Thị trường ngày 14/07 dưới góc nhìn công ty chứng khoán

(Vietstock) – Dòng tiền vào thị trường vẫn ở mức thăm dò tiếp tục là lực cản tăng điểm của chỉ số VN-Index nếu như trong những phiên tới đây thanh khoản của thị trường vẫn không có được sự cải thiện. Và vì vậy, thị trường khó có thể bứt phá mạnh mẽ cho tới khi có các thông tin hỗ trợ tích cực đủ mạnh.
Rủi ro giảm đã bớt
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS): Chỉ số VN-Index có một phiên tăng sau khi giảm mạnh vào hôm qua, ngược lại HNX-Index lại điều chỉnh sau khi bất ngờ phục hồi vào trước đó.
Nhiều người ngạc nhiên khi nhìn thấy phần lớn cổ phiếu chủ chốt trên sàn HNX tăng điểm trong khi đó HNX-Index lại giảm. Sở dĩ có hiện tượng này là do cách tính chỉ số HNX-Index dựa vào giá đóng cửa, trong khi đó giá tham chiếu của các cổ phiếu trên sàn này lại là giá trung bình. Do vậy, dù nhiều cổ phiếu trên HNX tăng trong phiên nhưng giá đóng cửa phiên hôm nay vẫn thấp hơn giá đóng cửa phiên hôm trước làm cho HNX-Index sụt giảm.
Các mã cổ phiếu lớn như MSN, HAG tăng trần đã làm cho VN-Index tăng tới 0.6%. Trong khi đó, các cổ phiếu lớn khác là VIC, VNMSJS tiếp tục đà trượt dốc mặc dù trong phiên có lúc tăng khá mạnh. Bên cạnh đó thì điểm tích cực đáng ghi nhận trong phiên là một số cổ phiếu có tính dẫn dắt tâm lý thị trường là SSI, ITA, FPT… lại giao dịch khá tích cực. Trên HNX, các cổ phiếu “nóng” như BVS, KLS, VNDPVX duy trì được đà tăng điểm cho đến cuối phiên.
ACBS cho rằng thị trường vẫn chưa thoát khỏi khó khăn nhưng rủi ro giảm đã bớt đi đáng kể. Trong những phiên tới thị trường có thể giao dịch trong biên độ hẹp và có thể bắt đầu có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu khi kết quả kinh doanh quý 2 dần được hé lộ.
Kịch bản giảm sẽ tiếp tục
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS): Thị trường trải qua diễn biến khá giằng co trong phiên, nhưng nhìn chung nghiêng về chiều hướng tiêu cực khi áp lực cung giá cao xuất hiện khá lớn. Dòng tiền đầu cơ chỉ tập trung vào một số mã cổ phiếu nhằm tạo nên trạng thái hưng phấn nhưng khi nhận thấy sức lan tỏa kém, các nhà đầu tư có thể ngay lập tức thay đổi vị thế từ mua chuyển sang bán với sự trợ giúp của những sản phẩm phòng ngừa rủi ro “T+0”. Trong khi đó, hiện tượng dòng tiền đầu tư rút khỏi cổ phiếu bluechips trên sàn HOSE vẫn tiếp tục xác nhận xu hướng giảm giá của nhóm cổ phiếu này.
BVS cho rằng, diễn biến “thận trọng” có thể còn duy trì trong một vài phiên tới. Trong bối cảnh khan hiếm các thông tin hỗ trợ, những thông tin không mấy tích cực về kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp và dự báo CPI tháng 7 sẽ tiếp tục tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Sự sụt giảm mạnh có thể xảy ra trước khi các thông tin chính thức được công bố. Mặc dù vậy, đây là kịch bản “tốt hơn” cho thị trường vì sẽ giúp cho các đợt hồi phục sau đó kéo dài hơn sau khi lượng cổ phiếu “yếu” được rũ bỏ.
