Lợi nhuận của nhiều ngân hàng Việt Nam còn cao?
Có thể nói, năm 2011 là một năm nhiều sóng gió cho các ngân hàng thương mại Việt Nam. Một số chuyên gia cho rằng, đợt “nổi sóng” năm 2011 mạnh hơn, dai dẳng hơn và khó hồi phục hơn so với năm 2008.

Theo đánh giá của các chuyên gia, lợi nhuận của các ngân hàng thương mại trong quý III/2011 đạt khá, với doanh thu thuần tăng so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng quý III/2011 của hầu hết ngân hàng thương mại tăng thấp hơn mức tăng doanh thu thuần, do trong quý III/2011, các ngân hàng phải bỏ ra chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lớn hơn so với cùng kỳ năm 2010.
Các chỉ số về các khoản cho vay/tổng tài sản có, các khoản đầu tư/tổng tài sản có, tiền gửi/tổng nợ phải trả của hầu hết ngân hàng thương mại đều giữ tỷ lệ tương đương so với cùng kỳ năm 2010.
Điều đáng chú ý là tỷ số lợi nhuận ròng/tổng tài sản (ROA) và tỷ số lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu (ROE) của một số ngân hàng thương mại có xu hướng giảm qua các quý từ đầu năm tới nay. Điều này cho thấy hiệu quả đầu tư của các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm sút. Nguyên nhân là do môi trường kinh doanh khó khăn hơn do quy định về hạn chế tín dụng phi sản xuất và tình hình kinh tế vĩ mô trong nước chưa ổn định, cũng như kinh tế thế giới nhiều biến động, khiến hoạt động của các doanh nghiệp giảm sút, nhiều rủi ro.
Trong khi đó, nợ xấu tăng mạnh. Ví dụ, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) có nợ cần chú ý ở mức 171 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần; nợ dưới tiêu chuẩn gần 210 tỷ đồng, tăng 6 lần; nợ có khả năng mất vốn là 168,5 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2010. Với ACB, quý III/2011, nợ xấu tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2010…
Ngoài những nguyên nhân khách quan thì hoạt động của các ngân hàng thương mại gặp khó khăn còn xuất phát từ sự yếu kém trong năng lực quản lý phát triển tín dụng trong nhiều năm gần đây. Việc ồ ạt cho vay mà thiếu cân nhắc và nghiên cứu cẩn trọng về mức độ an toàn và khả năng trả nợ của các khoản vay đã khiến không ít ngân hàng thương mại lâm vào tình trạng rủi ro tín dụng cao trước những biến động của môi trường kinh tế vĩ mô.
Thêm vào đó, cần phải nói đến sự phát triển bùng nổ của tín dụng đen ngay trong các ngân hàng thương mại. Phòng tín dụng tại hầu hết các ngân hàng thương mại đều hình thành quỹ chung của phòng, được sử dụng để cho vay “nóng”, tương tự như tín dụng đen. Đó là chưa nói đến việc một số nhà quản lý trong ngân hàng lợi dụng uy tín để cấp tín dụng khá dễ dãi cho các doanh nghiệp, cá nhân là người thân.
Tuy nhiên, không phải tất cả các ngân hàng thương mại Việt Nam đều hoạt động kém hiệu quả, lợi nhuận thấp, tỷ lệ nợ xấu cao… Trong quý III/2011 và những tháng đầu quý IV/2011, không ít ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận cao, với nhiều chỉ số đạt chuẩn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước, như Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu (Eximbank - EIB), Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank)…
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc VPBank cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như năm 2011, ngân hàng nào quan tâm nhiều đến khâu nghiên cứu, dự báo tình hình từ trước đó, đồng thời thực sự nỗ lực chuyển đổi nội tại trên nhiều mặt để đáp ứng nhu cầu đổi mới thì mới có thể vượt qua khó khăn trước những ảnh hưởng tiêu cực trong điều kiện hiện nay.
Theo thông tin từ VPBank, đến ngày 31/10/2011, tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này đạt 29.603 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2010, tỷ lệ nợ xấu tháng 10/2011 là 2,03% (trong giới hạn cho phép), huy động vốn từ khách hàng đạt 33.951 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2010. Dù đã hạ bớt chỉ tiêu lợi nhuận khá tham vọng so với hồi đầu năm đặt ra, nhưng VPBank vẫn dự kiến sẽ tăng thêm ít nhất 100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, VPBank đã vươn lên mạnh mẽ, vừa hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh và được Ngân hàng Nhà nước xếp vào danh sách 12 ngân hàng hàng đầu Việt Nam (G12). Đây có thể coi là một bài học đối với các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần trong lúc thị trường gặp sóng gió.
Để khắc phục khó khăn trong thời gian tới, một chuyên gia của Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các ngân hàng cần kiểm soát, tăng cường quản lý hoạt động tín dụng tại ngân hàng một cách nghiêm túc để tránh sự lợi dụng uy tín cá nhân cho vay dưới danh nghĩa ngân hàng; xây dựng cơ chế quản lý nợ nhằm hạn chế nợ xấu; cân đối lại danh mục các lĩnh vực hoạt động, tăng cường doanh thu từ hoạt động cung ứng dịch vụ ngoài hoạt động huy động và cho vay; nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp cho cán bộ, nhất là những cán bộ đảm nhiệm những vị trí liên quan đến tín dụng.
Nguyễn Đức
đầu tư



Xem bài viết: Lợi nhuận của nhiều ngân hàng Việt Nam còn cao?