Doanh nghiệp ôtô FDI lần lượt rời Việt Nam?
Nếu không phát triển được công nghiệp ôtô dưới 10 chỗ thì vào 2025, mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra 12 tỷ USD để nhập khẩu ôtô. Như vậy, rất có thể chúng ta sẽ phải gánh chịu một mức thâm hụt cán cân thương mại khổng lồ. Vấn đề đáng ngại là, thị trường ôtô rộng lớn của Việt Nam sẽ rơi vào tay các nhà cung cấp nước ngoài.
Hiện Việt Nam có 12 DN sản xuất, lắp ráp ôtô có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng không biết sau 2018 thì còn bao nhiêu DN tồn tại?
Theo ông Tachibana, Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam, đến năm 2018, nhiều nhất sẽ còn 3 doanh nghiệp ôtô FDI trụ lại Việt Nam. Nhưng một số ý kiến khác thì cho rằng 3 cũng là quá nhiều, khi đó có thể chẳng còn DN nào.
Một số DN ôtô FDI được hỏi cũng không nói rõ về tương lai của họ tại Việt Nam. Nhiều người đã hình dung ra một kịch bản khi thuế suất thuế nhập khẩu ôtô giảm xuống còn 0-5% thì xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ tràn vào thị trường và xe trong nước không thể cạnh tranh được, các DN rút đi hết chỉ để lại các đại lý làm nhiệm vụ phân phối xe nhập khẩu và thực hiện các dịch vụ sau bán hàng.
Phân tích về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, đến năm 2014, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô từ khu vực các nước ASEAN (khu vực AFTA) sẽ giảm xuống còn 50%. Với mức thuế này, doanh nghiệp ôtô lắp ráp trong nước đã không cạnh tranh nổi với xe nhập khẩu, chưa nói các năm tiếp theo, thuế nhập khẩu ôtô sẽ tiếp tục giảm để tới 2018 chỉ còn 0%.
Xe lắp ráp trong nước vốn không được ưa chuộng bằng xe nguyên chiếc nhập khẩu tại Việt Nam. Khi không còn được bảo hộ nữa, xe trong nước sẽ mất lợi thế cạnh tranh, các DN cũng chẳng thể sản xuất, lắp ráp, lúc đó chỉ còn con đường là rút lui.
Hiện tại, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam được cho là kém phát triển. 80% linh kiện phục vụ cho lắp ráp xe vẫn phải nhập khẩu. Thị trường ôtô có quy mô nhỏ, khoảng 150.000 xe/năm, đã thế lại bị hạn chế tiêu dùng, cộng với chính sách liên tục thay đổi khiến cho các DN ôtô không yên tâm đầu tư.
Trong vòng 6 năm tới, công nghiệp ôtô Việt Nam được cho là khó có thể phát triển mạnh và đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Các hàng rào kỹ thuật khó cũng không thể ngăn cản được lượng xe nhập đổ vào, bởi Việt Nam là quốc gia đi sau với khoa học công nghệ chậm phát triển. Do vậy, các tiêu chuẩn kỹ thuật đưa ra cũng không ngăn nổi các quốc gia có công nghệ hiện đại hơn.
Lấy ví dụ, hiện nay Việt Nam đang áp dụng tiêu chuẩn khí xả Euro 2 với động cơ ôtô, đến 2018 có nâng lên đến tiêu chuẩn Euro 4 thì cũng không thể là rào cản. Các nước có ngành công nghiệp ôtô phát triển đã áp dụng tiêu chuẩn này từ lâu.
Trong khi đó, thay vì chọn Việt Nam, các nhà đầu tư lại đang chú trọng vào Indonesia.
Tập đoàn Toyota Nhật Bản mới đây đã quyết định đầu tư hơn 200 triệu USD vào Indonesia để sản xuất mẫu xe Innova, với công suất 70.000 xe/năm. Hiện tại, hãng xe Nhật Bản này đã có 2 cơ sở sản xuất tại Indonesia với công suất 300.000 xe/năm.
