Tín hiệu gợi lại không khí đầu năm 2009
(Vietstock) - Không loại trừ một khả năng là TTCK đang chuẩn bị hình thành vùng đáy. Dù còn khá mơ hồ, nhưng vẫn đang diễn ra một sự vận động ngấm ngầm nào đấy gợi lại không khí của những tháng đầu năm 2009.

Toàn cảnh: Mọi thứ đều u ám
Hy vọng duy nhất để TTCK có thể phục hồi trong quý đầu tiên của năm Rồng đã bị từ chối gần như thẳng thừng. Lãi suất - cái đòn bẩy của Acsimet có thể nâng một nửa thế giới khỏi vùng tăm tối - đã lại không được Thống đốc Nguyễn Văn Bình đồng thuận kéo giảm. Thậm chí, hy vọng về chuyện lãi suất giảm chỉ có thể đến vào cuối quý 2/2012, nghĩa là nhà đầu tư còn phải dài cổ trông ngóng đến 5 tháng nữa.
Cũng bởi thế, tuần giao dịch cận Tết Nguyên đán nhiều khả năng sẽ là một khoảng thời gian hết sức nhàm chán. Sự nhàm chán và thất vọng còn có nguy cơ tái hiện hình ảnh sống động hơn khi những mã cổ phiếu có quy mô siêu lớn như BVH, MSN, VIC vẫn thay nhau thách thức giá trị thật của chỉ số VNI.
Cái mốc thời điểm gần nhất mà thị trường có thể nhìn vào là ngày 01/02/2012, khi UBCK chính thức áp dụng bộ chỉ số mới VN30. Liệu điều này có thể làm thay đổi tình thế?
Không ai biết được. Bởi đã từ lâu xu hướng vận động của thị trường phụ thuộc vào một nhóm nhỏ các nhà đầu cơ, những người còn được mệnh danh là MMs, hay còn gọi là những kẻ lũng đoạn thị trường.
Với cách mà nhóm MMs thể hiện, thật khó mà trông mong thị trường sẽ được phục hồi trong ngắn hạn. Ngược lại, chiến thuật kéo tăng chỉ số VNI, trong khi HNX chỉ có thể đi ngang, càng làm cho nhà đầu tư dễ hình dung về triển vọng ngắn hạn ngay sau Tết âm lịch.
Đó là triển vọng thị trường bị đánh xuống thêm một lần nữa, cho dù chỉ số sàn Hà Nội đã về rất thấp, chỉ còn khoảng 12% giá trị so với mức đỉnh năm 2007 và khoảng 25% giá trị so với mức đỉnh phục hồi năm 2009.
Trong khi đó, dư luận chung của giới phân tích chứng khoán vẫn tỏ ra cực kỳ thận trọng. Cho tới giờ, những quan điểm lạc quan nhất vẫn chỉ hướng đến nửa cuối năm nay như một thời kỳ thị trường có thể lấy lại đôi chút cân bằng.
Ở một thái cực khác, chiến dịch tái cấu trúc công ty chứng khoán chỉ mới hình thành bước đi ban đầu của nó. Việc Đề án tái cấu trúc CTCK được Bộ Tài chính phê duyệt nhanh chóng ngoài mong đợi, tuy có thể gợi lên hy vọng là cuộc đại phẫu sẽ đến nhanh hơn, nhưng ai cũng biết rằng đó sẽ là một nhát cắt không khỏi đau đớn.
Thậm chí rất đau đớn.
Cũng như cuộc tiểu phẫu vừa qua đối với 3 ngân hàng thương mại nhỏ và có lẽ cũng sẽ diễn ra một cuộc trung phẫu đối với ít ra 5 ngân hàng khác trong quý 1/2012, khối CTCK hoàn toàn có thể sa chân vào nguy cơ bị thanh loại trong nửa đầu năm nay.
Với tình trạng đang tồi tệ hơn nhiều so với thời kỳ khủng hoảng năm 2008, không có gì đảm bảo là sẽ có đến 2/3 số CTCK có thể tồn tại được đến thời điểm cuối tháng 6/2012, trong khi tỷ lệ 1/3 bị đưa vào “danh sách đen” đã là điều chắc chắn.
