Luật sư đại diện cho Trung Nam Group trả lời phỏng vấn báo chí tại buổi họp báo ngày 11/2 tại Đà Nẵng. (Ảnh: Thời Đại)
Kể từ sau buổi họp báo của Trung Nam Group diễn ra sáng 11/2 tại Đà Nẵng vừa qua, dư luận càng quan tâm tới những tranh cãi về thương vụ chuyển nhượng cổ phần tại công ty Cổ phần Địa ốc Viễn Đông Việt Nam (VDL). DĐĐT tóm lược toàn bộ nội dung việc chuyển nhượng cổ phần tại VDL nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về câu chuyện mua bán này và cũng để rộng đường dư luận.
Công ty CP Địa ốc Viễn Đông Việt Nam (VDL) được thành lập theo giấy CN ĐKKD do Sở Kế hoạch Đầu tư TP Đà Nẵng cấp ngày 16/11/2007 với số vốn điều lệ ban đầu là 200 tỉ đồng, tương đương 20 triệu cổ phần do 5 thành viên sáng lập đóng góp. Trong đó, ông Đặng Thành Tâm (đại diện phần vốn Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn – Saigon Tel) góp 80 tỉ đồng chiếm 40%, ông Nguyễn Tâm Tiến (đại diện phần vốn Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam – TNG) góp 46 tỉ đồng chiếm 23%, ông Nguyễn Tâm Thịnh (đại diện phần vốn Công ty cổ phần Tư vấn và chuyển giao công nghệ Viễn Đông - VDC) góp 18 tỉ đồng chiếm 9%, ông Nguyễn Văn Ngọc góp 40 tỉ đồng chiếm 20% và ông Võ Duy Tấn góp 16 tỉ đồng chiếm 8%.
Trong biên bản họp HĐQT số 05/BB-VDL/HĐQT của VDL diễn ra ngày 20/11/2010, các cổ đông sáng lập đồng ý tăng vốn điều lệ từ 200 tỉ lên 220 tỉ đồng (tương đương 22 triệu cổ phần) để bổ sung nguồn vốn thực hiện dự án Trung tâm TM Viễn Đông Meridian tại số 84 Hùng Vương, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng do VDL làm chủ đầu tư.
Theo quyết định tăng vốn này thì các cổ đông sáng lập sẽ phải đóng góp số tiền tương ứng với tỷ lệ sở hữu vốn tại VDL. Theo đó, TNG sẽ phải góp thêm số tiền hơn 4,6 tỉ đồng để sở hữu thêm 460.000 cổ phần và VDC phải góp thêm 1,8 tỉ đồng để sở hữu thêm 180.000 cổ phần.
Việc góp vốn của các cổ đông trên đã được hoàn tất thông qua hai biên bản đối chiếu góp vốn giữa VDL với TNG và VDC. Ngoài ra, còn có thư xác nhận vốn góp của các cổ đông sáng lập do ông Phạm Văn Vinh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và dịch vụ tin học TP Hồ Chí Minh (AISC) được VDL thuê kiểm toán tài chính ký vào ngày 21/02/2011 xác nhận tình hình thực tế góp vốn của các cổ đông.

Dự án Meridian của VDL tại Đà Nẵng. (Ảnh: TL)
Dự án Meridian của VDL tại Đà Nẵng. (Ảnh: Thời Đại)
Từ đồng thuận…
Trong biên bản cuộc họp đại hội đồng cổ đông VDL được lập ngày 19/01/2011 đã phê duyệt việc chuyển nhượng toàn bộ phần góp vốn của TNG và VDC tại VDL cho ông Nguyễn Sơn, thường trú tại đường Cô Giang, phường Cầu Ông Lãnh, Q1, TP. HCM. Đồng thời phê duyệt thôi giữ các chức danh của ông Tiến và ông Thịnh tại VDL. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, sau khi chuyển nhượng hết số cổ phần của TNG và VDC tại VDL thì cả hai ông Tiến và Thịnh sẽ không còn liên quan gì tới VDL nữa. Mọi việc điều hành tại VDL sẽ do Hội đồng quản trị mới quyết định.
Thương vụ mua bán cổ phần tại VDL giữa TNG với ông Nguyễn Sơn đã thực thi qua hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/VĐ/TNG/2001 được ký ngày 20/01/2011. Theo đó, ông Đặng Công Chuẩn, Phó TGĐ TNG làm đại diện thống nhất chuyển giao toàn bộ số cổ phần đang nắm giữ tại VDL là 5.065.252 cổ phần cho ông Nguyễn Sơn với giá 32.585 đồng/CP. Tổng giá trị hợp đồng đã ký là 165.051.236.420 đồng và được thanh toán làm ba đợt.
Theo điều khoản của hợp đồng nêu trên, ông Sơn phải thanh toán cho TNG thành ba đợt, đợt 1 là 25% tổng giá trị chuyển nhượng cho bên bán ngay sau khi ký hợp đồng, số tiền còn lại sẽ thanh toán làm 2 đợt tiếp theo là 25% trong vòng 60 ngày và 50% còn lại cộng với 10% tiền lãi trả chậm sẽ thanh toán trong vòng 365 ngày kể từ khi ký hợp đồng chuyển nhượng.
