Thận trọng trong ưu đãi đầu tư
Chính phủ đang có những bước đi thận trọng trong xem xét ưu đãi đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trường hợp Nokia được xem là một ví dụ điển hình.
Chính phủ vừa có chỉ đạo mới về dự án sản xuất điện thoại di động của Nokia. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành và tỉnh Bắc Ninh tiếp tục làm việc với Nokia để làm rõ thêm các nội dung của Dự án, cũng như các cam kết về công nghệ sử dụng để đề xuất một hình thức ưu đãi đầu tư hợp lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Động thái này được đưa ra sau khi Nokia tiếp tục đề xuất với Chính phủ và UBND tỉnh Bắc Ninh về việc được hưởng các ưu đãi như một doanh nghiệp (DN) công nghệ cao, thay vì chỉ là DN chế xuất như chỉ đạo của Chính phủ hồi tháng 6/2011. Có sự khác nhau rất lớn trong ưu đãi đầu tư giữa hai loại DN này, đó là, DN chế xuất chỉ được hưởng ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, trong khi DN công nghệ cao được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập DN - khoản thuế mà rất nhiều DN muốn “né”.
Khi đó, thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau một năm đi vào sản xuất, nếu đáp ứng được các điều kiện là một dự án công nghệ cao, Nokia sẽ được hưởng ưu đãi tương ứng. Tuy nhiên, trong kiến nghị mới, Nokia muốn được coi là một DN công nghệ cao. Còn trong trường hợp Việt Nam vẫn chưa công nhận điều đó (theo quy định của pháp luật hiện hành, sản xuất điện thoại di động không được xếp vào danh mục công nghệ cao - PV), thì Nokia muốn có thời hạn 3 năm để đáp ứng tiêu chí DN công nghệ cao; sau thời hạn đó, nếu vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, thì Nokia sẽ nộp thuế thu nhập DN như DN đầu tư nước ngoài bình thường.
Cho rằng đây là một dự án quan trọng đối với tỉnh, Bắc Ninh đồng tình với đề xuất này và có văn bản trình Chính phủ các kiến nghị của nhà đầu tư. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn khá thận trọng khi tiếp tục yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ về các cam kết về công nghệ, nội dung và cơ chế hậu kiểm đối với khả năng hiện thực hóa cam kết đầu tư, cũng như những lợi ích thực sự do Dự án mang lại.
Trong bối cảnh có không ít quan điểm cho rằng, ưu đãi đầu tư thời gian gần đây khá tràn lan và các dự án đầu tư nước ngoài vẫn chủ yếu là lắp ráp và sử dụng công nghệ lạc hậu, thì sự thận trọng của Chính phủ là bước đi cần thiết.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cho rằng, không nên quá dè dặt với các dự án của các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn xuyên quốc gia (TNC), nhất là trong bối cảnh Việt Nam mới thu hút được ít TNC.
“Họ vào thì rất có lợi cho mình, bởi đầu tư lớn như vậy thường sẽ kèm theo nghiên cứu và phát triển, sản xuất linh kiện, thu hút nhà đầu tư vệ tinh, phát triển công nghiệp phụ trợ…”, ông Mại nói và dẫn chứng về câu chuyện của Intel, rằng sự hiện diện của nhà đầu tư Mỹ này đã giúp Việt Nam “lên hạng” trong con mắt các nhà đầu tư quốc tế và nhờ vậy, một loạt hãng công nghệ cao tên tuổi như Samsung, Foxconn, Compal… đã tìm đến Việt Nam.
Ông Mại cho rằng, đối với các dự án lớn, đầu tư vào công nghệ cao, cần xem xét một cách toàn diện, chứ không nên chỉ chăm chăm tính nếu ưu đãi thuế, Việt Nam sẽ thiệt hại kinh tế ra sao.
“Khi đến Việt Nam và liên kết với các DN trong nước, các TNC sẽ góp phần tạo chỗ đứng cho Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Về mặt lý thuyết, đúng là Việt Nam có thiệt hại đôi chút về kinh tế, nhưng cái được là rất lớn. Chúng ta được về nhân lực công nghệ cao, về nghiên cứu và phát triển, về xuất khẩu… Vì thế, đừng chỉ nhìn về cái thiệt trước mắt”, ông Mại nhấn mạnh.
Tất nhiên, quan điểm này của ông Mại chỉ nhắm đến các dự án thực sự có công nghệ cao, mang lại lợi ích và sức lan tỏa thực sự cho nền kinh tế Việt Nam
Hà Nguyễn
đầu tư



Xem bài viết: Thận trọng trong ưu đãi đầu tư