Vàng – dầu giảm mạnh trong quý III

Trong phiên giao dịch hàng hóa, năng lượng ngày cuối quý III 30/9, cả vàng – dầu đều chốt phiên trong sắc đỏ, thiết lập quý giảm mạnh nhất trong năm nay của hai hình thức đầu tư phố biến này

Cụ thể, giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX New York giảm 7,2 USD xuống $1211,6/oz. Trong khi đó, giá vàng giao ngay đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1 là vùng $1207/oz.

Như vậy, quý kim vàng đã giảm 6% trong tháng 9 với mức giảm hàng quý 9%, đánh dấu đợt giảm hàng tháng lớn nhất từ tháng 6/2013 và đợt giảm hàng quý đầu tiên trong năm nay.

Đà giảm mạnh của vàng trong phiên 30/9 và cả quý III xuất phát từ các nguyên nhân: Đồng USD liên tục tăng giá và thị trường chứng khoán Mỹ neo ở ngưỡng cao, căng thẳng địa chính trị leo thang, lực cầu yếu.

USD phiên 30/9 đã tăng lên mức cao nhất 4 năm so với các đồng tiền trong giỏ tiền tệ và cao nhất 2 năm so với euro sau khi lạm phát trong khu vực eurozone giảm trong tháng 9. Đồng bạc xanh đã có 11 tuần tăng liên tiếp và đang hướng đến đợt tăng hàng quý lớn nhất trong 6 năm trước đồn đoán Fed sẽ nâng lãi suất sớm hơn dự kiến. Mức cao của đồng USD khiến giới đầu tư phải trả một giá cao hơn cho việc nắm giữ vàng bởi đồng nội tệ (không phải USD). Hơn thế nữa, sức mạnh của đồng USD đã hấp dẫn giới đầu tư tiền tệ càng khiến vàng trở nên mất giá.

Mặc dù phiên 30/9 thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa trong sắc đỏ nhưng trong cả quý III năm nay: chỉ số S&P 500 tăng 0,6% và Dow Jones tăng 1,3%. Trong khi tình hình căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông và Đông Âu đang dần lắng diu, việc thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng là yếu tố thu hút giới đầu tư tìm đến các tài sản có lợi nhuận cao hơn so với vàng.

Thị trường năng lượng quý III cũng đã khiến giới đầu tư đặt cược giá tăng thật sự thất vọng.

Cụ thể, giá dầu ngọt, nhẹ giao tháng 11 trên sàn Nymex hôm 30/9 giảm 3,6%, mức giảm hàng ngày lớn nhất kể từ 7/11/2012. Giá đã giảm 3,41 USD xuống 91,16 USD/thùng, thấp nhất kể từ 1/5/2013. Đồng thời, giá dầu Mỹ đã đánh dấu đà giảm 13% trong quý III.

Trong khi đó, giá dầu Brent tháng 11 trên sàn ICE giảm 2,53 USD (-2,6%) xuống 94,67 USD/thùng. Giá đã giảm 20% từ mức cao nhất 118,89 USD/thùng đạt được hôm 8/2/20113. Đồng thời, giá dầu Mỹ đã đánh dấu đà giảm 16% trong quý III.

Giá dầu hiện đang chịu áp lực khi thương nhân quyết toán sổ sách trong ngày giao dịch cuối cùng của quý và khi hợp đồng nhiên liệu đáo hạn.

Đà giảm dài hơi của thị trường năng lượng xuất phát từ việc nguồn cung dồi dào trong khi lực cầu yếu bởi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thực sự vững chắc:

Theo khảo sát của Reuters, nguồn cung dầu từ OPEC lên mức cao nhất 2 năm qua trong tháng 9 nhờ sản lượng cao hơn từ Arab Saudi và Libya. Với nguồn cung gần 31 triệu thùng, sản lượng đã vượt dự báo nhu cầu của OPEC ở 29,2 triệu thùng.

Sản lượng dầu của khối OPEC đang là tâm điểm chú ý trên thị trường khi sản lượng từ Mỹ, Libya, Iraq và các nước khác tăng mạnh. OPEC đã được kêu gọi giảm sản lượng nhưng dường như chưa có dấu hiệu việc này sẽ diễn ra. Kết quả là giá dầu liên tục giảm từ giữa tháng 6 khi cung vượt cầu.