm sau chúng tôi sẽ xem xét lại trong hội đồng”, ông Đức nói.



HCM khuyến nghị mua cổ phiếu HAG



CTCK Tp.HCM (HSC, mã CK: HCM) dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2010 sẽ đạt 3,186 tỷ đồng và lợi nhuận thuần đạt 2,390 tỷ đồng, P/E dự phóng đạt 9.9 lần. HSC ưa chuộng HAG do đội ngũ lãnh đạo năng động, khả năng tiếp cận với các dự án và khả năng thực hiện dự án tốt.
Với một lượng dự án lớn và các kế hoạch phát triển đầy tham vọng trong tương lai, công ty cần lượng vốn lớn và chúng tôi lo ngại một chút việc công ty có thể huy động vốn bằng cách nào. Và công ty có vẻ đã tìm ra những đối tác tốt và sẵn sàng bán cổ phần tại các công ty con trong tập đoàn thì sự lo ngại của HSC đã phần nào giảm bớt.
Các nhà đầu tư cần theo dõi sát việc triển khai của lĩnh vực hoạt động khai thác mỏ của HAG vì dự kiến mảng này sẽ bắt đầu đem lại lợi nhuận. Theo HSC, HAG là một cổ phiếu nên nắm giữ trong dài hạn và trong khi công ty đang phát triển khá nhanh thì theo HSC quản lý vẫn là yếu tố quan trọng nhất.