Vietstock Weekly 24 - 28/10: Chờ đợi tín hiệu từ khối lượng giao dịch
(Vietstock) – Mô hình Định lượng Kỹ thuật của chúng tôi đã cho tín hiệu tích cực trở lại khi gia tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trên cả hai sàn. Tuy nhiên, khi mà vẫn chưa có những tín hiệu rõ ràng từ những thông tin vĩ mô thì việc quan sát khối lượng giao dịch được coi là chỉ báo quan trọng nhất.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN QUA
Thị trường lại có thêm một tuần giảm điểm khi VN-Index sụt giảm 0.83%, kết thúc tuần ở mức 411.03 điểm; HNX-Index gần như đi ngang khi giảm nhẹ 0.09% xuống mức 69.13 điểm; trong khi chỉ số VS 100 sụt giảm mạnh khi mất 2.2% trong tuần qua.
Các chỉ số Market Cap đều giảm điểm, VS-Micro Cap giảm mạnh nhất 1.34%, tiếp theo là VS-Mid Cap giảm 1.08%, VS-Large Cap giảm 0.64% và VS-Small Cap giảm nhẹ nhất 0.49%
Giao dịch nhìn chung tiếp tục diễn ra thận trọng khiến cho thanh khoản tiếp tục sụt giảm mạnh. Tuy nhiên thị trường đã có phiên giao dịch khá tích cực vào cuối tuần khi hàng loạt mã đầu cơ tăng trần và hiện tượng dư mua xuất hiện trở lại.
Phiên giao dịch ngày 20/10, thanh khoản thị trường sụt giảm nghiêm trọng khi tổng khối lượng khớp lệnh trên HOSE chỉ đạt gần 13.7 triệu đơn vị, thấp nhất kể từ ngày 11/3/2009, trên HNX khối lượng khớp lệnh cũng chỉ đạt gần 17 triệu đơn vị.
Tổng cộng cả tuần, khối lượng khớp lệnh trên HOSE tiếp tục sụt giảm 18.6%, HNX giảm 15.3% so với tuần giao dịch trước.

