Nỗi niềm của lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết
Là một cổ đông lớn, đồng thời lại là lãnh đạo DN, hơn ai hết, bản thân tôi cảm thấy sức ép vô cùng khi mỗi ngày nhìn bảng điện tử, giá cổ phiếu lại sụt đi 1 - 2%.
Nỗi buồn không chỉ là vấn đề tài sản giảm, bởi với DN, tôi coi như máu thịt của mình và giá trị của khoản đầu tư là ở chính khả năng sinh lời hàng ngày của DN, chứ không phải giá thị trường. Nhưng sức ép đối với tôi quá lớn. Là một doanh nhân làm ăn đàng hoàng, ai chẳng có lòng tự trọng và cả một chút sĩ diện. Nếu như trước đây, chúng tôi tự hào là một trong những DN tiên phong niêm yết trên TTCK, thông tin công khai, minh bạch, được nhiều người biết tới, thì nay, đôi khi tôi ước ao người ta đừng biết đến DN của mình như một công ty đã niêm yết.
Suốt thời gian gần đây, tôi liên tục nhận được câu hỏi của những người quen, rằng công ty có chuyện gì mà sao giá giảm về dưới mệnh giá? Phải chăng công ty gặp thua lỗ? Cả đối tác, ngân hàng cũng cảm thấy e dè khi tiếp tục quan hệ thương mại, tín dụng. NĐT thì chất vấn, lãnh đạo DN làm gì mà giá cổ phiếu giảm như vậy? Tại sao không cứu giá? Tại sao không PR, không truyền thông?
Vâng, tại sao ư? Làm sao chúng tôi có thể ngăn được đà giảm giá, khi người chấp nhận bán rẻ chính là các cổ đông. Chúng tôi đã nỗ lực, đã công bố thông tin minh bạch, đã cố gắng cắt giảm chi phí để duy trì hiệu quả kinh doanh dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn…, nhưng cổ đông bên ngoài vẫn không đánh giá cao điều đó.
Bán và bán. Đôi khi, mỗi ngày chỉ có 200 cổ phiếu được giao dịch đã làm cho các cổ đông khác gặp khó khăn vì giá giảm. Tôi có cảm giác rằng, cổ đông bên ngoài hiện nay chỉ quan tâm đến việc ngày hôm nay mua, ngày mai, ngày kia hoặc cùng lắm là tháng sau phải bán có lãi?
Bao nhiêu cổ đông biết gắn giá cổ phiếu với giá trị của DN? Ban lãnh đạo chúng tôi đã gắn bó với DN từ khi mới chỉ là ý tưởng kinh doanh, DN đã là máu thịt của chúng tôi, thì khi nhìn thấy nó bị ruồng rẫy, bị coi như gánh nặng của những ai trót "dây vào", làm sao chúng tôi không đau xót?
Không chỉ chịu sức ép về giá cổ phiếu như một cổ đông bình thường, chúng tôi còn một nỗi niềm riêng, đó là những nỗi lo bị mất DN. Chẳng khó khăn gì để tìm ra những ví dụ, bởi đây là tình trạng đã có ở một số DN niêm yết.
Hiện tượng thay máu hoàn toàn ban lãnh đạo DN thời gian vừa qua có nguyên nhân từ việc DN bị mua thâu tóm bởi nhóm cổ đông khác. Giá cổ phiếu xuống, cổ đông đã vô tình "tặng" những thành quả của mình cho người đến sau một cách rẻ mạt. Còn chúng tôi hoàn toàn có thể đối diện với nguy cơ xa rời DN.
Khi đại chúng hóa công ty, chúng tôi đã kỳ vọng rằng, đó sẽ là cơ hội để huy động được nhiều vốn hơn, để có tiền biến những giấc mơ của DN thành hiện thực. Nhưng… giấc mơ chưa thành thì có thể chúng tôi đã mất DN.
Nhiều ý kiến cổ đông tha thiết đề nghị ban lãnh đạo DN cứu giá cổ phiếu. Nhưng lúc này, người xin cứu có lẽ là chính chúng tôi… bởi vì, hơn ai hết, chúng tôi đang là người bị tổn thương nhiều nhất trong lúc này, khi cổ phiếu mất giá.
Lãnh đạo một DN niêm yết
đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Nỗi niềm của lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết