Technical View - Phân tích kỹ thuật chứng khoán, vàng và dầu: Tuần 12 - 16/09/2011
(Vietstock) - Chiến lược đầu tư & Phân tích kỹ thuật chuyên sâu thị trường chứng khoán Việt Nam (VN-Index, HNX-Index, VS 100), Mỹ (Dow Jones), Châu Á (Nikkei 225), Châu Âu (FTSE 100) và giá vàng, dầu.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
Ngắn hạn: VN-Index – Vượt lên trên SMA 300. HNX-Index – Giằng co trước vùng đỉnh cũ
VN-Index – Vượt lên trên SMA 300. Chỉ số này tiếp tục bứt phá khá mạnh trong phiên giao dịch ngày 09/09/2011 và đã tạo breakpoint với SMA 300. Đây có thể coi là tín hiệu đáng chú ý nhất trong vòng 4 tháng gần đây.
Bên cạnh đó, ADX vẫn tiếp tục duy trì ở mức rất cao (36) chứng tỏ rằng xu hướng đang mạnh và ổn định. Hai đường –DI và +DI của Directional Movement System vẫn tiếp tục phân kỳ mạnh nên khả năng có đảo chiều bất ngờ không quá lớn.
Chúng tôi cho rằng chỉ cần giá tiếp tục duy trì được trên vùng 440 – 455 điểm thêm 3 – 4 phiên nữa thì nguy cơ giảm sâu sẽ giảm bớt và có thể giá sẽ tiếp tục chinh phục vùng 520 – 550 điểm.

HNX-Index – Giằng co trước vùng đỉnh cũ. Theo lý thuyết phân tích kỹ thuật, vùng đỉnh cũ thường đóng vai trò là ngưỡng kháng cự mạnh trong những đợt phục hồi của giá. Trong quá trình bứt phá lần này, HNX-Index cũng gặp phải một vùng đỉnh cũ khá mạnh: vùng 78 – 82 điểm.
Nếu như có thể vượt qua được vùng này, giá sẽ mở ra một chu kỳ tăng trưởng mới mạnh và bền vững hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp thoái lùi mạnh, vùng 69 – 72 điểm (được tạo ra bởi các MA ngắn và trung hạn) sẽ là vùng chống đỡ cho giá.

II. VIETSTOCK INDEX
VS 100: Tăng nhẹ (+1.35%) trong phiên giao dịch ngày 09/09/2011, đà tăng của VS 100 có vẻ như chững lại sau khi vượt qua vùng 62 – 64 điểm.
Trong vài phiên tới có thể sẽ xuất hiện hiện tượng throwback để test lại vùng đỉnh cũ. Khối lượng tiếp tục duy trì mức ổn định nên khó có khả năng đảo chiều mạnh.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 09/09/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 1.57, tức số mã tăng giá bằng 1.57 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 1.87, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 1.87 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.95 lần và VS-U/D HNX bằng 0.57 lần.
Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 1.27 (+0.99). Xét theo sự biến động của nhóm chỉ số VS-Market Strength thì khả năng thị trường sẽ tiếp tục phân hóa mạnh.

VS-Market Cap: VS-Large Cap và VS-Mid Cap vẫn tiếp tục dẫn đầu với mức độ tăng trưởng mạnh và ổn định. Đặc biệt là VS-Large Cap đã vượt qua được đỉnh 140 và tiếp tục bứt phá.
Các chỉ số VS-Small Cap, VS-Micro Cap cũng phục hồi nhưng động lực tăng trưởng của các nhóm này không cao.

