Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: Vinashin lấp liếm nhiều sai phạm


Sáng 21-10, bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền (ảnh) đã có cuộc trao đổi với báo chí về quá trình thanh tra Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) mà dư luận đang hết sức quan tâm.
PV: Quá trình thanh tra Vinashin hiện vẫn chưa kết thúc. Có ý kiến cho rằng nếu việc thanh tra được tiến hành sớm hơn thì hậu quả có thể không nghiêm trọng đến như vậy. Ý kiến của ông về bình luận này?

Ông TRẦN VĂN TRUYỀN: Từ năm 2005 đến nay có tất cả 13-14 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát... Những cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán này đã phát hiện rất nhiều nội dung sai phạm, trong đó thanh tra của Bộ Kế hoạch - Đầu tư phát hiện tập đoàn đầu tư ngoài ngành, đầu tư tràn lan và đã kiến nghị rất nhiều nội dung. Thanh tra tài chính cũng phát hiện việc sử dụng vốn không đúng mục đích, không hiệu quả và cũng đã kiến nghị xử lý. Rồi một số hoạt động thanh tra của Thanh tra Chính phủ, giám sát của Quốc hội, kiểm tra của Trung ương về việc đổi mới doanh nghiệp... cũng đã chỉ ra rất nhiều nội dung sai phạm ở Vinashin.

Đáng tiếc là Vinashin đã tìm cách báo cáo không đúng sự thật để lấp liếm việc làm của mình, vẫn báo cáo có lãi và kết quả hạch toán vẫn là lãi. Tôi cho rằng dù có thanh tra toàn diện kịp thời từ ban đầu, chỉ ra hết những sai phạm nhưng nếu tập đoàn không tự giác chấp hành và không khắc phục thì khó tránh khỏi hậu quả như bây giờ.

Tuy nhiên, đúng là cơ chế giám sát thanh tra của chúng ta cũng đang có vấn đề. Nhiều cơ quan vào cuộc nhưng chưa có quy định rõ cơ quan nào làm toàn diện, cơ quan nào làm theo chuyên ngành nên có tình trạng thanh tra tài chính vào thì nói về vốn, thanh tra kế hoạch vào thì nói về quy hoạch, đầu tư... Từ đó dẫn đến có những nội dung bị chậm. Riêng Thanh tra Chính phủ từng 2 - 3 lần đề xuất đưa vào kế hoạch thanh tra toàn diện vì thấy tình hình ở đây có rất nhiều dấu hiệu không ổn. Nhưng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, quan điểm chung cho rằng phải giảm bớt áp lực về thanh tra để đơn vị tập trung xử lý khó khăn. Chúng ta cố tránh thanh tra, kiểm tra chồng chéo nên nếu có kiểm toán thì thanh tra không làm và thanh tra làm thì kiểm toán không làm. Điều đó đúng nhưng cũng khiến một số việc bị chậm, tới đây phải rút kinh nghiệm để có sự phân công rành mạch. Tôi được biết Chính phủ hiện nay đang tính toán việc phân công này.

Thêm nữa, phải có cơ chế để bảo đảm đơn vị chấp hành nghiêm các kết luận thanh tra. Như hiện nay, ngay cả kết luận của Thủ tướng mà đơn vị không làm thì cũng không có việc phúc tra, không có chế tài xử lý.

- Trong lần thanh tra này có xem xét đến trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, nhất là cơ quan quản lý nhà nước trong việc không thực hiện những kiến nghị thanh tra?

Đương nhiên, khi tiến hành thanh tra toàn diện ở một đơn vị chúng tôi không chỉ xem xét trách nhiệm của đơn vị đó mà xem xét cả trách nhiệm của cơ quan chủ quản và kể cả những cơ quan đã vào thanh tra mà không có giải pháp gì để chấn chỉnh tình hình.

- Xin hỏi ông một cách thẳng thắn, trong quá trình thanh tra Vinashin, Thanh tra Chính phủ có bị sức ép nào không?

Không hề có sức ép nào. Hiện tại chúng tôi đã triển khai suôn sẻ nhiều nội dung trong kế hoạch thanh tra và đã phát hiện được thêm nhiều vấn đề cụ thể trong quá trình thanh tra.

- Xin cảm ơn ông.