Sau buổi giới thiệu
về việc phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại Hà Nội, ngày
17.12, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) tiếp tục tổ
chức buổi giới thiệu tương tự tại TP.HCM.


Trái phiếu VCB được chuyển đổi như thế nào?


Một trong nhiều câu hỏi của nhà đầu tư (NĐT) là việc chuyển đổi trái
phiếu sau khi VCB IPO sẽ như thế nào? Theo HĐQT VCB, nguyên tắc chuyển
đổi trái phiếu của VCB đã được công bố ngay khi phát hành và điều này
sẽ được thực hiện vào cuối tháng 1.2008, căn cứ vào giá đấu bình quân
thực tế để tính tỷ lệ chuyển đổi. Việc chuyển đổi sẽ theo mệnh giá và
lãi phát sinh đến cuối kỳ chưa trả (không tính theo giá thị trường).
Các trái chủ sau khi thực hiện quyền mua cổ phần (CP) nếu đăng ký
chuyển đổi thành CP thì sẽ được hưởng các quyền lợi như cổ đông. Nếu
các trái chủ không đăng ký chuyển đổi thành CP thì được hưởng quyền
trái chủ trong thời gian sau đó.


Theo kế hoạch, sau khi tổ chức xong đợt IPO, VCB sẽ hoàn tất các thủ
tục chuyển đổi mô hình hoạt động sang doanh nghiệp cổ phần. Các NĐT
trúng đấu giá sẽ được cấp sổ cổ đông và sổ này được lưu ký, giao dịch
tại Công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương. Dự kiến đầu quý 2/2008,
VCB sẽ niêm yết và giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Ông
Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch HĐQT VCB - khẳng định HĐQT sẽ cố gắng làm
hết sức mình để đưa VCB lên sàn theo đúng kế hoạch này. Hơn nữa, VCB
cũng quyết tâm niêm yết trên sàn quốc tế trong năm 2009. Cũng theo ông
Bình, IPO của VCB được thực hiện đầu tiên trong việc cổ phần hóa ngành
ngân hàng nên sẽ có nhiều khó khăn. Tuy nhiên từ đó, bản thân các ngân
hàng quốc doanh khác sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm để thực hiện cổ
phần hóa cho mình.


Không giải quyết chuyện "mua năm công tác"


Tính đến thời điểm hiện tại, VCB đã đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng dưới
hình thức góp vốn, mua CP, liên doanh liên kết (cuối năm 2006 là gần
1.000 tỉ đồng). NĐT đặt câu hỏi liệu danh mục đầu tư đó có bị hạn chế
chuyển nhượng không? Ông Nguyễn Phước Thanh - Tổng giám đốc VCB - cho
biết: Số tiền đầu tư đó là tính theo mệnh giá gốc mà VCB đã đầu tư chứ
không định giá lại theo giá thị trường hiện nay. Trong danh mục đầu tư
này, chỉ có hai khoản đầu tư vừa được thực hiện trong năm 2007 (chưa
được thể hiện trong bản công bố thông tin) gồm đầu tư vào Ngân hàng
TMCP Gia Định và đầu tư vào Công ty Saigon Postel là bị hạn chế chuyển
nhượng trong thời gian lần lượt 3 năm và 2 năm. Số còn lại VCB được tự
do chuyển nhượng. Vì vậy theo ông Thanh, nếu tính theo giá thị trường
thì NĐT có thể tính được những khoản lợi nhuận khác của VCB từ danh mục
đầu tư này. Một số NĐT tiếp tục đặt câu hỏi về việc khi nào VCB sẽ
chọn xong NĐT chiến lược? NĐT chiến lược sẽ được mua CP VCB ở mức giá
nào? Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết: Sau khi hoàn tất đợt IPO, VCB sẽ
gặp lại các đối tác chiến lược để bàn bạc chi tiết. "Buộc NĐT chiến
lược phải mua theo giá đấu thành công trên thị trường trong khi họ phải
có những cam kết ràng buộc là điều cực kỳ khó cho chúng tôi. Tuy nhiên
trong chừng mực nào đó, VCB sẽ báo cáo với Chính phủ để có quyết định
cuối cùng", ông Bình nói.


[table]





Một vấn đề khác được NĐT thắc mắc là số vốn
2.200 tỉ đồng được thể hiện trong bảng công bố thông tin của VCB với
mục "Trái phiếu đặc biệt" đã được kiểm toán chấp nhận vốn chủ sở hữu
của Nhà nước là 11.127 tỉ đồng. Trên thực tế, đây là trái phiếu Chính
phủ được "rót" vào cho VCB với thời hạn lên đến 20 năm và theo nhiều
NĐT, số vốn này Nhà nước không thực sự bỏ ra nên không được tính vào
vốn chủ sở hữu. Hoặc có thể sau IPO phải lấy phần thặng dư vốn để bù
vào cho VCB thì mới công bằng. Ông Nguyễn Hòa Bình cũng thừa nhận đã có
đề nghị lấy phần thặng dư vốn để lại nhưng chưa được chấp thuận.
[/table]Một
vấn đề khác được nhiều NĐT rất quan tâm là trường hợp mua năm công tác
của nhân viên VCB trước đó thì sẽ được giải quyết như thế nào sau đợt
IPO này. Bà Lê Thị Hoa, Ủy viên HĐQT VCB, cho rằng những giao dịch đó
là tự thỏa thuận với nhau. Bản thân VCB cũng đã có nhiều cảnh báo và
không có trách nhiệm xử lý những phát sinh liên quan đến thỏa thuận đó.
HĐQT VCB cho biết hiện trên thị trường có nhiều thông tin trái ngược
nhau về đợt IPO của ngân hàng, chủ yếu là về mức giá. Vì vậy họ mong
muốn thông qua việc cung cấp thông tin rõ ràng, hy vọng NĐT sẽ có sự
nhìn nhận, gạn lọc và đánh giá của riêng mình. "Trong cuộc đấu giá này,
tất cả các NĐT đều bình đẳng” - ông Nguyễn Hòa Bình nói.


Lúc 15 giờ ngày 18.12 là thời điểm kết thúc việc đăng ký và đóng
tiền đặt cọc để tham gia vào đợt IPO của Vietcombank. Giờ đây, quyết
định cuối cùng sẽ thuộc về bản thân NĐT.