NTPBMP: nguy cơ bị nước ngoài thâu tóm
Một đại gia nhựa Thái Lan đã âm thầm mua vào lượng lớn cổ phiếu NTPBMP để trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại 2 DN này sau SCIC.
* The Nawaplastic Industries đã mua gần 16 triệu cp NTP, BMP
Nawaplastic Industries (Saraburi), công ty chuyên sản xuất và phân phối ống nhựa PVC, do Thai Plastic and Chemicals PCL (TPC) nắm 100% cổ phần đã mua hơn 9,82 triệu cổ phiếu NTP và 5,85 triệu cổ phiếu BMP, trở thành cổ đông lớn thứ hai tại hai công ty này, sau cổ đông nhà nước (SCIC). Chi phối được hai công ty nắm thị phần chủ yếu thị trường sản phẩm nhựa xây dựng Việt Nam, đại gia Thái Lan nêu trên có thể thâu tóm được cả thị trường nội địa. Câu chuyện không chỉ bó hẹp ở ngành nhựa Việt Nam.
Săn hàng
CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) và CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) là hai doanh nghiệp lớn nhất trong ngành ống nhựa xây dựng của Việt Nam, có nguồn gốc từ doanh nghiệp nhà nước. NTP thống trị thị trường miền Bắc, còn BMP chi phối thị trường phía Nam. Theo các thống kê, NTP chiếm hơn 70% thị phần miền Bắc, BMP chiếm hơn 50% thị phần miền Nam.
Sau thương vụ trên, Nawaplastic Industries nắm giữ 22,7% cổ phần của NTP và 16,7% cổ phần của BMP, trở thành cổ đông lớn thứ hai sau Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Năm 2011, NTP có EPS đạt 5.981 đồng, BMP có EPS đạt 8.375 đồng. Là những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt nên hai cổ phiếu này đều được nắm giữ nhiều bởi các tổ chức nước ngoài.
Sản xuất ngành nghề, sản phẩm tương đồng, lại là một trong những nhà cung cấp nguyên liệu cho hai công ty trên, dễ dàng thấy TPC không có mục đích đầu tư tài chính, mua cổ phần nhằm hưởng cổ tức.
“Chúng tôi muốn trở thành doanh nghiệp nhựa hàng đầu Việt Nam và sẽ xem xét nâng tỷ lệ sở hữu tại hai công ty lên 49%”, Giám đốc điều hành TPC, ông Kanet Khaochan trả lời phỏng vấn Bangkok Post.
Như vậy, TPC sẽ còn mua cổ phần của NTPBMP khi họ đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất và phân phối hàng đầu tại thị trường Việt Nam, bên cạnh thị trường Thái Lan, nơi TPC nắm 50% thị phần. Với tiềm lực tài chính của mình, TPC được nhận định có thể thực hiện mục tiêu trên và trở thành cổ đông lớn nhất tại NTPBMP.
Nguy cơ NTP bị các đối thủ nước ngoài giàu tiềm lực tài chính thâu tóm với giá rẻ hiện khá rõ ràng
Giá rẻ
Giá trị giao dịch không được lãnh đạo TPC tiết lộ, song theo nhận xét của giới quan sát thì thương vụ này diễn ra trong thời điểm TTCK Việt Nam ở những ngày đen tối nhất là cơ hội để họ mua với giá rẻ. Dù kết quả kinh doanh tốt, nhưng giá hai cổ phiếu NTPBMP đều không tránh khỏi được xu hướng giảm chung của thị trường. Cuối năm 2011, đầu năm 2012, thời điểm đại gia nước ngoài trên gom mua cổ phiếu, thị giá của hai cổ phiếu đều ở mức quanh 30.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với P/E dưới 5 lần.
Một chuyên gia hàng đầu của Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, nếu bỏ vốn đầu tư trực tiếp, xây dựng nhà máy tại Việt Nam, thì để xây dựng được hệ thống phân phối tương tự như NTP hay BMP, TPC phải mất ít nhất 7 năm, với số vốn vài trăm triệu USD. Trong khi số tiền bỏ ra mua hai cổ phần NTPBMP trong thương vụ vừa qua được dự đoán không quá 50 triệu USD.
TPC hiện có 45% cổ phần là do Tập đoàn Siam Cement (SCG) của Thái Lan nắm giữ.

