Tình hình kinh doanh và dòng tiền của VNE tiếp tục suy yếu, trong khi lại đang phải đối mặt với áp lực trả lãi và nợ gốc cho khoản trái phiếu 350 tỷ đồng sắp đáo hạn.

Bật tăng mạnh trở lại 34% sau khi giảm sâu trước đó

Tính từ đầu tháng đầu tháng 6/2013 đến 09/09, giá cổ phiếu của TCT Cổ Phần Xây dựng Điện Việt Nam (HOSE: VNE) đã lao dốc khá mạnh từ 5,700 đồng xuống 3,800 đồng/cp (09/09), tương ứng với mức giảm 50%.

Tuy nhiên, từ ngày 09/09 đến nay, cổ phiếu này gây nhiều chú ý khi bật tăng mạnh trở lại lên mức 5,100 đồng/cp (18/10), tương ứng với mức sinh lợi 34%. Khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên của VNE trong giai đoạn này đạt 727 ngàn đơn vị, tăng 10% so với khối lượng trung bình trong 52 tuần ở mức 660,115 đơn vị.

Biểu đồ giao dịch của VNE từ ngày 01/06-16/10 (Nguồn: VietstockFinance)

Lợi nhuận gộp giảm mạnh, 6T/2013 lỗ 1.3 tỷ đồng

Theo BCTC 6T/2013, doanh thu của VNE trong kỳ đạt gần 323 tỷ đồng, giảm nhẹ 6.2% so với 6T/2012. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán trong kỳ lại tăng mạnh và khiến cho lợi nhuận gộp trong nửa đầu năm 2013 chỉ đạt 17.3%, giảm gấp đôi so với 6 tháng cùng kỳ 2012 là 35.8%.

Đây là nguyên nhân chính khiến cho lợi nhuận sau thuế 6T/2013 của VNE âm gần 1.3 tỷ đồng, trong khi 6 tháng đầu năm 2012 công ty lãi đến 46.8 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề giá vốn hàng bán, từ đầu năm đến nay do tình hình kinh tế khó khăn nên hầu hết các chi phí nguyên vật liệu đầu vào của VNE như xi măng, kẽm, thép, các nguồn vật liệu khác như cát, đá... đều giảm mạnh.

Nhiều khả năng VNE đã hạ giá thành sản phẩm để giải phóng lượng hàng tồn kho. Do đó, tốc độ tăng doanh thu thuần trong kỳ không tương xứng với mức tăng giá vốn hàng bán và khiến cho lợi nhuận gộp giảm mạnh.

Đây là một tín hiệu không mấy khả quan, và với tình hình kinh tế khó khăn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới, rõ ràng triển vọng kinh doanh của VNE sẽ gặp nhiều thách thức.

Dòng tiền suy yếu, tiếp tục vay ngắn hạn bù đắp thiếu hụt

Dòng tiền hoạt động kịnh doanh của VNE trong 6T/2013 đã âm hơn 134 tỷ đồng, trong khi sáu tháng cùng kỳ năm 2012 dương 65 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính là do tiền mặt thu được từ cung cấp dịch vụ và hoạt động bán hàng của VNE đã sụt giảm khá mạnh so với sáu tháng cùng kỳ năm ngoái.

Để bù đắp sự thiếu hụt này, VNE đã phải nhờ đến 239 tỷ đồng tiền vay ngắn hạn để bổ sung nguồn vốn hoạt động và hoán trả nợ gốc. Đến giữa năm 2013, khoản nợ ngắn hạn của VNE đang ở mức gần 233 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cuối năm 2012.

Việc gia tăng các khoản vay sẽ khiến VNE tiếp tục chịu khoản chi phí lãi vay lớn, áp lực lên dòng tiền trả nợ và ảnh hưởng trực tiếp lên lợi nhuận của công ty.

Nỗi lo 350 tỷ đồng trái phiếu sắp đáo hạn

Để tái cấu trúc nguồn, ngày 31/10/2012, VNE đã phát hành trái phiếu (không chuyển đổi) với tổng mệnh giá phát hành là 350 tỷ đồng cho 4 ngân hàng và 2 tổ chức tài chính, với lãi suất thấp nhất là 14%/năm. Thời gian đáo hạn là 2 năm kể từ lúc phát hành, thanh toán lãi 6 tháng/lần.

Thông tin tại thời điểm phát hành cho thấy các tổ chức mua trái phiếu gồm: Techcombank (70 tỷ đồng), Sacombank (STB, 140 tỷ đồng), Oceanbank (28 tỷ đồng) SeABank (70 tỷ đồng), Bảo hiểm BIDV (BIC, 7 tỷ đồng) và SSI (35 tỷ đồng).

Như vậy, ngày 31/10/2013 tới đây, VNE sẽ phải thanh toán khoản lãi suất đợt hai 24.5 tỷ đồng (7% của 350 tỷ đồng) cho các trái chủ. Khoản chi phí này sẽ được hoạch toán vào trong chi phí tài chính và sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên lợi nhuận quý 4.

Thêm vào đó, trong quý 4/2013, VNE cũng sẽ phải chuyển khoản trái phiếu này thành khoản nợ vay ngắn hạn và sẽ khiến cho nợ vay ngắn hạn tăng mạnh.

Đáng chú ý là với cơ chế tính lãi suất như trên, thì mặc dù lãi suất ngân hàng đã giảm xuống nhưng VNE vẫn phải trả mức lãi suất tối thiểu đến 14%/năm. Rõ ràng đây là một bất lợi đối với VNE vì không giảm được chi phí nợ vay như nhiều công ty khác.

Bên cạnh đó, 31/10/2014 là ngày đáo hạn trái phiếu và VNE phải thanh toán 350 tỷ đồng tiền vốn gốc cho các trái chủ. Với tình hình kinh doanh hiện nay thì liệu VNE có thanh toán được hết các khoản nợ này hay không?

Theo phương án phát hành trái phiếu, tài sản đảm bảo chủ yếu là Quyền sử dụng đất hơn 157 ngàn m2 đất tại Dự án Đô thị mới Mỹ Thượng (Huế). Trong khi đó, nguồn thu dự kiến để trả nợ là từ dự án bất động sản này, dự án thủy điện Hồi Xuân (Thanh Hóa), nguồn tiền mặt (cuối tháng 6/2013 còn gần 13 tỷ đồng), thu bán tài sản cầm cố và thu hồi công nợ.