Các thị trường chứng khoán mới nổi sẽ kéo dài đà phục hồi cho đến cuối năm, kết quả cuộc khảo sát của Bank of America-Merrill Lynch (BofA-ML) trên các nhà quản lý quỹ trong tháng 10 cho thấy.


Theo cuộc khảo sát, tỷ lệ phân bổ vào các thị trường chứng khoán mới nổi vẫn còn khá thấp bất chấp kỳ vọng vào đà tăng trưởng khả quan của Trung Quốc”. Trong khi đó, nguồn tiền mặt của các quỹ đầu tư lại khá dồi dào.

BofA-ML cho biết số dư tiền mặt bình quân của các quỹ đã giảm từ mức 4.6% trong tháng 9 xuống còn 4.4%. Dù đây là mức thấp nhất trong 4 tháng và thấp hơn so ngưỡng 4.5% nhưng BofA-ML lại xem như một tín hiệu mua “cho các nhà đầu tư ngược hướng”. Ngân hàng này cho rằng lượng tiền mặt vẫn còn dồi dào và kỳ vọng các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục “đà phục hồi thầm lặng”.

BofA-ML nhận định: “Chúng tôi tiếp tục cho rằng các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục xu hướng tăng cho đến cuối năm” dù ngân hàng này cho biết số lượng nhà quản lý quỹ tham gia khảo sát trong tháng 10 thấp hơn so với bình thường.

1/5 số nhà quản lý quỹ trên toàn cầu vẫn còn lo ngại về việc liệu Trung Quốc có đối mặt với nguy cơ “hạ cánh cứng” và các loại hàng hóa có sụt giảm mạnh, qua đó phần nào giải thích cho mối hoài nghi về các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, BofA-ML lưu ý rằng nếu trong tháng 9, 18% nhà quản lý quỹ tăng tỷ lệ phân bổ vào thị trường mới nổi thì trong tháng 10, 10% các nhà quản lý quỹ lại giảm tỷ trọng đầu tư tại khu vực này.

Cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ phân bổ vào các quốc gia thị trường mới nổi của các nhà quản lỹ quỹ không thay đổi nhiều so với tháng 9. Theo đó, Nga vẫn là điểm đến ưa thích của các nhà quản lý quỹ với 67% tăng tỷ trọng danh mục tại nước này, tiếp theo là Trung Quốc với 56%.

Các nhà quản lý quỹ châu Á – Thái Bình Dương vẫn còn nghiêng về các quốc gia Bắc Á, chẳng hạn như Triều Tiên, Đài Loan và Trung Quốc hơn là các quốc gia Đông Nam Á trong khi Ấn Độ lại bị xa lánh.

Ngược lại, cuộc khảo sát cho biết tín hiệu bán của trường phái đi ngược xu hướng đã xuất hiện tại châu Âu. Đây có thể là tín hiệu quá mua đầu tiên của một khu vực kể từ tín hiệu này xuất hiện trên thị trường mới nổi vào tháng 12/2010.

Khoảng 77% số nhà quản lý quỹ kỳ vọng nền kinh tế châu Âu sẽ tăng trưởng trong năm tới và khoảng 46% đang tăng tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu khu vực này, cao hơn so mức 36% trong tháng 9.

Tuy nhiên, BofA-ML cho biết thêm định giá tại châu Âu vẫn còn thấp với 28% số nhà quản lý quỹ tham gia cuộc khảo sát cho rằng cổ phiếu khu vực vẫn còn rẻ và khoảng 6% kỳ vọng mức tăng trưởng EPS hai con số trong năm tới, mức cao nhất kể từ tháng 7/2011.

Tổ chức này cho biết: “Nếu lợi nhuận phục hồi, cổ phiếu châu Âu có thể tiếp tục ở trong tình trạng ‘quá mua’ thêm một thời gian nữa. Còn không, các nhà quản lý quỹ phải đối mặt với khó khăn mới là tìm kiếm một kênh đầu tư thay thế”.

Ngoài ra, BofA-ML còn cho biết thêm khoảng 68% cho rằng cổ phiếu Mỹ đang có giá đắt trong khi 30% đã tăng tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu Nhật Bản và 38% nhận thấy triển vọng lợi nhuận kém khả quan của các thị trường mới nổi. Do đó, nếu nhà quản lý quỹ nào đã bán cổ phiếu châu Âu thì không biết họ sẽ đi về đâu”.