Nhiều doanh nghiệp chây ỳ trả cổ tức
Tuy đã chốt danh sách chia cổ tức, nhưng nhiều DN viện những lý do khó khăn để chây ỳ việc trả cổ tức khiến nhiều cổ đông bức xúc.
Theo thông tin từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán, từ tháng 8 đến 10/2011, có ít nhất 100 doanh nghiệp sẽ phải thanh toán cổ tức năm 2010 và tạm ứng cổ tức năm 2011 như kế hoạch. Liệu các doanh nghiệp có "giữ lời"?
Giải pháp… khất, dời
Nếu gặp thời điểm kinh doanh thuận lợi, dòng tiền dôi dư, việc doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông 10%, 20%, 30% hay thậm chí cao hơn sẽ không có gì đáng bàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh làm ăn khó khăn và tín dụng thắt chặt, tiền cho hoạt động đã khó, nói gì tiền trả cổ tức. Vì thế, dù khoản tiền chia cổ tức chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với quy mô vốn, nhưng đối với nhiều doanh nghiệp, thêm một khoản chi lúc này là thêm một áp lực.
Mới đây, CTCP Xây dựng 565 (NSN) thông báo, Công ty sẽ lùi thời hạn thanh toán cổ tức từ ngày 6/7 sang 16/8. Trước đó, NSN đã từng xin lùi thời hạn thanh toán cổ tức từ 24/5 qua 6/7. Như vậy, NSN đã dời thời gian thanh toán cổ tức so với kế hoạch ban đầu chậm lại 3 tháng.
Lý do NSN phải khất tới khất lui trước cổ đông vì công tác thu hồi vốn ở các công trình của NSN gặp khó. Trong khi đó, ngân hàng lại "khóa van" cho vay. Ngoài ra, Công ty cần tập trung vốn cho một số công trình khu vực Tây Bắc để hoàn thành trước mùa mưa bão.
CTCP Ngô Han (NHW) cũng đưa ra lý do nghe chừng hợp lý khi dời thời gian trả cổ tức từ 30/6 qua 18/8. Theo NHW, Công ty chưa thể cân đối được nguồn tài chính nên không thể tiến hành trả cổ tức như đã hẹn.
So với hai doanh nghiệp trên, CTCP Sông Đà 7.04 (S74) là đơn vị nói thật nhất: do tình hình tài chính có nhiều biến động, do chính sách thắt chặt tín dụng của Chính phủ cùng với biến động giá cả tăng cao, S74 cần tập trung nguồn vốn cho sản xuất, cần đầu tư vốn để đảm bảo thực hiện mục tiêu kinh doanh năm 2011.
Để minh chứng cho sự khất dời của mình là do hoàn cảnh chứ không phải do bản thân doanh nghiệp, S74 không chỉ hoãn trả cổ tức 1 - 2 tháng, mà còn dời việc thanh toán cổ tức đến nửa năm sau, sẽ trả cổ tức vào ngày 12/12, thay vì 15/6 như kế hoạch ban đầu.
Cổ đông... bất lực
Thoạt nghe những lý do kể trên, cổ đông thấy không có cớ gì để không thông cảm cho doanh nghiệp. Thời buổi tiền bạc eo hẹp, doanh nghiệp phải ưu tiên vốn cho sản xuất, để sản xuất không đình trệ. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ, nhiều nhà đầu tư cho biết, họ không thể không buồn.
Chẳng hạn, số tiền trả cổ tức lần này của NSN chỉ khoảng 4,42 tỷ đồng, không đáng kể so với tổng doanh thu 102,5 tỷ đồng mà NSN thu về trong 6 tháng vừa qua. Điều này cho thấy, nếu NSN muốn trả cổ tức như giao kết với cổ đông, không phải là không thực hiện được. Thực tế, chỉ riêng quý II/2011, doanh thu của NSN đã tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà giá vốn của NSN lại tăng vọt đến 69% so với cùng kỳ. Vì thế, NSN làm nhiều hơn mà lợi nhuận lại kém đi. Doanh nghiệp lại phải trả lãi vay nhiều gấp đôi so với cùng kỳ. Kết quả, sau nửa chặng đường của năm hoạt động 2011, NSN lỗ 1,3 tỷ đồng.
NSN lỗ nên phải gác tới gác lui việc trả cổ tức. Nhưng dù gì thì NSN vẫn không nên để nhà đầu tư chờ quá lâu. Trong khi đó, S74 lãi và còn tiền mặt gần bằng số tiền phải trả cổ tức 13,5 tỷ đồng, nhưng lại khiến nhà đầu tư phải đợi dài cổ.
Cổ đông mua cổ phiếu đã chịu thua thiệt vì giá cổ phiếu giảm, chỉ còn niềm an ủi là được doanh nghiệp chia sẻ một phần lợi nhuận dù nhỏ, như một cách ghi nhận sự góp vốn của cổ đông. Tuy nhiên, văn hóa trả cổ tức và cách thức trả cổ tức của nhiều doanh nghiệp vẫn khiến giới đầu tư cảm giác như mình được ban ơn.
Hẳn lúc này đây, khi có nhiều yếu tố khách quan bất lợi, không ít doanh nghiệp vẫn đinh ninh, việc dời hạn trả cổ tức là điều rất bình thường. Thậm chí, một số có lẽ cảm thấy không có nghĩa vụ phải công bố lý do. Đây rõ ràng là một sự thờ ơ với cổ đông.
Thực tế trong nhiều trường hợp, cổ đông không được biết dòng tiền nào sẽ được dành để trả cổ tức ngoài một thông tin rất chung chung là tiền lấy từ lợi nhuận chưa phân phối. Chính vì thế, khi doanh nghiệp bày tỏ khó khăn, cổ đông chỉ biết chấp nhận vì không còn lựa chọn nào khác.
Ngọc Thủy
đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Nhiều doanh nghiệp chây ỳ trả cổ tức