Hiện trạng và tương lai u ám như thế càng có cớ để đẩy thị trường lún sâu hơn nữa.
Vậy còn điều gì để hy vọng?
Tín hiệu gợi lại không khí đầu năm 2009
Trong bối cảnh bĩ cực và phần lớn nhà đầu tư nhỏ lẻ đang chờ chực quay lưng với thị trường, lại đã chớm xuất hiện một tín hiệu khác lạ. Dù chỉ là một tín hiệu chứ chưa đủ năng lượng để trở thành một dấu hiệu hay dấu chỉ, nhưng động thái đó đã phát xuất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Hãy để ý đến những nhận định của người đứng đầu NHNN về các kênh đầu tư trong năm 2012.
Lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức từ tháng 8/2011, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã đề cập đến mối tương quan và độ hấp dẫn giữa các kênh đầu tư. Cũng từ đầu năm 2012 đến nay, đã hai lần ông Bình nói đến TTCK, một lần gián tiếp và một lần trực tiếp. Trong khi cả một quãng thời gian dài trước đó, NHNN chưa một lần “ghé mắt” nhìn vào thị trường này.
Tất nhiên, không thể lấy những nhận định còn rất mong manh trên làm cơ sở cho một diễn biến tích cực hơn trong thời gian tới. Nhưng điều có thể so sánh và chiêm nghiệm là không phải vô cớ mà giá vàng trong nước đang có xu hướng gần hơn với giá vàng thế giới. Xu hướng này lại diễn ra sau khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng trong thời gian tới, đầu tư vàng là một kênh có độ rủi ro rất cao.
Cũng không phải vô cớ mà ông Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia và cũng là một thành viên của Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia - mới đây đã công bố về bản kiến nghị của Ủy ban này với Chính phủ về việc tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tín hiệu thay đổi nào đó từ chính sách còn có thể được xác nhận rõ ràng hơn nếu nhìn lại những dự báo của ông Nghĩa về TTCK. Cho đến tháng 10/2011, vị chuyên gia này cũng chỉ đánh giá TTCK một cách chung nhất và dự đoán thị trường này sẽ chỉ phục hồi sau thị trường bất động sản.
Nhưng cho đến gần đây, quan điểm trung hạn của ông Lê Xuân Nghĩa đã bắt đầu đổi khác. Trong một nhận định mới nhất, ông cho rằng TTCK có thể bắt đầu dấu hiệu phục hồi vào giữa quý 2/2012.
Nếu nhận định trên là xác đáng thì thời gian từ đây tới thời điểm phục hồi của TTCK vẫn còn từ 3-4 tháng nữa. Nhưng không phải là quá lâu.
Một nhân vật khác - Michael Kokalari, Giám đốc Nghiên cứu Đầu tư CTCK Kim Eng Việt Nam - cũng bổ sung một nhận định có tính ẩn ý, khi ông cho rằng đã có một vài tín hiệu từ NHNN về thị trường vàng. Ẩn ý này được phát triển khi ông nhận định “rất lạc quan về TTCK Việt Nam trong năm 2012”.
Tuy thị trường vẫn nằm trong không khí số người dự báo xu hướng giảm nhiều hơn hẳn số người dự báo phục hồi, nhưng điều đó không có nghĩa đa số bao giờ cũng đúng - cũng là một đặc thù của thị trường này.
Không loại trừ một khả năng là TTCK đang chuẩn bị hình thành vùng đáy. Những phiên giao dịch sau Tết âm lịch 2012 sẽ là một dấu hiệu để xác định vùng đáy ấy. Nếu như chỉ số HNX giữ được mốc 55 điểm hoặc giữ được vùng điểm từ 50-55 thì nhà đầu tư vẫn còn có cơ sở để tránh khỏi sự hoảng loạn, cho dù thị trường có bị đánh xuống rất mạnh.
Dù còn khá mơ hồ, nhưng vẫn đang diễn ra một sự vận động ngấm ngầm nào đấy mà gợi lại không khí của những tháng đầu năm 2009.
Hạ Xuyên



Xem bài viết: Tín hiệu gợi lại không khí đầu năm 2009