Hãng Nissan cũng vừa công bố kế hoạch đầu tư 320 triệu USD vào Indonesia để nâng công suất sản xuất tại nhà máy của hãng đặt tại phía Tây Java lên hơn gấp 3 lần, đồng thời xây dựng thêm một nhà máy lắp ráp động cơ gần đó. Theo kế hoạch, đến năm 2018, Nisan sẽ tăng công suất sản xuất tại nhà máy này từ 50.000 lên 180.000 chiếc/năm.
Các DN lắp ráp ôtô trong nước có trụ nổi khi tâm lý người tiêu dùng Việt luôn chuộng ôtô nhập khẩu

Indonesia với dân số 300 triệu người, kinh tế đang phát triển được coi là thị trường ôtô rất tiềm năng. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hỗ trợ tại đây cũng phát triển mạnh. Chính phủ nước này cũng cam kết một chính sách ổn định lâu dài cho phát triển công nghiệp ôtô, điều đó khiến các nhà đầu tư rất yên tâm.
Các nhà đầu tư cho biết, trong vài năm tới, Indonesia sẽ trở thành một trung tâm công nghiệp ô tô lớn nhất tại Đông Nam Á, vượt qua cả Thái Lan. Khi đó Đông Nam Á sẽ có hai trung tâm công nghiệp ôtô lớn, cung cấp khoảng 10 triệu xe/năm cho toàn khu vực này với thị trường trên 600 triệu dân.
Ngược lại, từ 10 năm nay, các doanh nghiệp FDI rất thờ ơ trong việc đầu tư vào công nghiệp ôtô tại Việt Nam. Trước đây, Toyota đã có ý định phát triển mẫu xe Innova tại Việt Nam. Song, chính sách tại Việt Nam liên tục thay đổi đã làm nhà đầu tư này nản lòng. Hơn 10 năm trước, Ford cũng coi Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn nhưng nay họ cũng không có kế hoạch gì cả mà tập trung vào Thái Lan, Philippines...
Theo ông Ngô Văn Trụ, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), dựa theo xu hướng phát triển chung về thị trường ôtô, các nhà khoa học đã chứng minh rằng khi chỉ số sở hữu xe đạt 50 xe/1.000 dân thì quốc gia đó sẽ bắt đầu thời kỳ ôtô hoá (motorization). Đó là quá trình mà ôtô trở nên phổ biến và trở thành phương tiện thiết yếu cho cuộc sống.
Hiện nay, Việt Nam đang ở giai đoạn trước motorization với tỷ lệ 18 xe/1.000 dân. Dự báo từ năm 2020 trở đi, kinh tế phát triển mạnh, mức thu nhập bình quân đầu người được nâng cao và hạ tầng giao thông phát triển, thì nhu cầu về ôtô cá nhân (xe dưới 10 chỗ) sẽ tăng mạnh.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, vào năm 2015, Việt Nam sẽ có từ 166.000-235.000 ôtô mới gia nhập thị trường; năm 2020 có 246.000-347.000 xe và năm 2025 có từ 592.000-836.000 xe. Trong số đó, xe buýt và xe tải chỉ còn chiếm 27%, còn lại là xe cá nhân.
Cũng theo Bộ này, đến năm 2015, tỷ lệ ôtô trên đầu người của Việt Nam sẽ là 28 xe/1.000 dân; năm 2020 là 38 xe/1.000 dân và năm 2025 là 88 xe/1.000 dân. Như vậy, thời kỳ motorization của Việt Nam sẽ diễn ra vào khoảng năm 2020-2025.
Nếu không phát triển được công nghiệp ôtô dưới 10 chỗ thì vào 2025, mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra 12 tỷ USD để nhập khẩu ôtô. Như vậy, rất có thể chúng ta sẽ phải gánh chịu một mức thâm hụt cán cân thương mại khổng lồ. Vấn đề đáng ngại là, thị trường ôtô rộng lớn của Việt Nam sẽ rơi vào tay các nhà cung cấp nước ngoài.
Trần Thuỷ
Diễn đàn kinh tế Việt Nam



Xem bài viết: Doanh nghiệp ôtô FDI lần lượt rời Việt Nam?