Quốc hội đã phê chuẩn nhiệm vụ và mục tiêu kinh tế của năm 2012 theo 2 kịch bản tăng trưởng, coi đó như mục tiêu hành động chính thức của nền kinh tế Việt Nam trong năm tới.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã đưa ra nhiều nhận định, mổ xẻ về hai kịch bản này, từ đó đưa ra những ý kiến về kịch bản hành động để hiện thực hóa những mục tiêu này.

Bài toán cũ: Lạm phát thấp, tăng trưởng cao

Theo đánh giá của ông Thiên, các mục tiêu đề xuất trong cả hai kịch bản đều khá lạc quan so với kết quả thực tế đạt được năm 2011. Có một số vấn đề cần được đặt ra cho kịch bản mục tiêu này (so năm 2012 với 2011):

1. Tổng đầu tư xã hội giảm từ 39,8% GDP xuống 33,5 - 34% GDP; nhưng GDP tăng trưởng với tốc độ cao hơn (6 - 6,5% so 5,8% hiện nay). Như vậy hiệu quả đầu tư buộc phải tăng lên. Vậy giải pháp nào để tăng hiệu quả?

2. Xuất khẩu tăng trưởng chậm hơn nhiều (12% so 31%), nhưng thâm hụt thương mại tương đương năm 2011 - có nghĩa là nhập khẩu cũng tăng trưởng chậm hơn nhiều. Điều đó có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng GDP ?

3. Lạm phát thấp hơn nhưng tăng trưởng GDP cao hơn hoặc tương đương. Trong bối cảnh chính sách tài khóa và tiền tệ tiếp tục thắt chặt, các doanh nghiệp vẫn sẽ khó tiếp cận vốn. Điều này là một hạn chế đối với mục tiêu tăng trưởng.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là kịch bản, con số mục tiêu mà chưa có kịch bản hành động đi kèm. Với bối cảnh chung của kinh tế 2012 là khó khăn hơn nhiều so với năm 2011, ông Thiên đặt vấn đề phải chăng kịch bản chưa tính tới ảnh hưởng của xu hướng suy thoái thế giới và tình trạng phá sản, đóng cửa của một số lớn doanh nghiệp trong năm 2011 đối với tốc độ tăng trưởng GDP?

Cần những giải pháp hành chính “mạnh tay”

Ông Thiên cho rằng định hướng hành động cho năm tới là tình huống cấp bách thì phải có liệu pháp đặc biệt, theo nguyên lý “lấy độc trị độc”. Cần một kịch bản hành động mạnh, rõ ràng, theo đúng tinh thần tái cơ cấu là nhiệm vụ chính của 2012, coi tái cơ cấu cũng là cách tiếp cận chủ đạo của kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, phục hồi các cơ sở cho quá trình tăng trưởng mới. Giải pháp tái cơ cấu phải được coi là trục giải pháp chính của ổn định hóa và khôi phục tăng trưởng; các giải pháp chính sách tiền tệ là mang tính hỗ trợ.

Tập trung vào các giải pháp chính sách tài khóa và cải cách doanh nghiệp nhà nước. Cách tiếp cận giải pháp là: Thực hiện các giải pháp mạnh để xoay chuyển tình hình; Chấp nhận trả giá để hạ nhanh lạm phát, tái lập ổn định vĩ mô vững chắc, khôi phục lòng tin và phục hồi các cơ sở tăng trưởng.

Ông Thiên nói :”Chúng ta cần thực hiện các giải pháp mạnh để xoay chuyển tình hình. Tại thời điểm này, không nên chần chừ, cân đo, chi li từng khía cạnh của các giải pháp hành chính. Mà hiệu quả để "cắt cơn" nên được ưu tiên. Chúng ta hay có tình trạng một người làm cả trăm người bàn nên thường rất mất thời gian, mất cơ hội khi đưa ra quyết định. Tôn trọng ý kiến chung nhưng phải mạnh mẽ khi quyết định”.

Trên cơ sở trên, ông Thiên cũng đề xuất cách tiếp cận mới hệ mục tiêu phát triển năm 2012. Đó là: Ổn định kinh tế vĩ mô và khôi phục lòng tin, xác lập mô hình tăng trưởng mới.

Nên chấp nhận "chịu đau"

Theo ông Thiên, mục tiêu lạm phát năm 2012 nên hạ thấp nữa, khoảng 6 – 7% để cứu doanh nghiệp. Không cứu doanh nghiệp thì sẽ không có tăng trưởng. Đồng thời, cũng không nên quá chú trọng mục tốc độ tăng trưởng GDP, có thể chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 3 – 4%, cùng lắm là 5% GDP. Cần kiên quyết giảm thu ngân sách – xuống 22-23% GDP, trên cơ sở đó, thực sự giảm chi ngân sách, giảm đầu tư công, kéo mức thâm hụt ngân sách xuống 4% GDP. Việc thực hiện các mục tiêu này vừa cho xã hội thấy quyết tâm và hành động tái cơ cấu của Chính phủ, tạo lòng tin cho nhân dân, vừa là cách hỗ trợ thiết thực và tích cực để khu vực tư nhân phục hồi hoạt động tăng trưởng.

Trước hết, phải bắt tay ngay vào hành động tái cơ cấu thực sự ba lĩnh vực ưu tiên mà Hội nghị Trung ương 3 đã khẳng định (đầu tư công, hệ thống ngân hàng thương mại, khu vực doanh nghiệp nhà nước). Ngoài ra, một giải pháp mạnh nữa cần thực hiện là cải cách lương, đây là phương cách quyết định để tăng hiệu quả của bộ máy nhà nước. Cần tăng lương phù hợp với cơ chế thị trường. Chúng ta không thể đòi công chức hiệu quả làm việc cao, minh bạch khi mức lương thấp. Trong chương trình tái cấu trúc hiện nay thì việc nâng cao trách nhiệm, lập lại kỷ cương là vấn đề quan trọng đầu tiên

Một vấn đề rất nóng khác là đẩy mạnh việc thay đổi Luật Đất đai, không để tình trạng Luật đất đai luôn chạy theo thực tế và cản trở quá trình đổi mới theo hướng thị trường. Tập trung ưu tiên dành vốn nhà nước để xây dựng 4 khu kinh tế tự do, với thể chế hiện đại, đột phá mở đường cho 4 vùng kinh tế trọng điểm (Phú Quốc, Vũng Tàu, Đà Nẵng – Chân Mây, Hải Phòng).

Đó là những yếu tố chính của kịch bản hành động nhằm đạt được kịch bản tăng trưởng với những mục tiêu khiêm tốn hơn về tăng trưởng GDP, song khốc liệt hơn gấp bội về chống lạm phát, ổn định vĩ mô và tái cơ cấu. Nhưng như vậy có nghĩa là muốn đạt được các mục tiêu trên, tạo cơ sở cho sự thay đổi mạnh thì phải dám dùng những biện pháp mạnh, chấp nhận nền kinh tế “chịu trả giá”, “chịu đau” mới xoay chuyển căn bản tình hình.

Hoàng Yến
Theo VnMedia