Năm 2006, sau khi tăng lên 632 điểm vào giữa năm, đến ngày 6/8 VN-Index đã rơi xuống mức đáy 399 điểm. Sau đó, VN-Index đã tăng điểm khá mạnh (tuy có xen kẽ những phiên giảm điểm) và đến cuối năm đã đạt mức 751 điểm.





Như vậy, cuối năm 2006 so với điểm đáy 6/8, VN-Index đã tăng 352 điểm, hay tăng tới 88,2% trong chưa đầy 5 tháng (khoảng 14%/tháng), một tốc độ tăng mà từ các nhà đầu tư “đại gia” đến các chuyên gia cũng kinh ngạc! Không những thế, trong chưa đầy hai tháng rưỡi sau - vào ngày 12/3/2007 - VN-Index đã lại “phi mã” lên 1.170 điểm, tăng 419 điểm hay 55,8% (khoảng 19,4%/tháng).





Nhiều người đã coi đó là thời hoàng kim của chứng khoán Việt Nam và cho rằng sẽ không bao giờ lặp lại. Vậy mà diễn biến gần đây lại cứ như muốn lặp lại, ít nhất thì cũng như thời gian cuối năm 2006. Hãy thử so sánh một vài con số. VN-Index đạt mức đáy 366 điểm vào ngày 20/6 - có nghĩa là mức đáy thấp hơn và tính từ đầu năm 2008 đến thời điểm này là sớm hơn so với những tháng cuối năm 2006. Đến ngày 26/8, VN-Index đã đạt 561 điểm, tăng 195 điểm hay tăng 53,27% trong hơn 2 tháng (22,6%/tháng, còn tăng cao hơn cả cuối năm 2006 và đầu năm 2007). Nếu so sánh khoảng thời gian gần hơn từ ngày 25/7 – 26/8, VN-Index đã tăng 112 điểm hay tăng gần 30,8%.





Những con số thống kê này có ý nghĩa tham khảo nhất định. Diễn biến VN-Index tới đây phụ thuộc vào hai loại yếu tố có xu hướng làm tăng và giảm.


Những yếu tố làm tăng VN-Index có nhiều. Trước hết nó nằm ngay trong việc tụt giảm khá sâu so với đỉnh điểm trong một năm rưỡi qua, nên “tiềm năng” tăng trở lại theo chu kỳ rất dễ lặp lại khi có điều kiện. Nhóm yếu tố thứ hai là lạm phát, nhập siêu chậm lại. Việc kiềm chế lạm phát đã có kết quả tích cực, tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng 8 tăng thấp hơn dự đoán sau khi giá xăng dầu tăng mạnh và tính bình quân 2 tháng qua, lần đầu tiên sau 10 tháng đã ngang bằng với lãi suất tiết kiệm. Kinh tế vĩ mô bước đầu ổn định khi nhập siêu tháng 8 chỉ vào khoảng 0,9 tỷ USD (đây là tháng thứ 3 liên tiếp ở mức dưới 1 tỷ USD); khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước 8 tháng đạt 8 tỷ USD, lượng ngoại tệ vào nước ta qua các kênh giải ngân ODA, kiều hối,... tăng khá. Đây là yếu tố rất quan trọng vì nó tác động đến tâm lý, đến lòng tin - yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu của thị trường chứng khoán Việt Nam.





Nhóm yếu tố khác là lượng tiền trong dân cư khá lớn chưa biết đầu tư vào đâu, trong khi các kênh khác chứng khoán đều không tỏ ra hấp dẫn. Bất động sản có lẽ đã vượt qua đỉnh sang dốc bên kia. Vàng thì tăng giảm thất thường, lại đang cao hơn giá thế giới. USD vẫn đang trong xu hướng giảm cả khi gửi tiết kiệm, cả khi giao dịch trên thị trường. Tiết kiệm cũng đang trong xu hướng giảm. Hàng hóa cụ thể (gạo, sắt thép, xăng,...) thì đã mấy lần rộ lên vì tin đồn, nhưng bị dập tắt ngay, nhiều người “đánh” theo bị lỗ nặng, hơn nữa kho đâu mà chứa?...





Bên cạnh đó cũng có những yếu tố làm giảm VN-Index. Nhìn tổng quát, mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng bền vững không chỉ được đề ra trong những tháng đầu năm mà vẫn được tiếp tục trong cả năm 2008 và có thể còn kéo dài cho đến năm 2009. Đây là yếu tố tổng quát để thị trường chứng khoán không thể “bốc mạnh” như đã từng xảy ra. Mặc dù cả về tâm lý, phong cách, kinh nghiệm của nhà đầu tư đã được rèn giũa qua các bước thăng trầm của thị trường, nhưng không phải không còn những nhà đầu tư theo phong trào, theo đám đông và không ít nhà đầu cơ lướt sóng với phương châm cứ có lãi là bán ra để “chốt lãi”. Khi giá tăng, thì có thể nhiều công ty niêm yết sẽ đẩy mạnh phát hành cổ phiếu, nhiều doanh nghiệp sẽ tiến hành IPO làm tăng cung.





Tuy có những yếu tố trái chiều nhau, nhưng những yếu tố thuận xem ra vượt trội so với nghịch, nên có thể sẽ làm thay đổi dự báo của nhiều người. Xin nhắc lại, nếu chênh lệch giữa mức đáy và cuối năm 2006 là 352 điểm, thì với mức đáy của 2008 vừa qua (366 điểm), liệu cuối năm nay VN-Index có vượt qua mốc 700 điểm? Tất nhiên đó là câu hỏi nhiều hơn là dự báo, bởi “răng cưa” vẫn là diễn biến chung của thị trường.


Từ ngày tăng biên độ (TP.HCM ± 5%, Hà Nội ± 7%) 18/8 đến nay, chứng khoán chỉ có một phiên giảm nhẹ, còn lại liên tục tăng mạnh. Phiên giao dịch ngay sau ngày biên độ được nới rộng, chứng khoán đã lập kỷ lục về khối lượng và giá trị giao dịch: 51 triệu đơn vị giao dịch thành công và hơn 2.000 tỷ đồng đổ vào thị trường trong ngày 19/8. Đến phiên giao dịch hôm qua 26/8, sắc xanh nhuộm kín bảng điện tử cả 2 sàn TP.HCM và Hà Nội. Sàn Hà Nội tất cả các mã chứng khoán đều tăng giá, trừ HSC không có giao dịch, trong đó hầu hết tăng trần. Sàn TP.HCM cũng có 148/160 mã tăng giá, trong đó 90% mã tăng trần. Phiên giao dịch trước đó (ngày 25/8) cũng là phiên giao dịch tăng mạnh nhất trong vòng nửa năm trở về đây trên cả 2 sàn Hà Nội và TP.HCM. Chỉ sau 1 tuần, VN-Index đã dễ dàng vượt qua 550 điểm và đang thẳng tiến tới mốc 600 điểm.