III. CHIẾN LƯỢC DANH MỤC ĐẦU TƯ
Lực cầu cải thiện tốt
Cung cầu: Chênh lệch khối lượng mua bán trên sàn HNX trong tuần là 36.55 triệu đơn vị, số lệnh đặt mua lớn hơn số lệnh đặt bán 9,304 lệnh. Trung bình lệnh mua (3,413 đơn vị/lệnh) nhỉnh hơn so với trung bình lệnh bán (3,372 đơn vị/lệnh).
Trên HOSE, chênh lệch khối lượng mua bán là 42.07 triệu đơn vị, với số lệnh đặt mua nhỏ hơn số lệnh đặt bán 590 lệnh. Trung bình lệnh mua (3,501 đơn vị/lệnh) lớn hơn khá nhiều so với trung bình lệnh bán (3,141 đơn vị/lệnh).
Những thống kê trên tiếp tục cho thấy lực cầu đang ngày càng cải thiện tốt hơn.
HNX: Tỷ trọng danh mục đề nghị đối với sàn HNX là: 82.40% cash/ 17.60% stocks.
Tỷ trọng cổ phiếu của mô hình trên HNX tiếp tục tăng nhẹ cho thấy rủi ro của việc nắm giữ cổ phiếu đang bớt dần. Chúng tôi tiếp tục bảo lưu quan điểm cho rằng mức khuyến nghị cổ phiếu thấp cảnh báo nhà đầu tư không nên đua lệnh trần trong những phiên tăng nóng để ngừa rủi ro thua lỗ ngắn hạn có thể xảy ra.

HOSE: Mô hình Định lượng của chúng tôi đưa ra tỷ trọng danh mục đề nghị đối với sàn HOSE là: 89.37% cash/ 10.63% stocks.
Tỷ trọng cổ phiếu trên HOSE tiếp tục quá trình suy giảm cho thấy sự thận trọng của mô hình trên sàn này. Tuy nhiên, không nên vội bán khi mà thanh khoản và lực cầu vẫn duy trì tốt.

IV. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES, NIKKEI 225, FTSE 100
Dow Jones: Ngắn hạn – Chưa thể vượt qua Fibo Retracement 161.8%. Dài hạn – Sức ép sẽ gia tăng
Mặc dù có phiên tăng trưởng khá mạnh vào ngày 07/09/2011 nhưng DJIA đã không thể tiếp tục đà bứt phá ngắn hạn này trong ngày 08/09/2011. Như vậy, ngưỡng Fibo Retracement 161.8% (tương đương vùng 11,415 – 11,500 điểm) vẫn đang đứng vững và đây sẽ là yếu tố kháng cự đáng chú ý nhất trong ngắn hạn.
Khả năng tiếp tục quá trình sideway ngắn hạn của DJIA là rất cao.

Dài hạn: Nhóm MA dài hạn đang ở rất gần đường giá và nhiều khả năng sẽ gặp lại DJIA vào những tuần tới.
Đây có thể coi là giai đoạn quyết định xu hướng của thị trường Mỹ khi mà hầu như tất cả những ngưỡng kháng cự quan trọng đều sắp được test. Nếu xuất hiện breakpoint quan trọng thì nhiều khả năng đà tăng trưởng dài hạn sẽ trở lại.

Nikkei 225: Sideway ngắn hạn
Giá đang đi vào một giai đoạn sideway ngắn hạn với những đợt phục hồi xen lẫn điều chỉnh khá cân đối. Giá cũng đã tạo được breakpoint với EMA 10 nên khả năng tăng trưởng đang mạnh dần lên.
Vùng 8,500 – 8,650 điểm sẽ là vùng chống đỡ mạnh của giá trong thời gian tới.

FTSE 100: Lịch sử lặp lại
Vùng 4,750 – 4,900 điểm đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho giá khi mà trong vòng 6 tuần qua, mỗi lần giá dịch chuyển về gần vùng này là lại phục hồi rất mạnh.
Khối lượng cũng bắt đầu ổn định trở lại chứ không đột biến như giai đạon trước. Đây là cơ sở cho sự phục hồi trong thời gian tới.

Nguyễn Quang Minh, Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Technical View - Phân tích kỹ thuật chứng khoán, vàng và dầu: Tuần 12 - 16/09/2011