Chứng khoán ngóng dòng tiền nóng từ ngân hàng
Vào những ngày cuối năm 2011, một khả năng không nhỏ là Ngân hàng nhà nước sẽ điều chỉnh một số chính sách tín dụng nào đấy. Không loại trừ vào một thời điểm nào đó trong tuần, dòng tiền nóng có thể được trút mạnh mẽ vào thị trường, nhấc bổng giá cổ phiếu lên.
Vậy là dự báo của chúng tôi trong tuần trước về khả năng chỉ số VNI sẽ bị đánh xuống trọn 5 phiên đã bị nhóm tạo lập thị trường rút bớt 1 phiên. Màn hài kịch cũng từ đó mà diễn ra.

Một vài nhà đầu tư đã không kềm được cảm xúc khi bày tỏ nỗi nhẹ gánh, lòng ấm hẳn lại vào phiên cuối tuần, trong bầu không khí giá lạnh của mùa đông.
Nhưng điểm tích cực nhất có lẽ là tâm lý của đa số nhà đầu tư không còn quá hào hứng với những đợt đánh lên vốn xảy ra theo cách "một bước tiến ba bước lùi". Đa số đều nhìn vào thị trường với cặp mắt đầy nghi ngại và với nhận thức không để tình cảm lấn át lý trí.
Cú đánh xuống trong tuần qua thực ra chỉ là hệ quả của những hệ quả. Những hệ quả đó lại đã xảy đến từ cả năm nay. Vào tháng 5/2011, thị trường cũng bị cho đo ván sau chuỗi ngày lê thê kéo ngang. Cũng từ thời điểm đó, bắt đầu xuất hiện vài ba bài báo về đại gia này, nhà đầu tư kia phải nhập viện tâm thần.
Trong buồn tẻ và thất vọng, chứng khoán chỉ còn biết ngóng vào các chính sách tiền tệ.
Song lần này có hơi khác. Cơ sở chính cho sự khác biệt đó là so với hồi giữa năm, chỉ số HNX đã mất thêm khoảng 30% nữa. Nửa năm qua cũng đầy chuyện tai tiếng và cả tai biến đối với thị trường - những chuyện xét ra có vẻ như không thể so với thứ gì xấu hơn thế.
Vậy nên với mặt bằng giá cổ phiếu nói chung đã mất thêm 40-50% trong nửa năm qua, chẳng có mấy người còn muốn bán nữa. Về hiện tượng này, có lẽ các công ty chứng khoán là những địa chỉ nắm chắc nhất về việc những kẻ lũng đoạn thị trường đã phải khá vất vả trong 6 tháng qua để có thể kéo HNX giảm về vùng 60 điểm.
Bởi thế, đợt lao dốc trong tuần qua mang hình dáng xiên xiên chứ không hẳn dốc đứng như hồi giữa năm. Dạng đồ thị như thế cũng ngầm muốn nói: thị trường chỉ giảm đến thế thôi; hơn nữa thì không thể được.
Mà đã giảm quá miễn cưỡng như thế thì đứng trên "lập trường" của mình, nhóm tạo lập thị trường lại phải kéo lên.
Lại một lần nữa rõ như ban ngày là kéo lên chẳng vì một lý do chính đáng nào hết. Nói cách khác, lý do duy nhất cho phiên phục hồi cuối tuần qua chỉ là khi mọi chuyện xấu đã trở nên chai lỳ trong đầu óc nhà đầu tư thì việc không có thông tin nào cũng đã trở thành một yếu tố tích cực.
Bỏ qua tất cả những mẩu chuyện về mất thanh khoản nơi cổ phiếu, mất thanh khoản tại công ty chứng khoán, doanh nghiệp niêm yết rùng rùng kéo nhau xin thôi làm "kênh dẫn vốn đắc lực", Ủy ban chứng khoán quốc gia vẫn đang ngày đêm trăn trở với biết bao đề án dài hạn của mình..., kể từ giờ phút này thị trường lại đang trông chờ... Tết.
Nói thẳng kể cũng hơi nghiệt lòng, bởi có lẽ nào mà các doanh nghiệp bất động sản và chứng khoán lại có thể bị ăn Tết nghèo như thế. Nhưng nếu hiểu theo lẽ công bằng xã hội và theo cái cách mà bản thân thị trường đã bị móc túi trong suốt năm qua, thì chẳng có lý do gì để bớt hy vọng về một cái Tết không đến nỗi quá nghiệt ngã.
Trước cái Tết ấy lại là đợt IPO khủng của BIDV. Sự so sánh này có vẻ như thật khập khiễng khi BIDV dường như chẳng dính dáng gì đến thị trường đương đại. Tuy nhiên làm thế nào để cổ phần của BIDV - một ngân hàng rất lớn thuộc Nhà nước lớn - không bị ế hệt như điều đã từng xảy ra ở khá nhiều đợt IPO trong năm nay, lại giống như một "mệnh lệnh".
Nếu ngày IPO của BIDV diễn ra đúng vào 26/12 tới theo kế hoạch mà không có sự thay đổi nào, nhà đầu tư có thể tạm yên tâm canh bán cổ phiếu. Tất nhiên là bán với giá cao hơn mức hiện thời.
Cũng vào những ngày cuối năm 2011, một khả năng không nhỏ là Ngân hàng nhà nước sẽ điều chỉnh một số chính sách tín dụng nào đấy. Tái cấu trúc ngân hàng có thể được cụ thể hóa bằng biện pháp tăng dần room tín dụng cho những ngân hàng tốt. Cách thức này tuy không tác động trực tiếp đến kênh chứng khoán, nhưng lại giúp cho đợt IPO của BIDV thêm phần hấp dẫn. Ít nhất, TTCK cũng được nương nhờ về mặt tâm lý.
Cũng cần nhắc lại một điểm tích cực là bà con trên các diễn đàn đã không quá hồ hởi với tín hiệu "đáy" của thị trường. Nhiều người đã rút ra, còn đa phần tồn tại trong thị trường đã biết sợ.
Khư khư giữ chặt tiền cũng là một phương cách sinh lời, đặc biệt đối với kênh đầu tư chứng khoán.
Nhưng chính tâm lý trên lại là một cản ngại không nhỏ để nhóm tạo lập thực hiện hành vi "phục hồi" thị trường, dù chỉ với "kỳ vọng" 10% chứ không như sóng tăng đến 20% trước đây. Chi phí vốn bỏ ra để đánh lên sẽ phải nhiều hơn - đó là điều chắc chắn và cũng là nỗi khó xử cho nhóm tạo lập trong thời buổi khốn khó về tiền mặt như lúc này.
Cái thế giằng co giữa một người muốn ôm chặt túi tiền, còn kẻ kia lại cứ mó máy khuyến dụ sẽ khiến cho thị trường không xuống cũng không lên.
Yếu tố quyết định của cán cân sẽ là dòng tiền nóng của nhóm tạo lập thị trường. Không loại trừ vào một thời điểm nào đó trong tuần này, dòng tiền nóng đó có thể được trút mạnh mẽ vào thị trường, nhấc bổng giá cổ phiếu lên.
Hiển nhiên, dù là thời suy thoái thì người giàu cũng cần phải ăn một cái Tết cho xứng với đẳng cấp của mình.
Không thể "cứ mở mắt ra là nhìn thấy đêm Ba mươi".
Việt Thắng
diễn đàn kinh tế việt nam



Xem bài viết: Chứng khoán ngóng dòng tiền nóng từ ngân hàng