Dòng tiền nội vào cuộc đua giá
Hơn một tháng qua, giao dịch NĐT nước ngoài dẫn dắt thị trường, nhưng gần một tuần nay, dòng tiền của NĐT trong nước đã quay trở lại mạnh hơn.
Khối ngoại dẫn dắt
Trên sàn HOSE, thống kê giao dịch NĐT nước ngoài kể từ đầu năm 2012 đến nay cho thấy, khối này đã bán ròng 1.451 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là bán STB (bán ròng 2.312 tỷ đồng bằng phương thức khớp lệnh thỏa thuận). Nếu loại bỏ yếu tố này thì khối NĐT nước ngoài đã mua ròng 860,641 tỷ đồng.
Cao điểm trước Tết âm lịch, có phiên, khối ngoại mua vào tới hơn 52% giá trị giao dịch toàn thị trường. Đầu tháng 1/2012, khi NĐT nước ngoài tích cực mua vào, thì NĐT trong nước tỏ ra thận trọng, quan sát vì e sợ bị sập bẫy. Nhưng đà tăng của thị trường đã được duy trì sau kỳ nghỉ nghỉ lễ. Từ 1 - 9/2, khối này mua ròng 607 tỷ đồng, với giao dịch áp đảo toàn thị trường. Cụ thể, với giao dịch khớp lệnh liên tục, NĐT nước ngoài chiếm bình quân 12,51% khối lượng mua vào, 4,15% khối lượng bán ra toàn HOSE, xét về giá trị tương đương 20,19% và 5,96%. Thị trường cũng chứng kiến sự tăng điểm ở các mã chứng khoán được khối ngoại tăng mua. Điều này cho thấy tính dẫn dắt của nhóm NĐT ngoại với thị trường trong nước.
Anh Hải, một NĐT VIP tại CTCK Thăng Long (TLS) nhận xét: “Đây là cơ hội tốt để có thể kiếm tiền như năm 2009”. Anh cho rằng, không phải tự nhiên mà NĐT nước ngoài mua vào nhiều như thế, bởi vì thị trường Việt Nam đang được định giá quá rẻ. Theo anh Hải, việc mua theo các cổ phiếu VN30 hoặc Top30 của toàn thị trường có thể là một sự lựa chọn hợp lý lúc này.
Nhiều "lái tàu" chứng khoán cac giai đoạn trước đã quay trở lại thị trường

NĐT trong nước vào cuộc
Với sự hưng phấn được khơi dậy từ diễn biến giao dịch khối ngoại, cộng thêm nhận xét cho rằng định giá chứng khoán đã quá rẻ, anh Hải đã quay trở lại thị trường sau hơn 1 năm thận trọng. Dù sở hữu 2 nhà hàng, mỗi tháng kiếm lời cả trăm triệu đồng, nhưng hơn nửa tháng nay, anh đã bàn giao nhà hàng cho vợ, trở lại bám sàn, với mục tiêu: 2012 sẽ ít nhất kiếm lời bằng với năm 2009, thời mà có lúc cao điểm anh đã có tới gần 100 tỷ đồng trong tài khoản.
V, một NĐT chứng khoán khác tại Hà Nội, cũng là một tay “lái” chứng khoán có tiếng giai đoạn 2009. Nổi tiếng không hoàn toàn bởi anh có số vốn lớn, mà bởi mỗi thương vụ anh hô hào đều có sự ủng hộ của các đại gia trên thị trường và đa phần mang lại kết quả mỹ mãn. Trong cuộc trao đổi với ĐTCK ngày hôm qua, V chia sẻ, ngay từ trước kỳ nghỉ Tết, anh đã tham gia thị trường trở lại. “Giai đoạn trước, thấy toàn “tây” mua thì cũng ghê, nhưng đợt này lại cảm thấy tự tin hơn. Tôi đã giải ngân gần hết vốn và đến thời điểm này, vẫn chưa ra hàng”, V chia sẻ.
Không chỉ V, nhiều “lái tàu” chứng khoán các giai đoạn trước cũng đã quay trở lại thị trường. Một môi giới chứng khoán cho biết, lượng khách hàng đăng ký dùng margin bắt đầu tăng lên đáng kể trong những ngày đầu năm mới. Nhiều NĐT “tương lai” cũng đã gọi điện xin tư vấn về khả năng đầu tư.
Điểm kỹ hơn những mã chứng khoán tăng mạnh các phiên tuần qua cho thấy, thị trường đang xuất hiện ngày một nhiều mã tăng trần trên cả 2 sàn, mà lực mua chủ yếu từ NĐT trong nước. Đặc biệt trên HNX, NĐT trong nước chính là nguyên nhân quan trọng giúp chỉ số HNX-Index tăng điểm trong suốt thời gian vừa qua.
Như trường hợp của EIB, dù có đà tăng liên tục từ ngày 17/1 đến 9/2 từ mức 13.500 đồng/CP lên 16.500 đồng/CP, nhưng sự tham gia của khối ngoại trong tương quan giao dịch mua bán EIB lại rất khiêm tốn, với nhiều phiên NĐT ngoại không tham gia mua bán. Phiên ngày hôm qua, 9/2, EIB khớp 3,986 triệu cổ phiếu, nhưng cũng chỉ có 270.000 cổ phiếu được NĐT nước ngoài mua. Hay cổ phiếu SHN trên sàn HNX đã tăng liên tục 1 tháng nay từ mức 3.500 đồng/CP lên 5.600 đồng/CP, tương đương mức tăng 60% nhưng đến tận phiên giao dịch ngày hôm qua, khối ngoại mới bắt đầu “để mắt” đến cổ phiếu này.
Giám đốc một quỹ đầu tư nhận xét: “Nếu đà tăng của thị trường trước Tết đến từ giao dịch của khối ngoại, thì từ đầu tuần này, dòng tiền đầu cơ đã quay trở lại thị trường. Việc một số mã chứng khoán đang có nguy cơ phá sản hoặc sắp hủy niêm yết bỗng nhiên tăng giá mạnh, thực chất chỉ là hiệu ứng của việc đầu cơ trên thị trường, chứ không phải do định giá thấp”. Vị này cũng nhận xét, nếu dùng tiền thật, chọn cổ phiếu có cơ bản tốt, định giá vẫn thấp thì mua lúc này vẫn có thể kỳ vọng sinh lời. Còn nếu a dua theo những cổ phiếu đầu cơ đã bị đẩy giá lên cao, trong khi tình hình nội tại của DN xấu thì rủi ro là rất lớn.
Uyên Phạm
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN



Xem bài viết: Dòng tiền nội vào cuộc đua giá