Bản lĩnh của tân thống đốc
Có một số lý do để tin rằng nỗ lực của tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong việc cải cách lĩnh vực ngân hàng và ổn định thị trường tiền tệ sẽ mang lại kết quả.
Ông Nguyễn Văn Bình, tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngay sau khi ông Nguyễn Văn Bình được Quốc hội khóa 13 bỏ phiếu phê chuẩn chức vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hồi đầu tháng 8, thị trường vàng, ngoại tệ trong nước bắt đầu có những diễn biến mới. Tỉ giá VND/USD rục rịch sau khoảng một tháng gần như đứng yên. Giá vàng trong nước liên tục tăng theo giá vàng thế giới, có lúc lên đến trên 49 triệu đồng/lượng. Một số người lo ngại dòng tiền trong dân sẽ chảy từ ngân hàng sang thị trường vàng, từ đó dẫn đến những hệ lụy xấu.
Áp lực đối với tân Thống đốc vào thời điểm đó vô cùng lớn, vì việc bình ổn và điều hành tốt thị trường vàng và ngoại tệ luôn là 2 trong số những nhiệm vụ quan trọng nhất của Ngân hàng Nhà nước. Áp lực không chỉ có thế. Lãi suất cao cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn. Không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạm ngưng hoạt động, thậm chí phá sản.
Tuy nhiên, ông Bình tỏ ra rất tự tin khi tuyên bố Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có cơ sở để bình ổn thị trường ngoại hối cuối năm. “Tính toán cán cân thanh toán, nếu quản lý tốt thị trường ngoại tệ, có thể thặng dư 2,5 tỉ USD. Việc bình ổn thị trường ngoại tệ từ nay đến cuối năm nhiều khả năng thực hiện được dù nhập siêu có thể 16%. Nhờ dự trữ USD lớn, chúng ta có thể can thiệp nếu có những cơn sốt bùng phát”, ông phân tích.
Ngay khi mới nhậm chức, ông Bình còn dự báo: “Tháng 9 tới, lãi suất cho vay có thể sẽ giảm xuống còn 17-19%/năm”. Xét trong bối cảnh lúc đó lãi suất đang ở mức 22% hoặc có thể hơn, không ít người cho rằng ông hơi bạo miệng. Thế nhưng, điều đó đã xảy ra. Đầu tháng 9.2011, lãi suất tại nhiều ngân hàng đã giảm xuống còn 17-19%/năm. Các ngân hàng còn đồng thuận tuân thủ nghiêm trần lãi suất huy động 14%/năm từ ngày 8.9. Mặc dù ông Bình đã phải dùng đến biện pháp hành chính để đạt được điều này nhưng điều đó đã cho thấy sự kiên quyết “dẹp loạn” và hiện thực hóa những gì mình đã cam kết của ông.
Những thuận lợi khách quan
Theo một chuyên gia kinh tế thuộc một quỹ đầu tư nước ngoài (không muốn nêu tên), khuôn khổ pháp lý đặc thù của Việt Nam hiện nay cho phép Ngân hàng Nhà nước sử dụng các biện pháp hành chính. Đó là công cụ cần thiết trong ngắn hạn để nhanh chóng đạt mục tiêu cấp bách (tức ổn định mặt bằng lãi suất). Nhưng về trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước vẫn cần sử dụng một cách hữu hiệu các công cụ thị trường. Cơ quan này đã cho biết sẽ áp dụng đồng bộ một số giải pháp vĩ mô như điều hành lượng tiền cung ứng phù hợp, đảm bảo tăng trưởng tín dụng dưới 20%, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ và tăng dự trữ ngoại hối. Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, xem xét điều chỉnh giảm lãi suất với biên độ phù hợp trong trường hợp lạm phát giảm, tiếp tục giữ trần lãi suất 14%/năm để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hạ lãi suất cho vay, bỏ trần lãi suất khi điều kiện cho phép.
Bằng kinh nghiệm của người đi trước, ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng có 3 yếu tố khách quan để hy vọng những giải pháp mà ông Bình theo đuổi sẽ thành công. Thứ nhất là chủ trương giảm lãi suất được thực hiện trong lúc lạm phát bắt đầu có xu hướng giảm và thanh khoản của hệ thống ngân hàng tăng lên. Thứ hai, chủ trương duy trì trần lãi suất tiền gửi 14%/năm và giảm lãi suất cho vay còn 17-19% đã nhận được sự hưởng ứng của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là nhóm ngân hàng lớn.
Thứ ba, ngoài sự quyết tâm, Ngân hàng Nhà nước còn có đủ chế tài để kiểm tra, xử lý các ngân hàng vi phạm quy định trần lãi suất huy động. Việc một số ngân hàng bị phạt do phá rào trần lãi suất đã cho thấy quyết tâm của ông Bình. Điều này góp phần nâng cao tính nghiêm minh và uy tín của cơ quan quản lý.
