Tỷ giá phát tín hiệu căng thẳng
Giá bán đôla tại các ngân hàng neo ở mức kịch trần suốt 10 ngày qua, cho thấy áp lực tỷ giá không chỉ đến từ đợt nhập khẩu vàng theo quota Ngân hàng Nhà nước mới cấp.
Trước 10/8, tỷ giá đôla tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (ngân hàng đứng đầu về doanh số thanh toán quốc tế) luôn duy trì ở mức dưới trần cho phép, biên độ mua và bán khá rộng, trên dưới 80 đồng mỗi đôla. Nhưng từ 11/8, khi các đơn vị đầu mối rục rịch nhập khẩu vàng theo quota 5 tấn mà Ngân hàng Nhà nước cấp, biên độ được ngân hàng co hẹp lại còn 10 đồng, cả giá mua và bán tăng mạnh, riêng giá bán luôn niêm yết ở 20.824 đồng một đôla (kịch trần 1% so với tỷ giá liên ngân hàng 20.618 do Ngân hàng Nhà nước công bố).
Áp lực tỷ giá sẽ gia tăng vào cuối năm.
Thị trường tự do sau thời gian "thờ ơ" với diễn biến ngân hàng cũng bắt đầu sôi động trở lại, giá đi lên từ cuối tuần trước và sáng nay tại các điểm thu đổi TP HCM áp sát mốc 21.000 đồng. Giá mua bán dao động quanh 20.870-20.970 đồng (mua vào - bán ra). Cùng thời điểm, Hà Nội đã lên 20.940 đồng mua vào và 20.960 đồng bán ra.
Các cửa hàng đôla tự do Hà Nội cũng hoạt động lại sau nhiều tháng giao dịch trong bí mật. Tuy không có cảnh mua bán sôi động hay lộ liễu, song phố ngoại tệ Hà Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội) mọi thứ vẫn diễn ra. Khoảng 9h sáng, những điểm kinh doanh tại đây đã có thể báo giá với khách. Trước đó, mức tỷ giá khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng bị đẩy mua bán đôla "chợ đen" lên mức cao 21.150 đồng thu mua và 21.300 đồng chiều bán ra.
Thực tế tại một số điểm giao dịch ngân hàng, giá niêm yết trên bảng không phải là mức giao dịch thực tế. Thậm chí, hiện theo thông tin từ một số doanh nghiệp, giá bán USD của một vài nhà băng đã vượt khỏi mức trần (thông qua các loại phí).
Áp lực tỷ giá đang xuất hiện, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nói với VnExpress.net. Bởi theo ông, dưới sự tăng giá liên tục của vàng, thì nhu cầu gom USD nhập vàng (vừa bằng chính ngạch lẫn tiểu ngạch) đang gây sức ép lên tỷ giá. Ngoài ra, theo chu kỳ, các tháng cuối năm, nhu cầu mua ngoại tệ sẽ tăng cao hơn so với những tháng đầu năm. Vì ngoài việc các doanh nghiệp mua ngoại tệ để thanh toán, còn có một số tổ chức nước ngoài muốn chuyển lợi nhuận thành đôla Mỹ để đưa về nước.
Thêm vào đó, ông cho rằng nếu Ngân hàng Nhà nước có thành công trong việc giảm lãi suất cho vay bằng tiền đồng trong thời gian tới thì sẽ có một làn sóng doanh nghiệp chuyển sang vay tiền đồng và trước khi chuyển, họ sẽ phải mua đôla để tất toán các khoản nợ hiện hành. Điều này cũng sẽ gây áp lực lên tỷ giá.
Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu Điện Liên Việt nhìn nhận, hiện tại áp lực tỷ giá tăng dần. Nguyên nhân theo ông những tháng cuối năm dương lịch và đầu năm âm lịch là thời điểm áp lực thanh toán bằng ngoại tệ lớn. Mọi thời hạn thanh toán hoặc trả nợ vay bằng ngoại tệ, nhiều nhất là đôla Mỹ thường tập trung vào cuối năm.