Tổng tài sản của SCG đến cuối năm 2011 đạt hơn 12 tỷ USD. Theo bảng xếp hạng 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới của Fobes năm 2011, SCG đứng thứ hai tại Thái Lan. Tại Việt Nam, SCG bắt đầu hoạt động vào năm 1992 và đang kinh doanh trên các lĩnh vực: nhựa - hóa chất, xi măng, giấy, vật liệu xây dựng, phân phối và đầu tư tài chính. Trong đó, lĩnh vực nhựa và hóa chất (SCG Chemicals) hiện mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn nhất cho SCG. SCG cũng có cổ phần tại 4 công ty khác của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.
SCG đang có tham vọng đầu tư vào Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng vốn đầu tư 4,5 tỷ USD. Tập đoàn này đã ký hợp đồng liên doanh đầu tư với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và đối tác của Qatar. Theo đó, SCG sẽ nắm giữ 28% cổ phần của dự án, TPC nắm 18%.
Nỗi lo bị thâu tóm
Với việc mua cổ phần của NTPBMP thông qua công ty con, SCG thể hiện tham vọng đứng đầu thị trường nhựa - vật liệu xây dựng Việt Nam. Hiện SCIC sở hữu 37% cổ phần NTP, 30% cổ phần tại BMP, tỷ lệ không đủ để chi phối và kiểm soát mọi quyết định quan trọng của doanh nghiệp. TPC là một trong những nhà cung cấp hạt nhựa và các nguyên liệu cho hai doanh nghiệp trên. Khi tỷ lệ sở hữu cổ phiếu đủ lớn, họ sẽ có chân trong HĐQT và Ban điều hành của NTPBMP.
“Hiện giờ, chúng tôi đang nhập khẩu nguyên liệu từ nhiều nhà cung cấp. Không thể loại trừ trường hợp nắm tỷ lệ chi phối, họ sẽ sử dụng quyền lực của mình để buộc doanh nghiệp nhập khẩu toàn bộ nguyên liệu của họ và kiểm soát giá đầu vào”, một lãnh đạo của doanh nghiệp hàng đầu ngành nhựa Việt Nam lo ngại.
Chuyên gia của Hội Vật liệu xây dựng cảnh báo, cùng với khống chế giá đầu vào, giá thành sản phẩm bán ra, hệ thống phân phối và các chính sách đi kèm cũng có thể thay đổi. Điều này càng dễ dàng thực hiện khi cả NTPBMP đều đang chiếm thị phần chi phối tại Việt Nam. Thị trường nhựa vật liệu xây dựng Việt Nam khi ấy rất có thể rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, việc mua cổ phần của NTPBMP thông qua TTCK không được TPC trao đổi với lãnh đạo hai doanh nghiệp, đại diện vốn nhà nước là SCIC cũng không có thông tin từ trước đó. Do đó, thật khó để nói rằng, đây là thương vụ hướng đến hợp tác thân thiện. Vậy doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và ngành sản xuất vật liệu xây dựng nói chung có khả năng tự vệ trước các cuộc “xâm chiếm” tương tự?
Soi kỹ Luật Cạnh tranh hiện nay, không thấy có quy định nào đề cập đến việc một nhà sản xuất nắm thị phần chi phối mặt hàng A nào đó ở nước ngoài khi mua cổ phần số lượng lớn của các doanh nghiệp nắm thị phần chi phối cùng mặt hàng đó tại Việt Nam có bị hạn chế hay phải báo cáo cơ quan quản lý Việt Nam.
Trong khi đó, cơ hội mua cổ phần giá rẻ của các doanh nghiệp Việt Nam (những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hoặc có quỹ đất tiềm năng) đang trải rộng với các ông chủ nước ngoài. Các quỹ đầu tư ồ ạt đổ tiền ở giai đoạn bùng nổ của TTCK năm 2007 - 2008 hiện thua lỗ nặng nề và đang cạnh tranh tìm đối tác để bán lại các khoản đầu tư. Khi có đối tác đàm phán giá mua cao hơn, nhiều khả năng là họ sẽ gật đầu. Về năng lực tài chính, các doanh nghiệp Việt Nam không có đủ tiềm lực để so găng, giải pháp mua cổ phiếu quỹ để tự vệ do đó có tính khả thi không cao.
TPC gom cổ phần của hai đại gia ngành nhựa với mục tiêu thống lĩnh thị trường nội địa Việt Nam. Đây hẳn là phát pháo hiệu cho những cuộc thâu tóm của nhà đầu tư nước ngoài với các ngành sản xuất nhiều tiềm năng trên thị trường nội địa, bởi khó ai có thể thống kê được những cuộc thâu tóm ngầm. Diễn tiến này đang đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm với các cơ quan quản lý của Việt Nam, vì phía sau mỗi thị trường, ngành hàng là công sức xây dựng và chăm bón của bao thế hệ người Việt.
