[h1]Nếu chuyển sang một chế độ tỷ giá khác thì phải
có cách thức, thời điểm chuyển thích hợp để tránh gây ra những cú sốc
và phải rất minh bạch trên thị trường.[/h1]Việc sử dụng nhiều loại đồng tiền trong giao dịch
quốc tế, trong giao dịch thương mại được cho rằng sẽ mang lại nhiều lợi
ích, chia sẻ rủi ro, đỡ lệ thuộc vào một đồng tiền và đỡ bị mất thời
gian, cơ hội và chi phí chuyển đổi khi phải giao dịch qua đồng tiến thứ
ba…

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành
cho rằng, để làm được điều đó thì lại là một câu chuyện không hề dễ
dàng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ nhất,
đây không phải câu chuyện “cải cách hành chính” đơn thuần chỉ cần ban
hành văn bản rồi tổ chức triển khai hoặc cưỡng chế là xong, mà đây là
việc liên quan nhiều đến tâm lý, thói quen, tính phổ biến và thái độ tự
nguyện của mỗi doanh nghiệp, mỗi ngân hàng, mỗi đối tác cũng như sự
không đầy đủ các Hiệp Định thanh toán song phương.

Chính
vì vậy, để đa dạng hóa được đồng tiền thanh toán thì từ phía cơ quan
chức năng phải có những biện pháp triển khai đồng bộ.

Chẳng
hạn như, bổ sung các cam kết quốc tế, những cam kết mở rộng Hiệp Định
thương mại như các Hiệp Định thương mại tự do, song phương, qua đó làm
gia tăng quan hệ đầu tư thương mại.

Từ đó sẽ dần
tạo ra nhu cầu cần thiết hơn phải đa dạng hóa đồng tiền để sử dụng
những đồng tiền khác nhau trong thanh toán quốc tế với những đối tác
thương mại tương thích, thu hẹp dần khu vực dùng đồng USD mà lâu nay
thường dùng thay đồng tiền mạnh khác.

Thứ hai,
liên quan đến chuyện hiểu biết của doanh nghiệp về những công cụ phòng
chống rủi ro tỷ giá, công cụ phái sinh phòng chống rủi ro tỷ giá, cần
phải tổ chức tuyên truyền, tập huấn và điển hình hoá...

Việc
học hỏi để sử dụng những công cụ này không phải ngày một ngày hai đòi
hỏi các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp lớn phải có đội ngũ hiểu
biết và sử dụng thành thạo.

Theo đánh giá
chung, hiện nay ngay cả với những ngân hàng thương mại và các định chế
tài chính thì trình độ hiểu biết và việc sử dụng những công cụ phái
sinh còn rất hạn chế chưa nói gì đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt
Nam - ông Thành khẳng định.

Ông Thành cho
rằng, hành vi tự nguyện này phải được chuyển hoá tự thân trên cơ sở cơ
chế rõ ràng, thị trường minh bạch và lợi ích kinh tế hiện hữu của các
bên và từng bên liên quan; không ai có thể dùng mệnh lệnh hành chính để
ép buộc.

Thứ ba, liên quan đến chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá và cả cơ cấu dự trữ ngoại hối Nhà nước hiện hành vẫn cơ bản gắn với USD.

Đã
từng có ý kiến cho rằng tỷ giá của Việt Nam nên gắn với một rổ tiền tệ
theo trọng số giá trị xuất - nhập khẩu và thanh toán phi mậu dịch giữa
Việt Nam và các đối tác thương mại hay với từng quốc gia cụ thể, theo
nhóm đồng tiền mạnh cần hướng tới cụ thể.

Theo
ông Thành, điều này cũng cần có thời gian vì nếu chuyển từ một chế độ
tỷ giá này sang một chế độ tỷ giá khác thì phải có cách thức, thời điểm
chuyển thích hợp để tránh gây ra những cú sốc và phải rất minh bạch
trên thị trường.

Cuối cùng là thay đổi thói
quen và tăng cường nhận thức của cả các nhà hoạch định chính sách lẫn
đối tượng điều chỉnh của chính sách…

Do đó, câu chuyện chuyển đổi này là không hề đơn giản, không thể một sớm một chiều.

Tuy
nhiên, ông Thành cũng cho rằng, những khó khăn về việc khan hiếm giả
tạo đồng USD trong giao dịch thương mại thời gian qua và sự suy yếu của
đồng USD so với hầu hết các đồng tiền mạnh khác đã và đang diễn ra trên
toàn cầu… chính là “cơ hội vàng” để Việt Nam có thể xúc tiến mạnh mẽ
các hoạt động liên quan đến việc sớm đa dạng hóa đồng ngoại tệ trong
thanh toán quốc tế.




Hạnh Lệ

www.vinafox.com