CHƯƠNG 2: CHAT VỚI CHARLES DOW

Khi gặp Greg Morris – Phó Chủ tich cấp cao của tập đoàn Stadion Money Management - vào giữa tháng 05/2010, chúng tôi nhanh chóng nhận ra đây là một con người rất thú vị cả về phương diện cá nhân lẫn công việc. Ông có một phong cách làm việc cởi mở và chuyên nghiệp. Đồng thời ông cũng là một trong những chuyên gia hàng đầu của nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung trong lĩnh vực phân tích kỹ thuật và phân tích định lượng. Chúng tôi có nói chuyện với nhau về Lý thuyết Dow. Mặc dù có vài quan điểm khác nhau nhưng nhìn chung chúng tôi đều đồng ý rằng có khá nhiều điều mà Dow nói không còn chính xác và cần có những chỉnh sửa hợp lý trước khi áp dụng nó vào thực tế. Tuy nhiên trước khi phản biện lại Dow, có lẽ chúng ta nên đề cập sơ qua về lý thuyết của ông.
2.1. Những giả định của Dow
Charles Dow cho rằng những biến động của thị trường với mọi xu hướng đều có thể dự đoán trước được trên cơ sở biến động giá của cổ phiếu. Nhận định này của Dow có thể coi là ”sự thừa nhận đầu tiên” về khả năng dự báo của các đồ thị kỹ thuật. Đó cũng chính là nguồn gốc của những dẫn xuất, những trường phái và những nghiên cứu sau này của các nhà phân tích kỹ thuật.
Phần lớn các chứng khoán tuân theo xu hướng cơ bản của thị trường. Ở đây, chúng ta hiểu cái gọi là xu hướng cơ bản của thị trường là ”chỉ số giá bình quân” – phản ánh xu thế chung của một số cổ phiếu đại diện cho thị trường
Mục đích của việc giả định này hay nói đúng hơn là hệ quả rút ra của nó là chúng ta sẽ nghiên cứu các đồ thị để tìm kiếm những thay đổi trong sự dịch chuyển cơ bản của thị trường.

Chúng ta có thể lấy một ví dụ cho điều này. Sự xuất hiện của một mẫu hình Triple Top (Ba Đỉnh) có thể là một tín hiệu từ đồ thị kỹ thuật của VN-Index cho thấy thị trường sắp rơi vào downtrend dài hạn. Và thực sự là sau đó thị trường đã rơi vào một downtrend khủng khiếp nhất trong lịch sử của VN-Index.
2.2. Những nguyên lý cơ bản của lý thuyết Dow
Mặc dù có vài nguyên lý trong lý thuyết này đã bị lỗi thời hoặc có một số nhược điểm nhất định khi áp dụng vào thực tiễn nhưng việc nghiên cứu chúng vẫn tỏ ra khá thú vị.
2.2.1. Giá phản ánh tất cả các hành động của thị trường
Mọi thông tin (các yếu tố cơ bản, các yếu tố chính trị, các yếu tâm lý, các yếu tố khác trên thực tế) và tất cả các kiến thức của tất cả những người tham gia vào thị trường (nhà giao dịch, nhà đầu tư, nhà quản trị danh mục…) được phản ánh ngay vào trong giá.

Một thí dụ sống động trong trường hợp này là cổ phiếu FPT. Sự sụt giảm khủng khiếp kéo dài từ đầu năm 2007 đến giữa năm 2008 có rất nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân dễ thấy nhất là cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế. Tuy nhiên, để có được một sự sụt giảm ”ấn tượng” như vậy thì còn phải kể đến sự cộng hưởng của vấn đề đa dạng hoá gây tranh cãi của tập đoàn, sự thoái vốn của Intel và động thái bán ra của một số cổ đông chủ chốt... Tất cả những vấn đề đó xét cho cùng đã được phản ánh vào trong giá. Không phải ngẫu nhiên mà giá rớt thẳng từ 210,000 xuống 23,000 và cũng không phải ngẫu nhiên khi giá lần lượt phá vỡ các ngưỡng chống đỡ mạnh trước đó. Các cổ đông đã chiết khấu tất cả những điều đó rồi.
2.2.2. Thị trường có 3 sự dịch chuyển
Theo đánh giá của chúng tôi, đây là một trong những nguyên lý mang màu sắc cơ bản và tâm lý hành vi nhiều nhất của lý thuyết Dow. Những nhận xét và phân tích của Dow ở đây không chỉ hữu ích cho những người theo trường phái phân tích kỹ thuật mà cho cả những người theo trường phái phân tích cơ bản thuần tuý tại Việt Nam.
Trước hết, Dow cho rằng thị trường luôn tồn tại sự dịch chuyển chính (primary movement). Đây luôn là sự dịch chuyển quan trọng nhất vì nó ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư dài hạn và cũng là thứ được các nhà đầu tư dài hạn quan tâm nhất.
Trong một thị trường giá lên (bull market) thì khái niệm này được hiểu như một sự dịch lên trên một cách rộng lớn trong ít nhất là 18 tháng. Còn trong một thị trường giá xuống (bear market) thì đó sẽ là một sự giảm giá kéo dài và sẽ ngừng lại khi có những sự phục hồi đáng kể trong giá cổ phiếu. Downtrend trong trường hợp này thường kéo dài từ 1 đến vài năm.