Ông Trần Văn Phúc
Chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP)
Chúng tôi chia sẻ nhận định chung rằng, khi đối tác Thái Lan bỏ số tiền lớn ra mua cổ phần NTPBMP là họ có ý đồ tham gia HĐQT và công tác quản lý tại doanh nghiệp, chứ không nhằm mục tiêu đầu tư tài chính.
Khi đã nắm tỷ lệ cổ phần lớn, họ chắn chắn tham gia và có quyền để định hướng công tác sản xuất, tiêu thụ, thương mại. Hiện nay, để tránh tình trạng độc chiếm và phụ thuộc hoàn toàn vào một nguồn, chúng tôi vẫn nhập nguyên liệu của Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Quả thực, khi TTCK suy giảm mạnh, những doanh nghiệp hoạt động tốt, có tiềm năng phát triển đang là cơ hội cho các nhà tư bản nước ngoài.
Để xây dựng được một doanh nghiệp như NTP, chúng tôi đã mất 50 năm lao động. Vì thế, nếu nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn trực tiếp đầu tư vào Việt Nam, họ cũng mất hàng chục năm mới có thể cạnh tranh ngang ngửa với doanh nghiệp Việt Nam. Nay chỉ cần bỏ ra lượng vốn thấp hơn rất nhiều là họ có thể định hướng được sản xuất nền tiêu thụ của một ngành. Đó là cơ hội quá hời.
Còn quá sớm để nói đến sự thay đổi, song nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm một ngành sản xuất sẽ tạo ra những tác động lớn cả về mặt tiêu dùng, an sinh xã hội và công ăn việc làm của người dân địa phương. Đơn cử, nếu thực hiện tự động hóa hoàn toàn và khai thác triệt để máy móc, lượng nhân công của nhà máy NTP sẽ giảm một nửa so với hiện nay.
Ông Lê Chí Phúc
Giám đốc đầu tư CTCP Quản lý quỹ SGI
Ngành vật liệu xây dựng Việt Nam có tính cạnh tranh rất cao. Cơ cấu cổ đông tại NTPBMP đa dạng, trong đó SCIC vẫn giữ tỷ lệ sở hữu lớn, nhiều cán bộ - nhân viên trong Công ty đồng thời là cổ đông, vì thế khả năng phía Thái Lan mua được tỷ lệ cổ phần ở mức trên 35% là khó, mức độ đủ để chi phối lại càng khó hơn.
Dẫu vậy, trên thị trường khó có thể nói trước điều gì, vì với các nhà đầu tư, đặc biệt các quỹ, lợi nhuận là yếu tố được coi trọng nhất. Do vậy, khả năng họ thoái vốn, không đồng hành với doanh nghiệp là rất cao, tạo cơ hội cho các tổ chức khác mua được cổ phần với số lượng lớn. Việc giá cổ phiếu xuống thấp, tài sản của doanh nghiệp bị thâu tóm không chỉ xảy ra với ngành nhựa, mà ở nhiều ngành nghề khác. Đây là một mặt của hội nhập mà doanh nghiệp Việt Nam buộc phải chấp nhận và đối mặt.
Một lãnh đạo Ban Đầu tư 3
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - đơn vị trực tiếp quản lý phần vốn nhà nước tại NTPBMP
Đối tác Thái Lan sở hữu đủ tỷ lệ cổ phần trong khoảng thời gian cần thiết có quyền ứng cử, đề cử ứng viên tham gia HĐQT, song ĐHCĐ có thông qua hay không là vấn đề chưa thể nói trước. Chúng tôi cũng chưa thanh soát và tìm hiểu xem nhà đầu tư Thái Lan vào doanh nghiệp Việt Nam với động cơ gì, có tốt cho doanh nghiệp hay không để có ứng xử phù hợp. Tới đây, chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này dựa trên điều lệ hoạt động của Công ty.
Với cơ cấu cổ đông cùng với những quy định của điều lệ Công ty hiện nay, cũng như những quy định của Luật Doanh nghiệp, các quy định trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, tôi cho rằng, nhà đầu tư Thái Lan khó có thể thâu tóm Công ty một cách thù địch.

Anh Việt
đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: NTP và BMP: nguy cơ bị nước ngoài thâu tóm