Làm cúc áo, ốc vít cũng 'cứu' cả nền kinh tế
Trong nhiều năm, Việt Nam say sưa với lắp ráp và coi đó là công nghiệp đích thực mà quên mất rằng sản xuất ra linh kiện, vật liệu mới là cái gốc giúp giải quyết các vấn đề của nền kinh tế. Đồng thời nó còn khiến ta mất dần nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ cho ngành công nghiệp này. - Các khách mời trao đổi tại trực tuyến về công nghiệp hỗ trợ chiều 15/9.
Cơ hội từng bỏ lỡ
Là chìa khóa để thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển, tuy nhiên công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam vẫn bị chê là thiếu và yếu khi so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan hay Malaysia. Năm 2010 ngành điện tử Việt Nam xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD, nhưng nhập khẩu trên 4,6 tỷ USD. Trong số đó, nhập linh kiện về lắp ráp các sản phẩm chiếm trên 3 tỷ USD. Tất cả các sản phẩm điện tử lắp ráp tại Việt Nam (dùng để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước) phải nhập khẩu gần 100% linh kiện; các linh kiện sản xuất trong nước chỉ là vỏ carton, xốp chèn, vỏ nhựa, sách hướng dẫn...
Đối với ngành dệt may vốn được coi là thế mạnh của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2011 đạt 6,16 tỉ USD, nhưng đã phải nhập tới 5,76 tỉ USD nguyên phụ liệu, giá trị gia tăng tạo ra chưa đầy 500 triệu USD, ngành da giày cũng trong hoàn cảnh tương tự.
Trong buổi giao lưu trực tuyến với Diễn đàn Kinh tế Việt Nam chiều 15/9, ông Trần Quang Hùng, nguyên Tổng thư ký hội Doanh nghiệp Việt Nam nhận định: "Chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội do sự yếu kém trong công nghiệp hỗ trợ".
Nếu như cách đây 15 năm, Việt Nam chưa có sự chênh lệch lớn khi so với Thái Lan hay Malaysia, thì hiện tại, khoảng cách đã là rất lớn. "Việc nhiều doanh nghiệp cũng như nhà quản lý xem thường vai trò của ngành công nghiệp này đã khiến chúng ta bỏ lỡ một cơ hội quý giá", ông Hùng nói.
Bàn về nguyên nhân khiến Việt Nam không đánh giá đúng được vai trò của công nghiệp hỗ trợ, ông Phan Đăng Tuất, Viện trưởng viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công Thương cho rằng, việc chúng ta chậm trễ trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, ngoài yếu tố khách quan của một nước đi sau, còn do chúng ta đã thiếu đi khả năng nắm bắt tình hình để có thể đón đầu một cách táo bạo và cơ bản hơn.
"Tư tưởng về hợp tác sản xuất hay công nghiệp hỗ trợ đã có từ khi Việt Nam còn trong khối SEV. Nhưng khi khối này tan vỡ, lạm phát cao trong các năm 1985, 1986 buộc chúng ta quay sang phát triển công nghiệp chế biến đề có ngay hàng hóa để xuất khẩu. Và thế là công nghiệp lắp ráp được đưa lên hàng đầu."
Những thay đổi lớn về diện mạo của đất nước, các khu công nghiệp, nhà máy lớn mọc lên đã khiến chúng ta nhầm lẫn, cho rằng công nghiệp lắp ráp chính là công nghiệp đích thực. Say sưa xây dựng các nhà máy lắp ráp ti vi, tủ lạnh, Việt Nam dần trở thành thị trường tiêu thụ hàng thứ cấp của thế giới, thay vì vươn lên trở thành một nước công nghiệp đích thực.
Ông Trần Quang Hùng (trái), nguyên Tổng thư ký hội Doanh nghiệp Việt Nam và ông Phan Đăng Tuất, Viện trưởng viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công Thương tại buổi bàn tròn trực tuyến ngày 15/9.

"Nhìn vào thực tiễn, việc Việt Nam chỉ chú trọng đến ngành công nghiệp lắp ráp mà quên rằng công nghiệp hỗ trợ mới là cái gốc giúp giải quyết các vấn đề vĩ mô của nền kinh tế như nhập siêu. đồng thời nó còn khiến ta mất dần nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ cho ngành công nghiệp này. Sinh viên thời nay thích học các chuyên ngành về kinh tế, tài chính, ngân hàng hơn là khoa học chế tạo máy", ông Tuất nhận định.
Để không bỏ lỡ thêm lần nữa: Cần sự hỗ trợ của Chính phủ
Theo ông Tuất, muốn thay đổi diện mạo của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, chúng ta cần phải tạo ra những chính sách hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp. Theo ông quyết định số 12 cuat Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ mới được công bố ngày 22/2/2011 là một bước tiến quan trọng, cho thấy sự ủng hộ của Chính phủ đối với ngành công nghiệp hỗ trợ của nước ta. Nghị định 143 về danh mục chi tiết linh kiện trong Công nghiệp hỗ trợ cho 5 ngành, tuy chỉ mới có 49 linh kiện nhưng cũng rất có ý nghĩa .
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng quyết định này là chưa đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài đòi hỏi những vấn đề sâu hơn, cụ thể hơn là họ được ưu đã gì, hỗ trợ gì, thay vì chỉ là sự hoành tráng trong lời lẽ, chúng ta cần có những chính sách cụ thể.
"Muốn đuổi được các quốc gia đi trước, chúng ta không những phải đưa ra những biện pháp hỗ trợ và ưu đãi cho các doanh nghiệp, mà những chính sách này cần tốt hơn, mạnh mẽ hơn so với các nước đi trước", ông nhấn mạnh.
Ông Tuất cũng đề xuất một kế hoạch hành động với 8 nội dung, bao gồm việc thành lập một hội đồng thẩm định, tạo thêm các danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, xây dựng trang web công bố thông tin doanh nghiệp, ban hành một đạo luật có tính hỗ trợ mạnh mẽ hơn, cũng như việc thành lập một cơ quan quản lý của Nhà nước về công nghiệp hỗ trợ.
"Hiện Việt Nam chỉ có duy nhất một trung tâm phát triển doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ. Trong khi Thái Lan đã có hẳn 1 cục quản lý về vấn đề này, tại nhiều quốc gia việc ban hành các đạo luật hỗ trợ diễn ra vô cùng nhanh chóng, có những đạo luật hoàn thành chỉ mất vài ngày. Còn ở Việt Nam, riêng việc đề xuất một đạo luật cũng mất 2 năm, còn thời gian hoàn thành thì chưa biết bao lâu", ông nói.
Còn theo ông Hùng, để Việt Nam phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ được các quốc gia khác trên thế giới thừa nhận, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần cởi mở hơn và từ bỏ ngay cung cách làm ăn chụp giât, cơ hội.
"Việc tạo thiện cảm cho các doanh nghiệp nước ngoài là rất quan trọng. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam muốn được kết nạp vào chuỗi sản xuất của thế giới là còn cần bảo đảm về chất lượng, thời gian, và giữ vững uy tín.", ông nhận định.
Quốc Dũng
Diễn đàn kinh tế VIỆT NAM



Xem bài viết: Làm cúc áo, ốc vít cũng 'cứu' cả nền kinh tế