Tuy nhiên, vấn đề mà chúng ta cần biết là làm sao nhận biết được khi nào thì sự dịch chuyển chính sẽ kết thúc. Có nhiều cách để nhận biết và chúng tôi sẽ từ từ hướng dẫn trong những chương sau khi chúng ta đi sâu vào các công cụ kỹ thuật. Còn bây giờ chúng ta sẽ tiếp tục với những phản ứng thứ cấp (secondary reaction).
Những phản ứng thứ cấp là chuyển động làm ngắt quảng xu thế của sự dịch chuyển chính theo hướng đối nghịch. Có một đặc điểm rất dễ nhận biết của các phản ứng này là sự sụt giảm hay sự gia tăng giá bằng khoản 1/3 đến 2/3 xu hướng trước đó.
Các phản ứng thứ cấp đôi khi làm cho những nhà đầu tư dài hạn cảm thấy lo lắng. Điểm cần lưu ý khi chúng tôi đề cập đến khái niệm nhà đầu tư dài hạn ở đây bao gồm cả những người đầu tư dài hạn theo phân tích cơ bản lẫn phân tích kỹ thuật. Một số người vẫn duy trì quan điểm rằng phân tích kỹ thuật chỉ dành cho những tay đầu cơ thiếu tầm nhìn dài hạn. Chúng tôi không hề bài bác hay phản đối ý kiến này vì sự tranh cãi là vô ích. Chúng tôi chỉ xin nêu ra hai ví dụ thực tế:
Thứ nhất, những nhà đầu cơ (nhất là ở Việt Nam) thường hay giao dịch và tìm kiếm lợi nhuận lớn trên thị trường dựa vào các thông tin nội gián về doanh nghiệp. Như vậy là họ đầu cơ dựa trên phân tích cơ bản đấy chứ!
Thứ hai, khi bạn phân tích kỹ thuật theo các khung thời gian lớn thì độ chính xác thường cao hơn và loại bớt được nhiều tín hiệu nhiễu của thị trường. Người ta có thể phân tích các chu kỳ lên đến 10, 20 thậm chí hàng trăm năm. Vậy chẳng lẽ các nhà đầu cơ cũng sử dụng những phân tích dạng này? Thực tế sẽ chứng minh cho bạn thấy là sử dụng phân tích kỹ thuật hay phân tích cơ bản để đầu tư ngắn hạn hay dài hạn là tuỳ thuộc vào quan điểm của bạn chứ không phải vì bản chất của chúng. Phù hợp hay không phù hợp là do nhà đầu tư.
Trở lại với những phản ứng thứ cấp, chúng thường kéo dài từ 3 tuần đến nhiều tháng, thông thường 3 tháng. Vì vậy đối tượng quan tâm là những nhà đầu tư ngắn hạn. Điều chúng tôi cần nhấn mạnh là một nhà đầu tư mua cổ phiếu và nắm giữ trong vòng 3 tháng sau mới bán thì vẫn được coi là đầu tư ngắn hạn. Trong khi đó ở Việt Nam, chỉ cần nắm giữ lâu hơn T+4 thì có khi đã được gọi là ”đầu tư dài hạn” rồi. Và sự thật thì thuật ngữ này cũng bị lạm dụng một cách quá mức trong thời gian gần đây và đôi khi nó có nghĩa là ”Tôi đang bị lỗ”. Chẳng hạn khi đang ngồi trên sàn chứng khoán, một ai đó hỏi bạn rằng: ”Bạn đã mua cổ phiếu STB trước đây với giá 35,000 và bạn có dự định nắm giữ tiếp không?” Bạn trả lời là ”Có”. Hiểu theo nghĩa thông thường, bạn đang đầu tư dài hạn cổ phiếu này. Còn theo một khía cạnh khác, bạn đang bị lỗ 40% vì giá STB vào ngày 16/06/2010 chỉ có 21,000!

Những sự dịch chuyển nhỏ là phần cuối cùng trong nguyên lý này. Những dịch chuyển nhỏ này có thể coi là những con dao hai lưỡi. Một điều dễ nhận thấy tại các sàn giao dịch là nhiều nhà đầu tư Việt Nam đang mắc phải hội chứng “nghiện bảng điện”. Xem bảng giá chứng khoán thường xuyên sẽ giúp bạn theo dõi sát sao biến động của thị trường nhưng nếu làm việc này quá nhiều có thể khiến bạn bị chìm đắm vào những dao động thứ cấp của thị trường mà quên đi xu hướng chính đang dịch chuyển như thế nào. Điều này là cực kỳ nguy hiểm nhất là đối với những nhà đầu tư. Nó sẽ làm chúng ta đi chệch mục tiêu của mình.