Theo ông, thời điểm cuối năm thường là lúc xảy ra domino tăng giá. “Vàng tăng kéo theo tỷ giá cũng tăng, lan sang bất động sản, chứng khoán. Nhiều nhà đầu tư tham gia, khi lĩnh vực này bị chốt giá, họ sẽ nhảy sang đầu tư lĩnh vực khác khi còn rẻ, đẩy giá cao lên,và năm nay cũng không phải ngoại lệ”, ông phân tích.
Vấn đề dư nợ ngoại tệ tăng cao cũng là một trong những mối lo. Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Uỷ bán giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, dư nợ tín dụng ngoại tệ gần 23% trong 6 tháng đầu năm, là lo ngại lớn. Thông thường, khoảng thời gian 3-6 tháng sau khi vay doanh nghiệp sẽ trả nợ. Khi đó nhu cầu về USD tăng lên và đây là một trong những áp lực làm cho giá USD có thể biến động theo chiều hướng gia tăng. Và những tháng tới, khi lạm phát giảm, sẽ kéo theo lãi suất giảm. Khi đó, tiền đồng sẽ giảm giá, đẩy tỷ giá hối đoái tăng. “Sẽ có áp lực chứ không phải ổn, và hiện nay đã có áp lực”, ông Nghĩa nói.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM nhìn nhận, vấn đề “hóc búa” nhất của tỷ giá hiện nay là do thâm hụt cán cân thương mại, nhập siêu cao gây áp lực lên dự trữ ngoại hối. Trong khi đó, ngoại tệ đi vào chỉ có thể trông chờ chủ yếu từ nguồn vốn gián tiếp (FII), kiều hối, FDI. Thế nhưng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa luôn gia tăng vào những tháng cuối năm dẫn đến nhu cầu về thanh toán của doanh nghiệp tăng; lạm phát cao... nên cuối năm luôn là thời điểm nhạy cảm biến động về vấn đề tỷ giá.
Để giảm bớt áp lực về tỷ giá, giảm tâm lý kỳ vọng, găm giữ USD của người dân, ngoài chính sách điều hành tỷ giá tốt, ông Dương cho rằng phải giải được bài toán về nhập siêu. Chừng nào thâm hụt thương mại còn diễn ra do nhập siêu, cán cân vãng lai vẫn bị âm, cán cân thanh toán tổng thể mất cân đối thì áp lực đối với tỷ giá sẽ không bao giờ chấm dứt.
"Ngân hàng Nhà nước nên chấp nhận biến động tỷ giá linh hoạt theo sát cung cầu của thị trường và không nên xem tỷ giá như một cái neo cố định mà phải xác định tỷ giá mục tiêu đến cuối năm và có lộ trình để thị trường thích nghi", ông Dương nói.
Tiến sĩ Dương còn cho rằng, điều quan trọng hiện nay là các cơ quan điều hành của Chính phủ phải rõ ràng về quan điểm điều hành để các chính sách về tiền tệ có sự nhất quán, bám sát theo Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát. Thậm chí, mạnh dạn công bố các dự báo về kinh tế cũng như tỷ giá ngoại tệ hay dự trữ ngoại hối với các kịch bản tốt lẫn xấu vì những tác động của thế giới có thể xảy ra.
"Ngân hàng Nhà nước cũng phải tăng cường kiểm tra kiểm soát không để nhà băng huy động vượt trần lãi suất USD; giảm dư nợ ngoại tệ. Đồng thời, các cơ quan khác phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề nhập khẩu (phấn đấu nhập siêu không vượt quá 16% so với xuất); không buông lỏng việc cắt giảm đầu tư công", ông Dương khuyến nghị.
Còn việc dự đoán biên độ tỷ giá tăng bao nhiêu trong thời gian tới, Tiến sĩ Dương cho rằng hoàn toàn phụ thuộc vào biến động của thị trường và tác động của Nhà nước. Do đó, khó đưa ra được con số cụ thể.
Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng quốc doanh cũng chia sẻ, nếu Nhà nước triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, lạm phát được đẩy lùi, thì có thể an tâm phần nào về thị trường ngoại hối từ nay đến hết năm.
Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây, thì nhận định, thời gian tới, mức tăng tỷ giá nếu có sẽ không quá lớn và vẫn trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.
Tuệ Minh - Lệ Chi
vnexpress



Xem bài viết: Tỷ giá phát tín hiệu căng thẳng