Thị trưởng Khu Tài chính London:


"Thị trường tài chính Việt Nam sẽ phát triển"

21:27'' 03/07/2009 (GMT+7)



- Để phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực, Việt Nam
phải đảm bảo thực hiện các cam kết WTO, tự do tiếp cận thị trường cũng
như xem xét đảm bảo các khía cạnh mềm khác - Thị trưởng Khu Tài chính
London Ian Luder cho hay trong cuộc trao đổi với báo giới ngày 3/7 tại
Hà Nội.



Thị trưởng Khu Tài chính London khuyên Việt Nam những bước đi cần
thiết để xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực. Ảnh: XL

Thị trưởng Khu Tài chính London cùng đại diện các tổ chức dịch vụ
tài chính chủ chốt của Anh đang có mặt tại Việt Nam trong hoạt động hỗ
trợ các tổ chức tài chính Anh tại Việt Nam cũng như góp phần thúc đẩy
sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam.



Ông Ian Luder và các thành viên trong đoàn đã có cuộc gặp Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng (2/7) và tham dự hội thảo về luật pháp Việt Nam với
những qui định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) do Cơ quan thương
mại và đầu tư Anh và Hiệp hội Luật Anh quốc tổ chức hôm nay (3/7).



Thị trưởng Khu Tài chính London cũng có cuộc làm việc với Bộ Tài
chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo TP Hà Nội và Sở giao dịch
chứng khoán Hà Nội.



Mới 1/10 người dân có tài khoản



Sau Hà Nội, tại TP.HCM, một trong những nội dung mà ông Ian Luder
sẽ trao đổi với lãnh đạo, đó là chia sẻ kinh nghiệm phát triển TP.HCM
trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.



Trao đổi với VietNamNet, ông Ian Luder nhận định thị trường tài
chính của Việt Nam sẽ phát triển bởi lẽ hiện mới có 1/10 người dân có
tài khoản ngân hàng. Ông cho hay, với độ thâm nhập của ngân hàng ở hầu
hết các xã hội chiếm 95% thì tiềm năng, cơ hội phát triển thị trường ở
Việt Nam rất lớn.



"Nếu bạn cũng tin tưởng như tôi rằng thị trường tài chính toàn cầu
sẽ đi lên thì chúng ta sẽ cần nhiều trung tâm tài chính hơn. Khi cái
bánh to lên, % của mỗi người có phần sẽ ít đi nhưng đói hay no phụ
thuộc vào mỗi lát bánh đó. Tôi cho rằng 20% của 1.000 là 200 tốt hơn
30% của 500 là 150. Tôi thà có 200 đơn vị còn hơn là 150 cho dù % của
tôi đã ít đi", Thị trưởng London phân tích.



Theo ông, để phát triển TP.HCM trở thành một trung tâm tài chính
khu vực, bên cạnh tiếp cận tự do vào thị trường (đây cũng là một trong
những lý do mà Việt Nam cần thực hiện một số cam kết WTO) thì phải xem
xét các khía cạnh mềm.



"Cần có cơ sở hạ tầng tốt, nhưng cũng cần trả lời các câu hỏi như
có đủ trường học cho con cái của các nhân viên quốc tế làm việc ở đây
không, liệu ở Việt Nam ba năm thì con em họ có thể tiếp tục đảm bảo học
hành theo hệ thống của Anh, Pháp, Mỹ… hay có đủ bệnh viện, bác sỹ giỏi
tiếng Anh, tiếng Pháp...? Tất cả những điều đó đều quan trọng và là
những bước đi cần thiết để Việt Nam có thể trở thành một trung tâm tài
chính khu vực", ông Ian Luder nói.



Hy vọng doanh nghiệp VN niêm yết ở London



Đề cập cơ hội tại Sở giao dịch chứng khoán London (LSE), trung tâm
thị trường tài chính toàn cầu, Thị trưởng Khu tài chính London mong chờ
sẽ có nhiều công ty, doanh nghiệp Việt Nam tham gia niêm yết chứng
khoán tại đây, qua đó tiếp cận các nguồn vốn và thế mạnh tài chính thế
giới.



Tại LSE hiện có 250 ngân hàng nước ngoài, 618 công ty nước ngoài
tham gia niêm yết. Mong chờ sự có mặt của các doanh nghiệp Việt Nam tại
LSE, ông Ian Luder lưu ý các tiêu chuẩn cần thiết như hệ thống kế toán
theo tiêu chuẩn quốc tế, quản trị tốt, có tiềm năng phát triển.



Thị trưởng Khu tài chính London cho hay trong cuộc gặp Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng, ông đã kiến nghị Việt Nam sớm áp dụng hệ thống kế toán
theo tiêu chuẩn quốc tế như điều kiện để phát triển thị trường vốn.


Trao đổi với báo chí, ông Ian Luder cũng cho hay các nhà đầu tư của
Anh như Prudential hay Standard Chartered vẫn tiếp tục gia tăng đầu tư
vào Việt Nam dù khủng hoảng, cho thấy tiềm năng thị trường Việt Nam.
Với những dấu hiệu tốt của đầu tư thương mại thế giới đang nối lại, ông
Ian Luder hy vọng đầu tư FDI nói chung sẽ tăng trở lại.