TS Nguyễn Minh Phong: Lượng vàng được tích trữ trong nước rất lớn
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Phát triển KT-XH Hà Nội cho biết: Việc trong tháng 6 và tháng 7 đã có một khối lượng vàng lớn xuất khẩu ra nước ngoài chứng tỏ lượng vàng được tích trữ trong nước là rất lớn và thói quen tích trữ, cất giữ vàng của người dân Việt Nam vẫn tiếp tục được duy trì, nhất là trong điều kiện lạm phát vẫn đang chưa có dấu hiệu suy giảm rõ nét.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 30/6, kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm đã lên tới 1,203 tỷ USD. Trong đó, chiếm tỉ trọng lớn nhất vẫn là vàng nguyên liệu được "ngụy trang" là vàng trang sức. Chỉ tính riêng trong tháng 6, lượng vàng mà các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu khoảng 14 tấn, đạt 806,255 triệu USD, tăng 133% so với tháng trước. Tính chung trong cả 6 tháng đầu năm, lượng vàng của Việt Nam "chảy" ra nước ngoài đã lên tới hơn 24 tấn…
Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ (TS.) Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Phát triển KT-XH Hà Nội về những lợi thế cũng như rủi ro tiềm ẩn xung quanh việc xuất khẩu vàng đột biến trong thời gian qua.
PV: Chỉ tính trong tháng 6/2011 đã có 14 tấn vàng được xuất ra nước ngoài, bằng 6% tổng số lượng vàng đã xuất trong 5 tháng đầu năm. Số lượng vàng ước tính sẽ xuất trong tháng 7 dù được dự báo sẽ ít hơn nhưng cũng xấp xỉ 10 tấn. Ông bình luận gì về những con số này?
TS. Nguyễn Minh Phong:Việc trong tháng 6 và tháng 7 đã có một khối lượng vàng lớn xuất khẩu ra nước ngoài chứng tỏ lượng vàng được tích trữ trong nước là rất lớn và thói quen tích trữ, cất giữ vàng của người dân Việt Nam vẫn tiếp tục được duy trì, nhất là trong điều kiện lạm phát vẫn đang chưa có dấu hiệu suy giảm rõ nét.
Hơn nữa, do chính sách quản lý vàng của Nhà nước vẫn chưa rõ ràng trong 5 tháng đầu năm cộng với việc Thông tư ngừng huy động vốn và cho vay bằng vàng có hiệu lực từ 1/5 đã khiến cho khối lượng tài sản khổng lồ này nằm "bất động" trong suốt một thời gian dài. Vì thế, bước sang tháng 6, khi Dự thảo kinh doanh vàng miếng được hé mở theo hướng vẫn cho phép người dân được nắm giữ và mua bán vàng miếng tại các điểm được cấp phép nên nhiều người đã bán vàng lấy tiền đầu tư vào kênh khác như gửi tiết kiệm để hưởng lợi. Từ đó, doanh nghiệp (DN) trong nước cũng thuận lợi hơn trong việc thu gom để xuất khẩu.
Bên cạnh đó, thời điểm này giá vàng trong nước sau khi đã quy đổi thường thấp hơn vàng thế giới từ 400-500 ngàn đồng/lượng nên DN cũng tận dụng thời cơ này để xuất khẩu hưởng chênh lệch kiếm lời. Trên thực tế, con số 806 triệu USD thu được từ xuất khẩu kim loại quý, trong đó chủ yếu là vàng đã khiến cho cán cân xuất nhập khẩu của cả nước trong tháng 6 đỡ chông chênh hơn. Điều này càng có ý nghĩa khi nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu vàng được đầu tư vào các hoạt động sản xuất - kinh doanh, cải thiện thanh khoản cho cả hệ thống ngân hàng lẫn DN trong bối cảnh nguồn vốn trong nước đang khan hiếm.