“Cả 3 yếu tố trên hội tụ cùng lúc đã tạo ra niềm tin trong ngành ngân hàng và toàn xã hội”, ông Kiêm nhận định.
Vẫn cần các điều kiện đủ
Tạm coi 3 yếu tố trên là các điều kiện cần, sứ mệnh mới của tân Thống đốc vẫn cần được tiếp sức bởi một số điều kiện đủ. Theo ông Kiêm, điều kiện đầu tiên là tiếp tục duy trì trần lãi suất huy động 14% và việc này phải đi đôi với các chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ những ngân hàng nhỏ, thanh khoản yếu. Nếu không, sẽ lại tái diễn cuộc đua lãi suất huy động như trước đây.
Tiếp theo là làm thế nào để hệ thống ngân hàng cùng hạ lãi suất cho vay một cách thực tâm (chứ không phải vì sức ép từ cơ quan quản lý) nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Thứ ba là khi tiến hành giảm lãi suất cho vay, phải tìm cách để các ngân hàng làm lại hợp đồng cho vay đã ký với khách hàng trước đó. Nếu khách hàng vay tiếp, ngân hàng phải cho vay theo mức lãi suất đã được đồng thuận. Có như vậy, chính sách giảm lãi suất cho vay mới thực sự có tác dụng.
Thứ tư là chương trình hỗ trợ vay vốn của các ngân hàng phải tạo cơ hội để mọi doanh nghiệp được tham gia, chứ không phải chỉ dành cho một số khách hàng nào đó.
Cuối cùng, ông Bình cần thường xuyên chỉ đạo công tác kiểm tra, kiểm soát nghiêm việc thực thi các chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, nếu không sẽ nảy sinh hiện tượng “đánh trống bỏ dùi”.
Ông Kiêm tin rằng, nếu hội đủ cả 5 điều kiện trên, Ngân hàng Nhà nước kiên trì, nghiêm khắc trong điều hành, các ngân hàng thương mại tự giác tuân thủ thì những cam kết bình ổn thị trường của ông Bình mới thành hiện thực.
Khi thực sự muốn làm, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể làm được. Chính sách hạn chế tín dụng khu vực phi sản xuất thời gian qua là một ví dụ. Việc thực thi tốt chính sách này đã góp phần chuyển một phần lớn vốn sang cho vay sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu. Tính đến cuối tháng 8, tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất ước tăng 14,79%; tín dụng xuất khẩu tăng 35,02%. Trong khi đó, tín dụng phi sản xuất giảm 16,95%. Đặc biệt, dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm 43,03%.
Một chuyển biến tích cực trong tư duy quản lý dưới sự điều hành của Thống đốc mới là việc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiến tới không bắt buộc các tổ chức tín dụng nâng vốn điều lệ mà khuyến khích sáp nhập ngân hàng yếu vào ngân hàng mạnh vì quyền lợi của mỗi ngân hàng và sức khỏe của toàn hệ thống. Dưới sự chỉ đạo của ông Bình, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát 12 tổ chức tín dụng bị mất cân đối về nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn. Năm tổ chức bị mất cân đối lớn sẽ phải làm việc với Ngân hàng Nhà nước để tìm biện pháp xử lý. Thống đốc cũng cho biết sẽ thành lập nhóm 12 ngân hàng lớn (chiếm tới 85% thị trường) và Ngân hàng Nhà nước, tạm gọi là nhóm “G12 + 1”. Nhóm sẽ họp định kỳ 3 tháng một lần nhằm nâng cao tính tương tác giữa thị trường với cơ quan quản lý.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc VPBank, cho biết ông và đồng nghiệp rất vui mừng khi nghe những lời lẽ đầy cầu thị từ người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước tại cuộc gặp giữa cơ quan này với 12 ngân hàng lớn mới đây.
Cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu và sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ đang tác động tiêu cực lên thị trường ngoại hối và vàng trong nước. Điều đó có nghĩa thách thức đặt ra cho ông Bình sẽ rất lớn. Tuy nhiên, là người đứng sau hỗ trợ nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Giàu trong việc quản lý ngoại hối (khi còn là Phó Thống Đốc) cùng với kinh nghiệm từng làm Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước, ông Bình có thể sẽ bình ổn được thị trường ngoại tệ và thúc đẩy việc thực hiện nghiêm minh các quy định của cơ quan này.
Thành Trung
NHỊP CẦU ĐẦU TƯ



Xem bài viết: Bản lĩnh của tân thống đốc