Đáng chú ý là hoạt động nâng đỡ chỉ số lại tiếp tục tái diễn, khiến cho chỉ số VN-Index sụt giảm nhẹ, trong khi đó chỉ số VS 100 cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đã có thêm một tuần sụt giảm mạnh.
Dòng tiền trong tuần qua tiếp tục đổ dồn vào các mã nóng như IJC, HQC, OCG… trên sàn HOSE, trong khi trên HNX dòng tiền lại tập trung vào các mã tài chính như KLS, VND, SHN, đặc biệt là các cổ phiếu chứng khoán.
EIB có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất tuần với hơn 7.5 triệu được sang tay, tương ứng với hơn 98 tỷ đồng.
CPI tháng 10 của 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM được công bố với mức tăng khá thấp tương ứng 0.13% và 0.19%. Tuy nhiên, thị trường dường như khá bàng quang trước thông tin được cho là khá tích cực này.
Tuần qua, số ngành giảm điểm tiếp tục chiếm ưu thế với 16/24 ngành. Ngân hàng bất ngờ sụt giảm mạnh nhất trong các ngành nóng khi giảm mạnh 4.17%, do tác động của những thông tin không mấy tốt đẹp xung quanh vấn đề thanh khoản. Tiếp theo là Bất động sản giảm 2.19%, Xây dựng giảm 2.07%, Chứng khoán giảm ít nhất 1.23%.
Khối ngoại trở lại bán ròng hơn 78 tỷ đồng trên cả hai sàn, gồm bán ròng hơn 55 tỷ đồng trên HOSE và gần 23 tỷ đồng trên HNX. Giao dịch khối ngoại vẫn tiếp tục diễn ra khá ảm đạm trong tuần giao dịch qua.
Trên HOSE, khối ngoại mua ròng mạnh nhất MSN đạt 39.7 tỷ đồng, và bán ròng mạnh nhất HAG với 29 tỷ đồng. Đáng chú ý là khối ngoại đã trở lại bán ròng VIC với gần 15.2 tỷ đồng sau khi trở lại mua ròng nhẹ trong tuần trước.
Trên HNX, khối ngoại bất ngờ thoát hàng khá mạnh ở KLS với hơn 1.3 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị 13.4 tỷ đồng.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TUẦN 24 – 28/10/2011
Diển biến tỷ giá vẫn ”căng như dây đàn” khi NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá liên ngân hàng lần thứ 11 trong tháng lên mức 20,748 đồng, tỷ giá trần được áp dụng rộng rãi tại các NHTM là 20,955 đồng.
Làm thế nào để “hạ nhiệt” tỷ giá đang là câu hỏi khó khi nguyên nhân chính dẫn đến biến động tăng mạnh của tỷ giá chủ yếu đến từ hoạt động bình ổn giá vàng trên thị trường. Câu hỏi đặt ra là liệu NHNN sẽ thực hiện những biện pháp gì để đạt được mục đích ổn đinh giá vàng và tỷ giá trong bối cảnh người dân vẫn đẩy mạnh mua vàng mà vẫn giữ vững được dự trữ ngoại hối.
Đã có dấu hiệu cho thấy các ngân hàng nhỏ đang tiếp tục gặp khó khăn về thanh khoản khi lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng cao trong tuần qua. Trong tuần cũng xuất hiện thông tin cho thấy NHNN đang có những bước đi cụ thể hơn để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Các giải pháp được nói tới có thể là sáp nhập các ngân hàng quy mô nhỏ hay bơm vốn để “giải cứu” các ngân hàng khó khăn về thanh khoản. Trong một nhận định gần đây, chúng tôi đã nêu ra các thách thức và trở ngại cần phải vượt qua nếu NHNN mong muốn thực hiện các biện pháp này một cách hiệu quả.
Thị trường sẽ đón nhận thông tin chỉ số CPI tháng 10 của cả nước trong tuần giao dịch tới. Mặc dù CPI của hai thành phố lớn khá thấp nhưng do ảnh hưởng của thiên tai trong thời gian qua nên nhiều khả năng CPI cả nước sẽ nằm ở mức 0.4 – 0.5% và theo đó, CPI tính đến tháng 10 tăng khoảng 17.1% so với cuối năm 2011. Nếu không có những tác động bất thường từ giá nhiên liệu, thiên tai … thì xu hướng giảm tốc này đang tạo tín hiệu khá tích cực cho lạm phát kỳ vọng và mặt bằng lãi suất trong thời gian tới.
Phiên giao dịch cuối tuần đã gỡ tạm thời gỡ bỏ nỗi lo giảm điểm sâu trở lại của thị trường khi thanh khoản bật tăng mạnh trở lại, diễn biến giao dịch tỏ ra tích cực và sôi động hơn. Mô hình Định lượng Kỹ thuật của chúng tôi đã cho tín hiệu tích cực trở lại khi gia tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trên cả hai sàn. Tuy nhiên, khi mà vẫn chưa có những tín hiệu rõ ràng từ những thông tin vĩ mô thì việc quan sát khối lượng giao dịch được coi là chỉ báo quan trọng nhất.
Có một thực tế là tại thị trường Việt Nam, cung cầu hoàn toàn có thể “xoay chiều” bất ngờ khó đoán định trước, và với những gì đang diễn ra, rủi ro của thị trường vẫn còn cao.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực. Mặc dù khối lượng giao dịch của ngày 21/10/2011 chỉ ở mức trung bình so với bình quân 20 phiên gần nhất nhưng sự phục hồi này cũng khiến cho giới đầu tư an tâm sau phiên giao dịch thấp kỷ lục trước đó. Chúng tôi cho rằng khối lượng sẽ tiếp tục là yếu tố được quan tâm hàng đầu vào tuần sau.
MACD cũng đã bắt đầu hướng lên sau phiên hôm nay. Nếu đà tăng được giữ vững thêm 1 – 2 phiên nữa thì khả năng chỉ báo này cho tín hiệu mua là rất lớn.
Tuy nhiên, lo ngại chính hiện nay là liệu đợt tăng trưởng lần này có phải hiện tượng pullback sau khi phá vỡ Fibonacci Retracement 161.8% hay không? Hiện tượng này thường sẽ không kéo dài quá 3 – 4 phiên cho nên nếu như VN-Index duy trì được đà tăng cho đến hết tuần sau, chỉ số này sẽ có cơ hội đi vào vùng tăng trưởng trở lại.
Chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng nếu thanh khoản dưới 30 triệu đơn vị/phiên trong những phiên giao dịch đầu tuần sau.

HNX-Index – Vùng đáy cũ chống đỡ tốt. Sự tăng trưởng mạnh của thanh khoản trên HNX-Index đã giúp cho nguy cơ thủng đáy cũ 65 – 67 điểm giảm bớt. Khối lượng khớp lệnh đã tăng trưởng đến gần 100% so với phiên giao dịch hôm qua (20/10/2011).
Một cây nến xanh và dài dạng gần như engulfing bull xuất hiện trong phiên giao dịch hôm nay cho thấy động lực tăng trưởng đã được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, phân kỳ giá lên của một số chỉ báo như Ultimate Oscillator, RSI... cũng sắp hoàn thành.
Sự thận trọng có thể được giảm bớt nều đầu tuần sau đà tăng vẫn được duy trì.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Tăng trưởng khá mạnh (+1.35%) trong phiên giao dịch ngày 21/10/2011, VS 100 bắt đầu xuất hiện một vài tín hiệu cho thấy khả năng tăng điểm đang lớn dần.
Vùng 56 – 58 điểm sẽ ít có khả năng bị thủng nếu như thanh khoản tiếp tục được cải thiện trong những phiên tới.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 21/10/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 2.44, tức số mã tăng giá bằng 2.44 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 8.79, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 8.79 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 3.38 lần và VS-U/D HNX bằng 40.43 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 0.17.
Chỉ số VS-Thrust VN vẫn chỉ duy trì ở mức trung bình nên khả năng có bứt phá mạnh không quá cao.

THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG TUẦN 17 – 21/10/2011

Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Vietstock Weekly 24 - 28/10: Chờ đợi tín hiệu từ khối lượng giao dịch