PV: Theo Thông tư 184 do Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, các loại vàng nguyên liệu có hàm lượng vàng dưới 99,99% sẽ chịu thuế xuất khẩu 10% thay cho mức thuế suất cũ là 0%. Tương tự, các loại vàng nữ trang có hàm lượng trên 99,99% cũng chịu thuế suất 10%. Liệu có hay không việc nhiều DN xuất khẩu trong thời gian qua đã lợi dụng điều này bằng cách tiến hành thu gom vàng nguyên liệu rồi gia công làm vàng trang sức có hàm lượng thấp hơn mức quy định trên để xuất khẩu nhằm "lách" thuế?
TS. Nguyễn Minh Phong:Không loại trừ khả năng này bởi các DN thường thấy lợi là làm cũng như luôn tìm các khe hở từ các quy định của pháp luật để "lách". Chuyện này xét ở một góc độ nào đó cũng giống như câu chuyện gỗ pơmu mấy năm về trước. Khi Nhà nước cấm xuất khẩu, nhiều DN đã chế tác thành từng miếng nhỏ khoảng vài ba milimet rồi cho nó "biến" thành gỗ bích ngọc để xuất khẩu sang Đài Loan với số lượng hàng chục khối.
PV: Cách đây không lâu, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn kiến nghị lên Bộ Tài chính áp dụng mức thuế suất 10% với vàng xuất khẩu có hàm lượng từ 80%, thay vì trên 99% như trước để hạn chế việc DN "lách" thuế. Theo ông biện pháp này liệu có khả thi?
TS. Nguyễn Minh Phong:Việc kiểm soát chặt chẽ để hạn chế nguy cơ biến tướng trong hoạt động xuất khẩu vàng nữ trang là điều cần thiết. Tuy nhiên, trước khi đưa ra quy định mới, cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng bởi nếu thắt quá chặt đôi khi lại gây khó khăn cho các DN xuất khẩu có uy tín, làm ăn nghiêm túc. Mặt khác, khi giá trong nước thấp hơn thế giới, nếu không xuất được qua đường chính ngạch, vàng sẽ chảy ra ngoài qua đường tiểu ngạch hoặc thậm chí xuất lậu, vừa làm thất thu thuế của Nhà nước và không kiểm soát được nguồn ngoại tệ.
PV: DN xuất khẩu vàng ồ ạt khi giá vàng thế giới tăng trong thời gian qua đã khiến nhiều người lo ngại nguồn cung vàng trong nước sẽ bị cạn kiệt, dẫn đến nguy cơ "chảy máu" vàng, thậm chí kịch bản khan hiếm vàng của năm 2010 sẽ được lặp lại. Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?
TS. Nguyễn Minh Phong:Nếu việc xuất và nhập khẩu vàng trong thời gian qua phản ánh đúng cung cầu của thị trường thì sẽ không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, sẽ là đáng lo ngại nếu như việc xuất khẩu vàng ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vàng dự trữ của quốc gia, bởi trong điều kiện nền kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp như hiện nay thì việc tăng tỷ lệ dự trữ vàng trong tương quan với các loại ngoại tệ khác đang được nhiều quốc gia xem là một biện pháp an toàn.
Hơn nữa, cũng sẽ là nguy hiểm nếu như việc xuất khẩu vàng được một số cá nhân sử dụng làm vỏ bọc để chuyển tiền ra nước ngoài một cách bất hợp pháp, trong đó không loại trừ khả năng tẩu tán tài sản hoặc ngụy trang cho hình thức đầu tư giả ra nước ngoài, làm thất thoát một nguồn ngoại tệ lớn. Ngoài ra, việc điều hành chính sách cần phải nhất quán, tránh tình trạng vì lợi ích của một nhóm nào đó rồi cho xuất khẩu vàng ồ ạt, không kiểm soát được hoặc cấm nhập khẩu khi vàng trong nước khan hiếm.
PV: Xin cảm ơn TS về cuộc trao đổi này
Huyền Thanh
công an nhân dân



Xem bài viết: TS Nguyễn Minh Phong: Lượng vàng được tích trữ trong nước rất lớn