Cả hai đợt thanh toán tiếp theo này được hai bên thống nhất sẽ có một ngân hàng đứng ra bảo lãnh thanh toán. Và ngân hàng Phương Tây – Western Bank vào cuộc với vai trò bảo lãnh cho ông Nguyễn Sơn thông qua Thư bảo lãnh thanh toán số 1801/2011/BL-NHPT.SGDCT, do ông Lê Nguyễn Trần Huấn, Giám đốc Sở Giao dịch Western Bank Cần Thơ ký ngày 29/01/2011.
Nội dung điều 3 của thư bảo lãnh nói rõ: “ Ngân hàng chúng tôi cam kết trả cho Bên thụ hưởng bảo lãnh số tiền bảo lãnh nói trên ngay sau khi nhận được văn bản yêu cầu bồi thường do bên được bảo lãnh vi phạm các qui định về thanh toán nêu trong hợp đồng chuyển nhượng số 01/VĐL/TNG/2011 ký ngày 20/11/2010 ký kết giữa ông Nguyễn Sơn và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam, mà không cần phải chứng minh”. Ngoài ra, trong điều 4 của thư bảo lãnh còn xác nhận: “Thư bảo lãnh này không hủy ngang”.
… đến mâu thuẫn
Mọi chuyện tưởng như suôn sẻ khi ông Nguyễn Sơn thanh toán hai đợt bằng 50% giá trị hợp đồng tương đương 82,525 tỉ đồng cho TNG.
Tuy nhiên, mọi rắc rối, lùm xùm cũng bắt đầu khi thời hạn thanh toán trong hợp đồng và thư bảo lãnh thanh toán của Western Bank hết hạn mà 50% còn lại cộng với 10% tiền lãi trả chậm, tương đương số tiền 90,778 tỉ đồng vẫn chưa được ông Nguyễn Sơn hay Western Bank thanh toán cho TNG. Mặc dù trước khi hết hạn bảo lãnh, TNG đã nhiều lần gởi văn bản nhắc nhở đến hạn thanh toán, yêu cầu sắp xếp thời gian gặp gỡ giữa các bên để tìm cách giải quyết cũng như trực tiếp tới nhà ông Nguyễn Sơn và trụ sở của Western Bank đều không có kết quả.
Chính vì lẽ đó mà TNG đã tổ chức buổi họp báo vào ngày 11/02 vừa qua tại Đà Nẵng với mong muốn có mặt các bên tham gia và công khai đối chất những vấn đề còn vướng mắc trước công luận nhằm tìm ra hướng giải quyết thỏa đáng cho cả các bên. Nhưng mặc dù TNG có mời nhưng ông Nguyễn Sơn, đại diện VDL và Western Bank đã vắng mặt không lý do.
Theo một diễn tiến khác thì lý do mà Western Bank từ chối thanh toán thư bảo lãnh cho TNG là do nhận được công văn yêu cầu từ phía ông Sơn tố cáo TNG đã bán khống số lượng cổ phần cao hơn thực tế và đang có đơn kiện TNG ra tòa.
Phía TNG thì cho rằng: “Ngân hàng Phương Tây không thể dựa vào các công văn của ông Nguyễn Sơn để trì hoãn việc thanh toán cho TNG bởi việc này là mâu thuẫn với Thư bảo lãnh thanh toán của Ngân Hàng Phương Tây là: Không cần phải chứng minh và không hủy ngang cho đơn vị thụ hưởng là TNG”.
Mặt khác, theo lập luận của ông Trương Đình Tùng, luật sư đại diện pháp lý của TNG thì căn cứ vào những văn bản pháp lý có liên quan, tính đến ngày 31/12/2010 TNG đã góp vốn vào VDL với số tiền là 50.652.526.369 đồng tương đương 5.065.252 cổ phần, chiếm hơn 23% vốn góp của các cổ đông tại VDL. Với những số liệu rõ ràng như vậy thì cơ sở nào ông Nguyễn Sơn cho rằng TNG chỉ sở hữu 3.571.821 CP tại thời điểm chuyển nhượng cho ông ta là ngày 20/01/2011?
“Cũng nhấn mạnh thêm rằng các số liệu báo cáo tài chính, kiểm toán của VDL cho đến cuối năm 2010 đã được gửi đi nhiều nơi như: Cục thuế Thành phố Đà Nẵng, Sở Kế hoạch đầu tư TP Đà Nẵng, Sở giao dịch chứng khoán nơi Công ty Cổ Phần Công nghệ Viễn Thông Sài Gòn niêm yết cổ phiếu…” ông Tùng nói.
Hiện sự việc liên quan tới thương vụ chuyển nhượng cổ phần tại VDL vẫn còn nhiều tranh cãi giữa các bên liên quan. DĐĐT sẽ tiếp tục theo dõi và đăng tải thông tin, ý kiến của những người trong cuộc.
Thời Đại