Xác suất giảm tiếp là cao
CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI): Lực mua yếu đã khiến thị trường có sự suy yếu trong phiên giao dịch 13/07 với một ngọn nến đen. Thị trường có phần suy yếu trên cả hai sàn với khối lượng giao dịch giảm nhẹ. Hai cây nến đen, nhỏ cho thấy lực tăng giá đã suy yếu. Thị trường sau khi tăng điểm nhẹ cuối phiên 12/07 đã không có phiên tăng tiếp (follow through) cho thấy đây có vẻ chỉ là một phiên hồi phục trong quá trình rơi xuống – dead cat bounce.
Thị trường đã không có sự tăng điểm khi các ngưỡng kháng cự khá mạnh nằm ngay gần phía trên mức đóng cửa hôm trước. Mặc dù vậy, các khu vực hỗ trợ tương đối mạnh trong ngắn hạn vẫn nằm ngay gần phía dưới. Cụ thể là hai ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn gần nhất là 417 và 406 điểm với VN-Index và 67-70 điểm đối với HNX-Index. Khả năng thị trường sẽ tiếp tục đi theo hướng zic zắc giảm nhẹ với 1-2 phiên tăng và tiếp sau đó là 4-6 phiên giảm. Xác xuất giảm tiếp trong các phiên sắp tới là cao.
Lực cầu tiếp tục xuất hiện nhưng chỉ mang tính chất đỡ giá trên nhóm bluechips, đặc biệt là các cổ phiếu ngành chứng khoán. Lực bán thực sự tăng mạnh tại vùng 420 điểm trở lên khiến thị trường khó vượt qua được ngưỡng này. Với dạng breakdown và retest ngưỡng 420 điểm, nếu phiên sắp tới VN-Index giảm sẽ tạo thành một nến xác nhận chiều hướng giảm mạnh. Một phiên giảm giá mạnh có thể sẽ phá vỡ mô hình trung gian falling wedge và khiến các giao dịch bán ngắn hạn tăng lên khá mạnh.
Thị trường chờ thông tin hỗ trợ
CTCP Chứng khoán Quốc tế (VISE): Mặc dù thị trường đã có phiên đảo chiều tăng điểm nhẹ ngày 13/07 nhưng thanh khoản cao chủ yếu là do giao dịch thỏa thuận tăng mạnh. Điều này cho thấy, nhà đầu tư thực sự lo ngại về kênh đầu tư chứng khoán khi nỗi lo của nhà đầu tư về lạm phát cuối năm, lãi suất ngân hàng cho vay vẫn rất cao, biến động tỷ giá, giá vàng trong nước lại vượt lên trên mốc 38.2 triệu đồng/1 lượng theo đà tăng của giá vàng thế giới,… và họ sẵn sàng bán ra.
Trong khi đó, nhà đầu tư nắm giữ tiền cũng chưa vội vàng tham gia thị trường khi các “điểm đáy” liên tục bị phá vỡ. Họ vẫn đang chờ thị trường xuống thấp hơn và các tín hiệu rõ ràng trước khi quay trở lại thị trường. Bên cạnh đó, việc nhà đầu tư nước ngoài tăng cường bán ròng có thể sẽ phần nào ảnh hưởng mạnh đến tâm lí chán nản của các nhà đầu tư trong nước.
Do đó, việc tăng hay giảm của VN-Index trong thời gian sắp tới phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố kinh tế vĩ mô và kết quả kinh doanh quý II/2011 của các doanh nghiệp niêm yết. Nhà đầu tư ngoài việc dõi theo biến chuyển của chứng khoán thế giới, cũng rất quan tâm đến tính thanh khoản. Tuy nhiên, dòng tiền vào thị trường vẫn ở mức thăm dò vẫn là lực cản tăng điểm của chỉ số VN-Index nếu như trong những phiên tới đây thanh khoản của thị trường vẫn không có được sự cải thiện. Và vì vậy, thị trường khó có thể bứt phá mạnh mẽ cho tới khi có các thông tin hỗ trợ tích cực đủ mạnh.
Viết Vinh tổng hợp



Xem bài viết: Thị trường ngày 14/07 dưới góc nhìn công ty chứng khoán