“Cổ phiếu ngành xi măng: Thị giá chưa phản ánh đúng tiềm năng doanh nghiệp!”
Đó là nhận định của bà Hoàng Thị Hoa – Trưởng bộ phận Phân tích CTCK Bản Việt (VCSC) - tại hội thảo ngành xi măng do Bản Việt tổ chức diễn ra trong tuần qua. Trao đổi với Stocknews, bà Hoa cũng đánh giá cao tiềm năng của các doanh nghiệp ngành xi măng khi lựa chọn con đường sáp nhập. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

Bà có thể nhận định về tốc độ tăng giá của cổ phiếu ngành xi măng so với các cổ phiếu khác trong ngành vật liệu xây dựng thời gian vừa qua?
Bà Hoàng Thị Hoa: Cổ phiếu ngành xi măng trong thời gian qua có thể được đánh giá là tăng khá chậm và ở mức chưa tương xứng so với mức tăng của thị trường, nhất là so với nhóm ngành vật liệu xây dựng. Có thể lý giải điều này như sau: Mức độ hấp dẫn của cổ phiếu ngành xi măng không có đột biến, chính sách giá không có sự linh động thích hợp. Đồng thời do kế hoạch đầu tư mới của các doanh nghiệp xi măng, số vốn vay thời gian vừa qua khá lớn. Chi phí tổn hao cộng với chi phí lãi vay đã kéo thấp chỉ tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, sắp tới, tôi cho rằng sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ doanh nghiệp ngành xi măng và nhà đầu tư có thể đã tới thời điểm quan tâm và đầu tư vào cổ phiếu của ngành này.
Cụ thể, đó là những yếu tố gì, thưa bà?
Tôi nghĩ rằng các tiềm năng của ngành xi măng là rất lớn. Chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng và cũng đang đô thị hóa rất nhanh. Nhu cầu về xi măng được dự báo là sẽ tăng trưởng ở mức 11%/năm từ nay đến năm 2015. Tốc độ này sẽ tăng nhanh trong năm 2009 – 2010 khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, các dự án bất động sản bắt đầu khởi động trở lại. Nếu đúng như dự đoán thì nhu cầu xi măng năm 2009 có thể tăng ở mức 14%.
Chỉ riêng trong 8 tháng đầu năm 2009, mức tăng đã đạt hơn 10%. Điều đó cho thấy thị trường đang khởi động trở lại và xi măng cũng là một trong những ngành được hưởng lợi từ gói kích cầu của Chính phủ. Vì vậy, doanh nghiệp ngành xi măng sẽ có lợi nhuận tốt hơn trong 6 tháng cuối năm 2009. Đó chính là điều kiện để cổ phiếu ngành xi măng có thể tăng giá cao hơn.
Trong thời gian tới, sẽ có một số doanh nghiệp xi măng sáp nhập. Bà nhận xét như thế nào về khả năng này và đây có phải là biện pháp thích hợp để tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xi măng không?
Tôi nghĩ rằng sáp nhập là xu hướng của tương lai. Trong lĩnh vực xi măng, do quy mô của hoạt động sản xuất bất kì dự án nào cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh tế. Chi phí sản xuất xi măng thường rất cao. Do đó, doanh nghiệp có quy mô hoạt động lớn hơn thì hiệu quả cũng sẽ cao hơn so với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Việc những doanh nghiệp nhỏ sáp nhập với nhau sẽ giúp tiết kiệm được chi phí, nâng cao khả năng mở rộng thị phần.
Như vậy, mức độ hấp dẫn của cổ phiếu các doanh nghiệp xi măng đang chuẩn bị sáp nhập có thể tạo nên sức bật trong thời gian tới hay không?
Tôi nghĩ khi các doanh nghiệp xi măng sáp nhập và tạo nên hiệu quả hoạt động tốt hơn, lợi nhuận được cải thiện thì không có lí do gì mà nhà đầu tư không kỳ vọng vào cổ phiếu của những doanh nghiệp này.
Trên thực tế, ở thời điểm hiện nay, giá cổ phiếu các doanh nghiệp ngành xi măng ở hai sàn Hà Nội và Tp.HCM vẫn đang có xu hướng trái ngược nhau. Ngoại trừ một, hai phiên giao dịch trong tuần này, thì hầu như cổ phiếu xi măng trên sàn Hà Nội trước đó đã tăng liên tục, dù quy mô doanh nghiệp nhỏ; còn ở sàn HoSE thì ngược lại. Theo bà, nên nhìn nhận hiện tượng này như thế nào?
Tôi nghĩ rằng trong ngành xi măng việc các cổ phiếu nhỏ tăng giá nhanh hơn các cổ phiếu lớn cũng là bình thường. Một phần do đặc điểm của doanh nghiệp nhỏ thường là chuyên về kinh doanh, thương mại và những doanh nghiệp này cũng không chịu chi phí đầu tư lớn, mức khấu hao cũng thấp. Do đó mức lợi nhuận sẽ biến động theo cung cầu của thị trường và theo lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp. Còn những doanh nghiệp xi măng có nguồn vốn lớn, mức độ đầu tư lớn thì lại đang trong giai đoạn khấu hao; chi phí lớn làm cho lợi nhuận không tương xứng với mức vốn hiện tại. Vì vậy, thị giá cổ phiếu xi măng chưa phản ánh hết được những tiềm năng trong dài hạn của các doanh nghiệp lớn. Khi các dự án mới đưa vào hoạt động và nguồn khấu hao ổn định trở lại thì lợi nhuận của các doanh nghiệp này sẽ tăng lên rất nhiều.
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
Lê Mỹ (thực hiện)