Các thành viên hiến kế “cứu” TTCK
Theo các thành viên, để TTCK Việt Nam hồi phục và phát triển, điều quan trọng nhất là các cấp quản lý cần thay đổi quan niệm về TTCK.
Tại Diễn đàn DN Việt Nam được tổ chức ngày 2/12 tới, Nhóm công tác thị trường vốn dự kiến sẽ đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ sự phát triển TTCK. Vậy đâu là những giải pháp thực sự mang lại luồng gió mới cho thị trường? ĐTCK ghi nhận ý kiến từ một số thành viên liên quan đến vấn đề này.
Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB)

Để TTCK Việt Nam phát triển bền vững, cần rất nhiều giải pháp. Ngoài các giải pháp mà Nhóm công tác thị trường vốn sẽ đề xuất trong Diễn đàn DN tới đây, theo tôi, quan trọng nhất hiện nay là liên ngành tài chính - ngân hàng cần phối hợp tháo gỡ những ách tắc về vốn cho TTCK trong giai đoạn khó khăn này.
Trong thời gian qua, vì nhiều lý do, ngành chứng khoán chưa được quan tâm một cách đúng mức, thiếu các chính sách hỗ trợ cho thị trường.
Ngoài ra, để TTCK phát triển thì hàng hóa trên thị trường phải được chọn lọc. Tuy nhiên, dù đã có dự thảo về việc nâng tiêu chuẩn DN niêm yết nhưng đến nay cơ quan quản lý vẫn chưa đưa vào áp dụng.
Tôi cho rằng, cần kiểm tra, xếp hạng cổ phiếu đang niêm yết, cũng như hạn chế việc niêm yết các loại cổ phiếu mới, nhằm giảm bớt lượng cung trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó giám đốc CTCK KimEng (KEVS)
Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm sao để các cấp quản lý thực sự quan niệm rằng, TTCK là một kênh dẫn vốn quan trọng đối với nền kinh tế. Khi đó, việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô mới có sự lưu tâm hơn đối với TTCK.
Ngoài ra, việc thúc đẩy quá trình cổ phần hóa với các DNNN lớn, đưa ra thị trường các hàng hóa có chất lượng là rất cần thiết để thu hút các NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài. Cổ phần hóa DNNN không nên chỉ quan tâm nhiều đến các khía cạnh tài chính mà còn những yếu tố khác như cơ cấu lại khu vực quốc doanh và tình hình quản trị của DN.
Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt (BVS)

Giải pháp quan trọng và cốt lõi nhất hiện nay là lấy lại niềm tin cho thị trường, mà cụ thể là củng cố lại niềm tin cho NĐT. Tuy nhiên, việc lấy lại niềm tin này cần sự hỗ trợ từ nhiều phía. Trước hết, việc phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với các chính sách vĩ mô khác là yếu tố cần thiết để các NĐT tin tưởng hơn.
Hiện nay, lạm phát so với cùng kỳ năm trước vẫn ở mức cao. Chỉ khi nào chỉ số giá tiêu dùng hạ nhiệt trong một thời gian đủ dài thì tình hình vĩ mô mới ổn định trở lại. Khi tình hình vĩ mô "sáng" hơn thì tâm lý NĐT sẽ phần nào được củng cố.
Ngoài ra, để thu hút NĐT thì cơ quan quản lý cần tập trung nâng cao tính thanh khoản cho thị trường, mong muốn lớn nhất hiện nay của NĐT là làm sao rút ngắn thời gian thanh toán và đẩy nhanh việc triển khai các nghiệp vụ phái sinh trên thị trường. Thêm nữa, việc tăng cường các biện pháp giám sát để tăng tính minh bạch và công bằng trên thị trường cũng là điều cơ quan quản lý nên lưu tâm.
Ông Phan Huy Hiếu, Nhà đầu tư
Ai cũng biết rằng TTCK là thị trường của niềm tin. Nhưng làm sao NĐT còn giữ được niềm tin khi gần như tất cả đều đã thua lỗ.
Cá nhân tôi cho rằng, trong lúc này, để cải thiện tâm lý NĐT, cơ quan quản lý cần ban hành các chính sách mới để hỗ trợ thị trường. Cụ thể như cần cho phép giao dịch các sản phẩm phái sinh, quy chế thành lập các quỹ hưu trí (pension fund), đồng thời hạn chế mô hình các quỹ đánh theo sóng (hedge fund), do bản chất đánh nhanh, rút sớm của họ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển lâu dài của thị trường.
Một vướng mắc nữa hiện nay là vai trò hạn chế của UBCK. Để có thể chủ động hơn trong việc ban hành các giải pháp, chính sách hỗ trợ thị trường, UBCK cần có một vị thế độc lập hơn hiện nay.
Hải Vân thực hiện
Đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Các thành viên hiến kế “cứu” TTCK